Sói biển giữa trùng khơi

ANTĐ - Nhắc đến chuyện ra khơi, ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có thể kể ngày này qua tháng khác vẫn không hết chuyện. Một phần trong những câu chuyện đó là về những con người đã viết nên “huyền thoại sống” trên biển đảo quê hương.

Sói biển giữa trùng khơi ảnh 1Sói biển Lê Lớn 

Chuyến đánh bắt đầu tiên

Ở tuổi 61, thuyền trưởng Dương Minh Thạnh là một trong số những ngư dân nhiều kinh nghiệm nhất ở đảo Lý Sơn. Người ta coi ông là người thừa kế tinh thần của Hải đội Hoàng Sa lịch sử và cũng là người đầu tiên ở Lý Sơn vươn khơi khai phá ngư trường Hoàng Sa. 

Mở tấm bản đồ Việt Nam rồi đặt lên đó những ê ke, thước, đèn dầu và một la bàn đã rỉ sét, ông bắt đầu kí ức về những chuyến đi. Ngày 16-2-1982, 3 chiếc thuyền mang số hiệu 071, 072, 073 của ông Dương Minh Thạnh, cùng anh trai Dương Minh Chính và ông Nguyễn Lợi điều khiển mang theo 48 thuyền viên xuất phát chạy thẳng về phía Hoàng Sa. Thời điểm đó, người Lý Sơn chỉ đánh bắt gần bờ trên những phương tiện thô sơ như ghe mây, thúng, mủng… 3 chiếc đi theo 3 hướng, giữ khoảng cách để luôn thấy được nhau, và ra hiệu lệnh khi trông thấy mục tiêu. Mất 1 ngày 1 đêm, vượt 218 km thì đến được quần đảo Hoàng Sa. Quăng lưới. Chỉ sau 5 mẻ, cá đã đầy thuyền. Sau đó, họ chạy thẳng về Đà Nẵng bán. Chuyến đi đầu tiên đem về cho ông gần 1 lượng vàng. Một sự khởi đầu hoàn hảo.

Khởi đầu đó khích lệ ngư dân trên đảo rất nhiều. Từ 3 chiếc thuyền đầu tiên, đến 7 chiếc, rồi đến bây giờ cả Lý Sơn đã có hàng chục chiếc tàu khai thác trên ngư trường Hoàng Sa. Với riêng ông Thạnh, từ ngày đó đến nay, đã có hàng trăm, hàng nghìn chuyến ra khơi. Chuyến ngắn thì 5-7 ngày, dài thì 1 tháng. 2 con trai và cả 2 con rể ông cùng nối nghiệp bố. Xòe bàn tay như muốn che kín cả một vùng nước xanh thẫm từ Hoàng Sa đến Trường Sa trên tấm bản đồ, ông khẳng khái: “Chú có thể đến những địa điểm này mà không cần nhìn bản đồ. Không có vùng nào chú chưa đi qua. Những đảo nhỏ, những đá, những công trình trên biển…  chuyện đi biển nói ngày này qua ngày khác không hết. Nhưng có lẽ, đời đi biển chỉ gắn với 1 chữ thôi: chữ Nạn!”. 

Gặp nạn - cứu nạn

Năm 1991, Dương Minh Thạnh gặp một tai nạn khủng khiếp. Thời đó, ngư dân đi biển chỉ có thể tiếp nhận tin bão qua radio. Có khi vừa nghe tin báo, mũi ngửi thấy hơi gió, bão đã đến gần thuyền. Ngày 27-5-1991, thuyền ông gặp bão gần đá Bông Bay. Ông cùng 13 người bơi vào đá Bông Bay, bám trụ trên ngọn hải đăng, ăn cá sống, uống nước biển. Đến ngày thứ 24, khi mọi hy vọng đã tiêu tan thì một chiếc thuyền xuất hiện. Họ cung cấp nước ngọt và thức ăn. Cùng lúc đó, chiếc thuyền của ông Nguyễn Lợi đi tìm ông cũng xuất hiện. Trước khi lên tàu Nguyễn Lợi để trở về đảo, ông có cởi chiếc đồng hồ Seiko tặng vị thuyền trưởng giấu tên kia nhưng anh không nhận, chỉ nói “Sẽ có ngày gặp lại”. 

