Sợi dây giày

ANTĐ - Lần nọ, một nghệ sĩ bậc thầy về ca kịch Nhật Bản diễn vai một người lữ khách. Ngay lúc ông chuẩn bị lên sân khấu, bỗng nghe một học trò kêu lên nhắc nhở: “Thầy ơi, giày của thầy bị tuột dây rồi kìa”. Ông mỉm cười đáp: “Cảm ơn con”, rồi lập tức, ngồi xổm xuống, thắt chặt lại dây giày. 

Nhưng khi đi khuất tầm mắt người học trò, ông lại ngồi xuống, nới lỏng dây giày vừa được buộc chặt. Thì ra ông cố ý như thế, chứ không phải ông lơ đễnh để tuột dây giày như người học trò kia lầm tưởng. Ý đồ của ông là, sợi dây giày lỏng lẻo, có phần cẩu thả và lôi thôi, sẽ thể hiện được bộ dạng thất thểu của nhân vật người lữ khách trên cuộc hành trình đầy gian nan, vất vả. 

Có một nhà báo vô tình chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện, lấy làm khó hiểu với cách hành xử của người nghệ sĩ tài danh kia. Đợi khi sân khấu hạ màn, anh tìm gặp ông và hỏi: “Tại sao lúc đó ông không nói luôn ý đồ nghệ thuật cho học trò của mình? Ông làm thế khiến anh ta không hiểu đúng giá trị nghệ thuật của vở kịch này còn gì?”.

Người nghệ sĩ bình thản đáp: “Người ta có lòng quan tâm thì mình phải đón nhận và cảm ơn họ  trước đã chứ. Để giảng giải cho học trò kỹ năng diễn kịch thì còn nhiều cơ hội mà. Không nên tùy tiện đóng lại cánh cửa mà người khác đã mở ra để giúp mình”.