“Sôi sùng sục” vì đề xuất tịch thu xe

ANTĐ - Dư luận đang “sôi sùng sục” khi  Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có việc cho phép thí điểm tịch thu phương tiện nếu vi phạm nghiêm trọng về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Có quá nhiều ý kiến tranh cãi, trao đổi liên quan đến việc xử lý vi phạm của các “ma men”. Ý kiến đồng tình cũng nhiều, song ý kiến còn băn khoăn cũng không ít. 

Báo An ninh Thủ đô cuối tuần cũng đồng tình với việc tăng mức phạt, thậm chí phạt nặng đối với người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, song biện pháp tịch thu xe thì cần cân nhắc. Hiện nay, một số nước trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý hành chính, thậm chí là hình sự đối với hành vi uống rượu bia tham gia giao thông. Ở Việt Nam trước thực trạng tai nạn giao thông và số người tử vong do tai nạn giao thông vì uống rượu bia gia tăng, việc đặt ra một chế tài đặc biệt để ngăn chặn hành vi và để người dân ý thức về hành vi uống rượu bia là việc cần phải làm ngay. Song chế tài đó như thế nào để đạt được hiệu quả, và để quy định dễ áp dụng, có tính khả thi là điều cần phải tính toán, cân nhắc.

Theo đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia, người lái ôtô sẽ bị phạt tiền 8-15 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 6 tháng với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đến 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/l khí thở. Phạt tiền 15-20 triệu đồng và tước giấy phép lái xe một năm nếu nồng độ cồn trong máu là 50-80mg/100ml máu hoặc 0,25mg-0,4mg/l khí thở. Đồng thời phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe. Nếu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, lái xe sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện, đồng thời phải thi lại Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép.

Đưa ra chế tài mạnh để buộc người dân phải thay đổi ý thức

“Sôi sùng sục” vì đề xuất tịch thu xe ảnh 1

Mục đích đưa ra chế tài nặng như vậy là để người dân biết rõ được quy định sẽ bị tịch thu xe nên có ý thức không vi phạm. Hành vi say xỉn khi điều khiển phương tiện giao thông ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của bản thân người tham gia giao thông. Vì vậy, cần có chế tài để ngăn chặn hành vi đó xảy ra. Việc xử phạt có nhiều mức như đã đề nghị, mức tịch thu phương tiện là đã đưa ra một thông điệp rất mạnh mẽ để mỗi người dân khi uống rượu, bia sẽ phải có một quyết định khác hẳn trước đây. Hiện nay, trong Luật xử lý vi phạm hành chính đã có điều quy định về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Như vậy về mặt cơ sở pháp lý là hoàn toàn có cơ sở. Phương tiện tham gia giao thông là một tài sản lớn. Nhưng nếu so tài sản với tính mạng một con người thì hoàn toàn không có gì là nặng cả. Không có gì có thể lớn bằng sinh mạng con người. Nếu lo cho sinh mạng của mình, của gia đình mình và của những người xung quanh thì người tham gia giao thông phải quyết định không vi phạm. Đó là mục tiêu, thông điệp được gửi đến người dân, chứ không phải đặt mục tiêu tịch thu phương tiện của người dân. Đề xuất này được đưa ra, cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với những người tham gia giao thông. 

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia

Mức phạt hiện nay chưa đủ tính răn đe

“Sôi sùng sục” vì đề xuất tịch thu xe ảnh 2

Luật Giao thông đường bộ đã cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Người  sử dụng bia rượu không làm chủ được chính bản thân mình, từ đó không làm chủ tay lái, xử lý tình huống khi tham gia giao thông có thể xảy ra những bất trắc. Luật đã quy định các chế tài xử phạt nhưng người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông vẫn không giảm. Hiện tại mức xử phạt đối với người điều khiển ô tô có sử dụng rượu bia là 10-15 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX trong 2 năm và người điều khiển mô tô sử dụng rượu bia với phức phạt 2-3 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 2 tháng. Theo tôi mức phạt như vậy chưa đủ tính răn đe đối với những người tham gia giao thông uống rượu bia. Bằng chứng là vẫn còn rất nhiều người vi phạm. 

Việc đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông, tôi đồng tình. Tuy nhiên đề xuất tịch thu phương tiện còn liên quan đến nhiều vấn đề khác cần phải được nghiên cứu, cân nhắc và xem xét một cách cẩn trọng. 

Trung tá Nguyễn Văn Quỹ (Đội CSGT số 1 - Phòng CSGT Công an TP Hà Nội)

Tôi hoàn toàn ủng hộ

“Sôi sùng sục” vì đề xuất tịch thu xe ảnh 3

Theo quan điểm của cá nhân tôi, với mục tiêu đặt ra là để giảm thiểu những vi phạm pháp luật về giao thông thì việc thu phương tiện của người vi phạm có thể coi là một trong những biện pháp và có cơ sở pháp lý. Việc Ủy ban An toàn giao thông quốc gia muốn đề xuất việc tịch thu xe nhằm “đánh” mạnh trực tiếp vào tài sản buộc người tham gia giao thông phải thay đổi về ý thức tham gia giao thông. Trong trường hợp này là cần thiết, bởi ở các nước phát triển hay các nước trong khu vực như Singapore, Myanmar họ áp dụng được điều đó thì chẳng có lý do gì chúng ta không làm được. Hiện nay mới là ý kiến đề xuất nên chưa thể áp dụng được ngay vì vấn đề này nếu triển khai được, bước đầu tiên Quốc hội phải họp và sửa Luật, sau đó sửa điều khoản về áp dụng biện pháp bổ sung tịch thu phương tiện vi phạm, sau đó Chính phủ mới có văn bản hướng dẫn. Theo quan điểm riêng của tôi là hoàn toàn ủng hộ bởi không một quốc gia nào chấp nhận những hành vi của con người - tham gia giao thông - ở nơi công cộng được quyền coi cá nhân mình quan trọng hơn người khác, thích làm gì thì làm gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người khác. Vì vậy buộc phải đưa ra chế tài để ràng buộc tất cả các công dân đều bình đẳng như nhau. 

