"Soi" từng khoản chi phí làm đường nghìn tỷ Hoàng Cầu - Voi Phục

ANTD.VN - Tổng mức đầu tư của dự án xây dựng đường vành đai 1 Hà Nội, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là 7.779 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị xây lắp chỉ khoảng 785 tỷ đồng (gần 10%), trong đó, bao gồm cả 2 công trình cầu vượt. 90% tổng mức đầu tư còn lại (khoảng 6.994 tỷ đồng) là chi phí bồi thường, GPMB và dự phòng phí…  

Xung quanh dư luận cho rằng tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 1 Hà Nội, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (7.779 tỷ đồng) là quá đắt đỏ (hơn 3,4 tỷ đồng/1 mét đường), thậm chí bị coi là “đắt nhất hành tinh”, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với đại diện chủ đầu tư tuyến đường này.

Làm đường chỉ tốn 406 tỷ đồng

Chỉ ra từng khoản mục đầu tư của tuyến đường vành đai 1 Hà Nội, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (dài 2.274 m), ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội cho biết, theo Quyết định 2113/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, thành phố Hà Nội của Chính phủ, dự án chiều dài 2.274 m, mặt cắt ngang 50m, diện tích khoảng 153.341 m2 (bao gồm 2 cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1 tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh).

Đáng chú ý, trong tổng mức đầu tư 7.779,125 tỷ đồng của dự án, phần giá trị xây lắp chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 10%, tương đương 785 tỷ đồng. “Trong số này, phần đầu tư xây dựng đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ chỉ có 406 tỷ đồng, còn lại 326 tỷ đồng dành xây dựng 2 cầu vượt và 53 tỷ đồng chi phá dỡ các công trình nổi. Như vậy, nếu chỉ tính thuần phần xây lắp thì chi phí làm đường khoảng 178,5 triệu đồng/ 1m.

Không chỉ làm đường, dự án còn đầu tư xây dựng hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (cấp, thoát nước, chiếu sáng, tổ chức giao thông…) và kiến trúc cảnh quan bao gồm vỉa hè phía Nam đường Đê La Thành tại phần dải đất giữa đường vành đai 1 và đường Đê La Thành, đoạn Hoàng Cầu đến Láng Hạ, với diện tích khoảng 6.083 m2…” - ông Nguyễn Sỹ Bảo nói.

Đường Hoàng Cầu - Voi Phục tốn hơn 6.000 tỷ đồng cho GPMB

“Gánh” chi phí GPMB quá lớn

Cũng theo chủ đầu tư, dù có giá trị xây lắp khiêm tốn nhưng tổng mức đầu tư đội lên tới 7.779 tỷ đồng là do dự án có chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rất lớn, lên tới 6.009 tỷ đồng (chiếm hơn 77%), trong đó, có 4.184 tỷ đồng chi GPMB tại quận Ba Đình, số còn lại thuộc quận Đống Đa.

“Tổng số hộ dân thuộc diện GPMB trong phạm vi dự án rất lớn, lên tới 2.328 hộ, trong đó, quận Đống Đa có 808 hộ; quận Ba Đình có 1.520 hộ. Nhu cầu nhà tái định cư khoảng 2.239 căn hộ” – ông Nguyễn Sỹ Bảo thông tin.

Tới nay, Sở Xây dựng đã bố trí nhà tái định cư cho dự án này từ 5 dự án (nhà 30T1-30T2 A14 khu đô thị Nam Trung Yên: 672 căn; dự án nhà ở tái định cư tại phường Trung Hòa: 150 căn; dự án tổ hợp nhà ở - trung tâm thương mại – siêu thị - văn phòng gần Big C – Cầu Giấy: 201 căn; dự án nhà CT3-CT4 Xuân La - Tây Hồ: 960 căn; dự án khu nhà ở cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an: 388 căn).

Ngoài ra, tổng mức đầu tư còn phải “gánh” khoản dự phòng phí khá lớn (dự phòng khối lượng phát sinh và yếu tố trượt giá) khoảng 884 tỷ đồng (11,3%); cộng thêm các chi phí quản lý dự án (9 tỷ đồng); chi phí tư vấn đầu tư (31,6 tỷ đồng) và một số chi phí khác (59,7 tỷ đồng).

Giá bồi thường đất theo quy định

Ông Nguyễn Sỹ Bảo khẳng định: “Tổng mức đầu tư được lập trên cơ sở khối lượng và đơn giá căn cứ vào các định mức công bố giá hiện hành còn hiệu lực phù hợp với quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng”.

Về phần chi phí GPMB quá lớn, đại diện chủ đầu tư giải thích: “Chi phí đó được xác định theo phương án tổng thể GPMB căn cứ vào quy định của Nhà nước và thành phố về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

“Giá bồi thường quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/11/2014 của UBND TP Hà Nội, về giá các loại đất trên địa bàn Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2019, với hệ số điều chỉnh tương đương dự án đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu)” – ông Nguyễn Sỹ Bảo lý giải.

Khẳng định dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện cho rằng, trong quá trình triển khai xây dựng các dự án, thành phố sẽ phải tiến hành thu hồi đất và công tác GPMB sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận người dân. Dù vậy, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã có chính sách tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong diện GPMB. “Chúng tôi cam kết trong quá trình thực hiện sẽ đúng chính sách, chế độ của Nhà nước, đảm bảo mục tiêu chung và không có lợi ích cá nhân ở đây, góp phần xây dựng đồng bộ quy hoạch Hà Nội” – ông Vũ Văn Viện nói.