7 năm sau, ông Thạnh gặp lại ân nhân tại bến cá Thuận Phước, Đà Nẵng. Người thuyền trưởng đó tên Nguyễn Thanh Cơ, quê Bình Định. Ngồi hàn huyên tâm sự, ông mới hiểu lý do ngày đó anh không nhận trả ơn. Trên biển, cứ có tàu bị nạn là phải cứu. Bất kể tàu mình hay tàu nước khác. “Như năm 1997, chú gặp một tàu cá của Trung Quốc bị nạn ở khu vực Hoàng Sa. Họ hết lương thực, mang xoong nồi ra gõ để cầu cứu trong tuyệt vọng. Chú cho họ 15kg gạo, nước uống rồi kéo tàu của họ bị chết máy vào đảo Xà Cừ trú ẩn an toàn”. 

“Vậy nếu nhận tin cấp cứu khi mình đang đánh cá thì sao?”, tôi hỏi. “Dừng đánh bắt và đi cứu ngay”, ông Thạnh đáp không cần nghĩ. Năm 2003 khi đang đánh bắt ở khu vực Sinh Tồn Đông, nghe thông báo có một tàu cá gặp nạn ở đảo Song Tử Tây, dù lúc đó chỉ mới được gần nửa thuyền cá nhưng ông vẫn nổ máy chạy thẳng về đảo Song Tử Tây lai dắt chiếc thuyền gặp nạn về đảo. Vừa cứu được thuyền, lại vừa cứu được cá của họ.

Kể đến đây, giọng nói ông bỗng hạ xuống, trầm ngâm: Biển khơi rất hào phóng. Biển cho gì, ta nhận lấy. Nhưng khi cơn thịnh nộ nổi lên, biển lấy gì, không được oán trách. Vỡ thuyền thì đóng mới, mất cá thì lại ra khơi... Biển rộng lắm. Có đủ chỗ cho tất cả mọi người. Biển chỉ chật với lũ bành trướng, với kẻ dã tâm, thâm độc. 

Sói biển giữa trùng khơi ảnh 2Bùi Huệ vẫn rong ruổi hàng ngày trên đảo cùng đàn chó 

Đối mặt với “nhân tai”

Giọng đanh lại, ông Thạnh kể: Năm 1989, lần đầu tiên ông đụng độ thuyền Trung Quốc. Khi đó ông vừa thu lưới chuẩn bị trở về thì một chiếc tàu Trung Quốc áp sát mạn, vài tên lính có súng nhảy sang tàu dí súng vào người bắt ông lái tàu đến một điểm gần đó. Một chiếc tàu thu mua cá đã chờ sẵn. Chúng nhảy sang cướp hết cá rồi thả ông cùng thủy thủ về.

Kể từ đó trở đi, biển khơi không còn êm ả nữa. Đã biết bao lần ông đụng độ với tàu Trung Quốc. Bằng tài lái thuyền, lòng quả cảm, ông vượt qua tất cả. Khi chúng cố tình đâm, ông ngoặt thuyền né, tăng tốc để chạy. Khi chúng áp sát quăng móc vào mạn thuyền, ông chỉ huy thuyền viên chuẩn bị sẵn dao chặt đứt móc. “Vậy chú có bị bắt thêm lần nào không?”. “Chuyện đó phải hỏi Lê Lớn!”, ông Thạnh nói.

Lê Lớn sống ở đảo Bé (xã An Vĩnh, Lý Sơn). 47 tuổi. Cao dong dỏng, thô ráp, xù xì. Cũng như thuyền trưởng Dương Minh Thạnh, ông là một con sói biển thực thụ. 4 lần bị tàu Trung Quốc bắt giữ vào những năm 2003, 2006, 2009 và 2012. 3 lần đầu tiên, phía Trung Quốc đòi tiền chuộc. Khi người nhà ra Đà Nẵng chuyển tiền sang một tài khoản, họ mới thả Lê Lớn.

