Sớm đưa vàng vào khuôn khổ

(ANTĐ) - Theo các con số thống kê không chính thức, có khoảng  460-1.000 tấn vàng hiện đang được tích trữ trong dân, Hội đồng Vàng thế giới đánh giá Việt Nam là một trong 5 quốc gia có lượng tích trữ vàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc thiếu kiểm soát và không huy động được nguồn vàng dự trữ khiến nguồn lực này không phát huy được tác dụng, mặt khác còn khiến cơ quan quản lý khó khăn trong việc hoạch định chính sách tiền tệ.

Ủy ban giám sát tài chính quốc gia:

Sớm đưa vàng vào khuôn khổ

(ANTĐ) - Theo các con số thống kê không chính thức, có khoảng  460-1.000 tấn vàng hiện đang được tích trữ trong dân, Hội đồng Vàng thế giới đánh giá Việt Nam là một trong 5 quốc gia có lượng tích trữ vàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc thiếu kiểm soát và không huy động được nguồn vàng dự trữ khiến nguồn lực này không phát huy được tác dụng, mặt khác còn khiến cơ quan quản lý khó khăn trong việc hoạch định chính sách tiền tệ.

Thiếu kiểm soát gây nhiều áp lực

Ngày 9-6, tại cuộc Hội thảo Tác động của thị trường vàng đến thị trường tài chính Việt Nam do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã có những phân tích và khuyến nghị nhằm phát triển thị trường vàng Việt Nam phù hợp với quy luật và hạn chế những tác động tiêu cực do những bất ổn mà thị trường vàng gây ra.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ước tính, dung lượng thị trường vàng Việt Nam ở trong khoảng từ 21-45 tỷ USD, bằng khoảng 20-45% GDP năm 2010. Trong khi ở hầu hết các nước có dự trữ vàng lớn nhất, tỷ lệ này chưa tới 3%. Thực tế, Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới. Trong khi cầu vàng trong nước tăng cao thì nguồn cung lại rất hạn chế, 95% lượng vàng tiêu thụ tại Việt Nam được nhập khẩu. Lượng dự trữ vàng chủ yếu nằm trong dân, dự trữ chính thức của Nhà nước không đáng kể. Điều này tác động rất lớn tới các chỉ số kinh tế vĩ mô như tiết kiệm, đầu tư, cán cân thanh toán quốc tế….

Thiếu minh bạch cũng như thiếu liên thông với thị trường vàng quốc tế khiến thị trường vàng Việt Nam sinh ra nhiều bất ổn
Thiếu minh bạch cũng như thiếu liên thông với thị trường vàng quốc tế khiến thị trường vàng Việt Nam sinh ra nhiều bất ổn

TS.Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc quy đổi giá trị tài sản theo vàng đã trở thành thói quen lâu đời của người Việt Nam. Mặt khác, khủng hoảng, lạm phát, các kênh đầu tư khác nhiều rủi ro đã khiến một lượng vốn lớn chảy vào vàng. Những con số nêu trên chứng tỏ, một nguồn lực tài chính lớn không đến được nơi trực tiếp tạo ra của cải vật chất, tăng năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia mà chạy lòng vòng giữa các kênh đầu tư tài chính. Điều này làm méo mó chức năng cơ bản của hệ thống tài chính, hơn thế nguồn vốn hoạt động không chính thức này còn gây sức ép không nhỏ lên thị trường ngoại hối, cán cân thanh toán, chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Giải pháp nào cho thị trường vàng?

Ông Nghĩa nhận định, mục tiêu quản lý thị trường vàng cần hướng tới tăng lượng vàng dự trữ chính thức tại Ngân hàng Trung ương một cách nhanh chóng. Đây là biện pháp quan trọng vừa cấu trúc lại dự trữ ngoại tệ, vừa vốn hóa một lượng vàng dự trữ trong dân. Quản lý thị trường vàng cần hướng theo nguyên tắc công khai, minh bạch, an toàn và ổn định. Qua đó, tăng thu cho ngân sách và điều tiết thị trường hợp lý hơn.

Nguyên nhân của các cơn sốt vàng trong thời gian qua không chỉ do mất cân đối cung cầu, mà còn bởi thông tin thiếu minh bạch, nhất quán của các cơ quan có trách nhiệm trên thị trường. Đây chính là điều kiện cho giới đầu cơ trục lợi thao túng và làm lũng đoạn thị trường. Bởi vậy, việc công khai, minh bạch thông tin sẽ giúp nhà đầu tư đặt niềm tin vào chính sách, có chiến lược dài hạn cho hoạt động đầu tư.

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, việc điều hành, quản lý thị trường vàng trong thời gian qua chưa thực sự linh hoạt, mang nặng tính chất hành chính và xử lý theo tình thế. Do đó, chưa định hướng được cho các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh vàng theo hướng phát triển thành ngành công nghiệp chế tác vàng trang sức.

Ông Long đề xuất, cần thiết lập hành lang pháp lý cho kinh doanh vàng trên tài khoản, giải pháp mang tính chiến lược này sẽ góp phần phát triển thị trường vàng Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế và cũng là giải pháp để thực hiện định hướng quản lý thị trường vàng miếng.

Tại hội thảo, các chuyên gia khuyến nghị các giải pháp như bỏ chế độ cấp quota đối với nhập khẩu và xuất khẩu thay bằng biện pháp đánh thuế. Cơ quan quản lý nên cho phép thành lập một sở giao dịch vàng quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên….

Theo kết quả một cuộc điều tra tại Hà Nội do Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia thực hiện: Có 31,33% số hộ gia đình được điều tra có đầu tư, tích lũy vàng; trong đó 28,23% số hộ gia đình có giữ vàng tại nhà. 92% số hộ gia đình giải thích giữ vàng là do thói quen và tâm lý phòng xa, đầu tư bằng vàng và ngoại tệ chiếm tới 17% trong cơ cấu đầu tư.

Anh Tú