Sơn Tây, Ba Vì: Sống chung với lũ

(ANTĐ) - Thành phố Sơn Tây - Hà Tây dù chỉ có hơn 5,4km đê Hữu Hồng nhưng có khoảng 550 hộ dân sinh sống trong vùng thường xuyên bị ngập lũ. Đặc biệt, vào năm 2006, do mực nước sông Hồng lên mức BĐ III làm xói chân kè, gây sạt lở 4 cung ở kè Hồng Hậu, có đoạn đã và đang sạt sâu vào bãi tới 15m.

Sơn Tây, Ba Vì: Sống chung với lũ

(ANTĐ) - Thành phố Sơn Tây - Hà Tây dù chỉ có hơn 5,4km đê Hữu Hồng nhưng có khoảng 550 hộ dân sinh sống trong vùng thường xuyên bị ngập lũ. Đặc biệt, vào năm 2006, do mực nước sông Hồng lên mức BĐ III làm xói chân kè, gây sạt lở 4 cung ở kè Hồng Hậu, có đoạn đã và đang sạt sâu vào bãi tới 15m.

Ông Nguyễn Đức Hạnh - Ban chỉ huy PCLBU TP Sơn Tây cho biết: “Kè Hồng Hậu thời gian trước được kè bằng đất, qua vài mùa lũ đất đã lở hết gây sạt lở vào đến bãi. Hiện, Ban chỉ huy PCLBU TP Sơn Tây quyết định thả đá để tạm thời giữ chân đê”. Kè Tỉnh Đội cũng đã xảy ra sạt lở khá nghiêm trọng vào tháng 11-2007, hiện vẫn tiếp tục bị sạt rộng sang hai phía và ngày càng sâu.

Đặc biệt, mỗi dịp hồ Hòa Bình xả lũ thì tình hình sạt lở lại càng nghiêm trọng. Bên cạnh việc sạt lở tại 2 kè Tỉnh Đội và Hồng Hậu, nước lũ một số nơi trên địa bàn TP Sơn Tây cũng đã bắt đầu mấp mé chân đê. Ngày 27-7, mực nước sông Đà và sông  Hồng tại Sơn Tây đã vượt mức BĐ I là 13cm, Cùng ngày, Ban chỉ huy PCLBU TP Sơn Tây đã có Công điện số 02  và lệnh báo động lũ trên sông Hồng.

Trong ngày hôm qua, 28-7 mực nước duy trì ở mức xấp xỉ BĐ I, 12,46m. “Mực nước này sẽ được duy trì đến khi hồ Hòa Bình đóng bớt cửa xả lũ, còn nếu vẫn tiếp tục xả lũ và mở thêm cửa xả thì mực nước sẽ lên. Nếu nước sông Hồng lên BĐ II thì sẽ ngập lưng chân đê, kéo theo đó là một số xã, phường ngoài bãi: Đường Lâm, Viên Sơn, Phú Thịnh... cũng bắt đầu bị ngập, và nếu lên BĐ III thì sẽ phải sơ tán toàn bộ hơn 500 hộ dân đang sinh sống trong vùng ngập” - ông  Hạnh cho biết thêm.

Nước sông Hồng đã lên ngập các bãi ngoài đê
Nước sông Hồng đã lên ngập các bãi ngoài đê

So với Sơn Tây, Ba Vì có gần 40km đê: đê sông Đà, sông Hồng, trong đó đê sông Hồng kéo dài hơn 26km. Dọc tuyến đê sông Hồng thuộc địa bàn Ba Vì không ít xã đã bắt đầu bị ngập vào đến thôn, xóm: Phú Châu, Chu Minh, Vân Hồng, Khánh Thượng... Tại thôn Phú Xuyên - Phú Châu nước lũ đã làm ngập hết các con đường đi lại trong thôn, mọi họat động đi lại bằng thuyền. Anh Hồng - thôn Phú Xuyên, Phú Châu, Ba Vì cho biết: “Dọc thôn Phú Xuyên năm nào về mùa lũ cũng bị ngập, nên nhà nào cũng sắm sẵn một chiếc thuyền để đi lại vào mùa lũ”. Nhưng khi được hỏi nếu nước lũ lên cao hơn thì người dân có đi sơ tán không, anh Hồng cho biết: “Sơ tán ở đâu được, với lại năm nào cũng bị ngập nên cũng quen rồi. Nước cũng chỉ lên trong dăm ba ngày, chỉ cần sơ tán trâu, bò thôi, còn người thì vẫn ở lại, nấu nướng, sinh họat trên giường hoặc nóc tủ”.