Lần thứ 4, không ai đòi tiền chuộc. Nhưng thay vào đó là nỗi ám ảnh. Ngày 12-2-2012, Lê Lớn cùng 11 thuyền viên của mình trong đó có cả con trai ông bị bắt. 11 người được thả ngay. Riêng ông, bị đưa về đảo Phú Lâm. Tại đây, chúng nhốt ông trong buồng giam. Mỗi ngày chỉ được ăn một ít cơm. Chúng trùm kín đầu ông, chỉ để hở hai đôi mắt để ông có thể nhận ra những người xung quanh mình mặc quân phục rằn ri, súng ống đầy đủ. Thông qua một người phiên dịch, màn trao khảo, ép cung diễn ra hàng ngày. Chúng bắt ông kể sai tọa độ bị bắt, ép ông phải thừa nhận nhà nước đã sai ông đánh bắt ở vùng biển này. Một mực từ chối, câu trả lời duy nhất của Lê Lớn là “Không”. Sau mỗi một câu nói đó là một lần bị dí roi điện. Lại ngất đi. Cứ thế đến ngày thứ 49, sau khi nhận được lời cảnh cáo không được đánh bắt ở khu vực đó nữa, chúng thả Lê Lớn về. Ngày 1-4-2012, khi ông trở về, rất nhiều ngư dân và lãnh đạo huyện đảo ra bến tàu đón ông. Như đón một người lính thắng trận trở về. 

Phận người bám biển

Trong câu chuyện của mình, ông Dương Minh Thạnh nhiều lần bảo: “Bám đảo, chứ không bám biển”. Bám đảo là vươn khơi, là đánh bắt xa bờ. Có thể nặng nhọc hơn, truân chuyên hơn nhưng không hiểm nguy như những người theo nghề bám biển. Nhất là nghề lặn biển. Chúng tôi không thể đến Đảo Bé mà không vào gặp Bùi Huệ. 10 năm trước, chàng trai 26 tuổi này bị đột quỵ trong 1 chuyến lặn biển. Đôi chân bị liệt, nhưng Huệ vẫn gắn bó với biển, đảo. Bằng một chiếc xe lăn và một đàn chó. Đàn chó vẫn kéo Huệ trên chiếc xe lăn đi lại hàng ngày giờ đã có thêm 1 con. Chúng tranh nhau mỗi khi có tiếng huýt sáo của Huệ.

Chúng rong ruổi cùng anh khắp đảo, khi đi ra khu nuôi cua dẹt, khi đi nhặt ốc. Khi Huệ nhớ biển, nhờ đứa cháu bế xuống lặn ngụp gần bờ, chúng đứng trên canh chừng. Khi hoàng hôn buông xuống, Huệ ngồi lặng nhìn biển xa thăm thẳm, chúng phủ phục dưới chân anh, im lặng. Anh Nguyễn Văn Quang không may mắn như Huệ. Khi đang ở sâu dưới đáy biển, ống dẫn khí ôxy của anh bị tuột. Người thợ lặn ấy ra đi mãi mãi, để lại gia đình nhỏ bé với 3 đứa con, và 1 người vợ đang bị căn bệnh ung thư hành hạ. Ngồi đối diện, người đàn bà bất hạnh với cái đầu trọc chỉ còn lơ thơ tóc, 2 hốc mắt sâu hoắm vén áo lên cho chúng tôi thấy một vệt mổ dài chạy suốt phần bụng. Ánh mắt chị hoang mang. Giờ chị sống bằng sự giúp đỡ của họ hàng, của bà con, của những tấm lòng hảo tâm khắp mọi miền. Nhưng có một điều gần như chắc chắn, rằng những đứa con chị khi lớn lên sẽ lại ra khơi. Chị chỉ vào thằng con bé nhất đang bò khắp nhà. Khi trượt ngã úp mặt trên nền đá hoa, hai tay nó vẫn cào cào, hai chân vùng vẫy. Cái dáng vẻ đó từa tựa như bài tập bơi đầu tiên của nó…