Luật sư Hoàng Văn Dũng, (Văn phòng Luật sư Bross và cộng sự)

Việc tăng mức xử phạt cần cân nhắc kỹ

“Sôi sùng sục” vì đề xuất tịch thu xe ảnh 4

Tôi nghĩ là việc Ủy ban An toàn giao thông quốc gia bức xúc với tình trạng tai nạn giao thông do say rượu là rất đúng. Nhưng có lẽ những người đề xuất quy định này vì quá nóng ruột mà chưa phân tích rõ nguyên nhân tại sao người dân không chấp hành việc đã uống rượu bia thì không lái xe. Tôi nghĩ mức phạt hiện nay đã đủ sức răn đe và phù hợp với điều kiện thu nhập của người dân, nếu chúng ta chỉ cần xử lý nghiêm theo các chế tài này thì chắc chắn tình trạng uống rượu bia lái xe sẽ giảm. Việc tăng mức xử phạt cần phải cân nhắc rất kỹ. Riêng đối với đề xuất tịch thu xe khi nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc quá 0,4 mg/lít khí thở theo tôi cần phải cân nhắc trên cơ sở những luật gốc như Luật xử phạt hành chính có quy định việc tịch thu tài sản khi vi phạm hành chính hay không, việc tịch thu có vi phạm quyền sở hữu tài sản được Hiến pháp quy định hay không. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam)


Xử phạt khi lái xe uống rượu bia ở các nước trên thế giới

Anh: Lái xe có nồng độ cồn có thể bị truy tố. 

Theo luật pháp ở Anh, lái xe vẫn bị truy tố mặc dù nồng độ cồn vẫn ở mức cho phép. Một số người còn tính toán để uống thế nào cho vừa đủ, 1 đến 2 lon bia hay ly rượu vang. Đây chính là vùng nguy hiểm. Phạt tối đa 6 tháng tù giam, phạt tiền lên đến 7.500 USD, cấm lái xe tối thiểu 12 tháng là hình phạt đối với lái xe cố tình vi phạm. Lưu lại lỗi vi phạm vì rượu, bia trên giấy phép lái xe trong 11 năm. Phạt tù 3 tháng cộng với tiền phạt lên đến 3.800 USD và lệnh cấm lái xe đối với chủ xe liên quan. Với những tài xế không hợp tác cung cấp mẫu vật từ hơi thở, máu hoặc nước tiểu để phân tích sẽ bị phạt tù tối đa 6 tháng, phạt tiền lên đến 7.500 USD và cấm lái xe 1 năm. 

Mỹ: Phạt bằng đủ các loại phí

Khi bị kết luận là lái xe dưới tác động của rượu (DUI), lái xe sẽ phải trả những khoản sau: tiền phạt 300-1.000 USD cho lần đầu vi phạm, lần tiếp theo là 15.000 USD trở lên; phí thử nồng độ cồn trong máu 500-1.000 USD; tiền chở xe về nơi cất giữ 300-500 USD kèm theo khoản phí trông giữ cũng như phí lấy xe. Nếu muốn được giải trình, 150 USD là lệ phí để cơ quan cảnh sát cử người bỏ thời gian nghe trình bày, lái xe sẽ phải đóng phí bảo hiểm gấp 2-3 thậm chí 5 lần cho mỗi chiếc xe đăng ký tên bạn. Tại nhiều bang ở Mỹ, vi phạm DUI lần đầu có thể bị giam 1 tuần, lần 2 trong 5 năm là 30 ngày, lần 3 là 120 ngày là ít nhất; từ lần 3 trở đi lái xe sẽ bị coi là tội phạm, bị tước 1 số quyền công dân. 

Nga: Có thể bị tù tới 15 năm

Hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi lái xe say rượu, điều khiển phương tiện giao thông quá tốc độ hay vượt đèn đỏ tại Nga sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất là 15 năm tù và mức thấp nhất cũng là 5 năm tù và phạt tiền cao lên đến 500.000 ruble. Hình phạt này được áp dụng ở thủ đô Moskva và TP Saint Petersburg. Còn tại các thành phố và khu vực khác, mức án phạt cho lỗi này là 250.000 ruble .

Nhật: Cũng phải chịu trách nhiệm hình sự

Nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu trên 80mg/100ml - đi tù 5 năm. Luật Giao thông Hàn Quốc quy định: Đối với những lái xe có nồng độ cồn trong máu (BAC) đo được tại thời điểm kiểm tra từ 0,1-0,2% sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 1 năm hoặc nộp phạt từ 3 đến 5 triệu won. Đối với trường hợp có BAC cao hơn 0,2%, từ chối thổi máy kiểm tra BAC hoặc đã vi phạm lỗi tương tự 3 lần trở lên có thể bị phạt tù từ 1 đến 3 năm hoặc nộp phạt từ 5-10 triệu won. 

Thái Lan: Có cả luật say rượu bia

Luật say rượu lái xe quy định: Mức phạt dành cho người từ chối đo nồng độ cồn khi lái xe có thể bị phạt tiền 10.000 đến 20.000 Baht (tương đương từ 300 đến 600 USD) hoặc bị phạt 1 năm tù.