Lý giải về vấn đề này, anh Hứa Bá Trình - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Ba Vì cho biết: “Toàn huyện Ba Vì có khoảng hơn 1 vạn dân sống trong vùng thường xuyên bị ngập lũ, do đó, với một số dân đông như vậy huyện cũng không thể tổ chức sơ tán dân mỗi khi có lũ về được. Bởi vậy, huyện chỉ báo động về mực nước, mức lũ để người dân chủ động tự sơ tán. Mặt khác, chúng tôi cũng như hơn 1 vạn dân Ba Vì sống trong khu vực ngập lũ đã xác định sống chung với lũ”.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Ba Vì một số kè đang trong tình trạng nguy hiểm phải xử lý khẩn cấp: Kè Phong Vân - Cổ Đô, kè Thuần Mỹ, kè Minh Quang - Khánh Thượng. Đặc biệt, tình hình sạt lở tại kè Khánh Thượng rất nghiêm trọng. Ông Nguyễn Xuân Chằm - Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng lo lắng: “Mặc dù mới bị sạt lở từ năm 2004 nhưng tốc độ lại ngày càng mạnh, đến nay sạt lở đã lấn sâu vào đất đai sản xuất từ 30-40m. Năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây cùng với Bộ NN&PTNT đã cho xử lý khẩn cấp bằng cách thả đá để hộ chân đê, nhưng  cũng vì vậy mà phía bên trên taluy lại sạt lở nghiêm trọng hơn. Hiện 3 hộ dân đang bị đe dọa, chỉ còn cách bờ sạt lở 2m”.

Mặt khác, theo ông Chằm, cứ về mùa lũ là hơn 51ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã thường xuyên không có thu hoạch, gần như ngập hoàn toàn. Ông Chằm cho biết: “Người dân Khánh Thượng về mùa mưa lũ lại nơm nớp lo kè Khánh Thượng không chịu nổi sức lũ, bởi chỉ cần mưa tương đối lớn cũng đã gây sạt lở rồi”.

Để kịp thời tổ chức sơ tán người dân vùng bãi hay phát hiện những sự cố từ đê kè, hiện Ban chỉ huy PCLBU TP Sơn Tây đã tổ chức trực 24/24h tại 6 điếm canh đê. Với mức BĐ I, lực lượng ứng trực là 6 người, BĐ II là 9 người và BĐ III là 12 người. Bên cạnh đó, UBND TP còn tổ chức một  lực lượng xung kích gồm 100 người sẵn sàng tham gia hộ đê khi có  sự cố. Các phương án sơ tán, di dời dân đã được triển khai cụ thể.

Tuy nhiên, do mấy năm trở lại đây không có lũ lớn về nên đã có tư tưởng chủ quan coi nhẹ công tác PCLBU ở một số địa phương, và ở cả người dân. Mùa lũ năm 2008 được đánh giá với mức độ diễn biến phức tạp, khả năng xảy ra lũ lớn ở những nơi thậm chí chưa bao giờ có lũ. Vì vậy, ngoài việc xác định tâm lý sống chung với lũ thì các ngành chức năng cũng như mỗi người dân nên luôn luôn sẵn sàng tinh thần “chạy lũ”, phương án “4 tại chỗ” không thể chỉ là khẩu hiệu suông.

Ngân Tuyền