Sốc với thông tin USS Freedom lén theo dõi toàn bộ tàu thuyền trên biển Đông

ANTĐ - Thông tin rò rỉ: Các quan chức Bộ quốc phòng Mỹ thừa nhận, tàu tác chiến ven bờ LSC-1 đã từng sử dụng radar và các thiết bị cảm biến để giám sát, thu thập thông tin tình báo về tàu thuyền trên biển Đông.

Bài viết trên trang mạng Jane’s Defence Weekly tiết lộ, trong lần đầu tiên triển khai đến thường trực tại Singapore để tiến hành các hoạt động quân sự tại đông nam Á, tàu tác chiến ven bờ LSC-1 USS Freedom của Mỹ đã tiến hành những cuộc tuần tiễu trên biển Đông. Người phát ngôn của lực lượng tác chiến mặt nước của hải quân Mỹ cho biết, trong khoảng thời gian 10 tháng triển khai tại tây Thái Bình Dương, tàu tác chiến ven bờ này đã tiến hành những cuộc “tuần tra chính quy”.

LSC-1 USS Freedom là chiếc đầu tiên của lớp Freedom (lớp Tự Do) và cũng là chiếc đầu tiên trong số các tàu tác chiến ven bờ (Littoral Combat Ship-LSC) của Mỹ. 2 tuần sau khi nó kết thúc sứ mệnh hoạt động tại đây, thông cáo báo chí của hải quân Mỹ cho biết, trong thời gian thường trực ở Đông Nam Á, USS Freedom chủ yếu thường trực tại căn cứ hải quân Changi của Singapore và tham gia một số cuộc diễn tập, huấn luyện trên biển với hải quân đồng minh.

Tư lệnh lực lượng tác chiến mặt nước của Mỹ - Trung tướng Thomas H. Copeman - trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ căn cứ hải quân ở San Diego, California đã trả lời: “USS Freedom đã tiến hành vài cuộc tuần tra tại một số khu vực có liên quan mật thiết đến lợi ích của Hoa Kỳ trên biển Đông”. Ông còn cho biết, USS Freedom đã sử dụng radar đặc chủng trên tàu và các thiết bị cảm biến để giám sát hoạt động của các tàu thuyền mặt nước trên vùng biển này.

Các chiến hạm LSC thuộc loại tác chiến ven bờ (Littoral Combat Ship-LSC)

Được biết, căn cứ hải quân ở San Diego là cảng mẹ của các tàu tác chiến ven bờ Mỹ, bao gồm: LSC-1 USS Freedom và những “người anh em” của nó là chiếc LSC-2 USS Independence - lớp “Independence” (lớp Độc lập) và LSC-3 “Fort Worth” - lớp “Freedom”. Chiếc thứ 4 là LSC-4 USS Coronado (lớp Independence) cũng có kế hoạch biên chế cho lực lượng hải quân vào tháng 4 năm nay và cũng sẽ được điều động về căn cứ này. 

Bài báo còn tiết lộ thông tin, trực thăng MH-60R trên tàu đã tiến hành nhiều chuyến bay tuần tiễu, giám sát và các thủy thủ trên tàu chiến Mỹ còn sử dụng cả tàu bơm hơi vỏ thép dài 11m để tuần tra, thu thập thông tin tàu thuyền. Tư lệnh Copeman tuyên bố, trên đường hành trình đến Guam, USS Freedom đã dừng lại, tham gia hoạt động cứu trợ cho Philippines sau siêu bão “Haiyan”. Sau đó nó mới xuyên qua Thái Bình Dương trở về cảng mẹ.

Jane’s cho biết, trước khi sự việc này được tiết lộ, hải quân Mỹ luôn tuyên bố là lần đầu tiên triển khai LSC-1 đến Singapore chủ yếu là để khảo nghiệm tính năng chân chính của một lớp tàu mới. Trong thời gian nó triển khai các hoạt động ngoài Singapore, quan chức quân sự Mỹ cũng chỉ công khai đề cập đến việc chiến hạm này tham gia các hoạt động diễn tập trong khu vực và các sự cố về điện, điện tử và động cơ. 

Tàu tác chiến ven bờ LSC-1 Fredom là chiếc đầu tiên thuộc lớp Fredom

Các nhà phân tích cho rằng, hải quân Mỹ đã giấu diếm vấn đề họ sử dụng các hệ thống radar, thiết bị cảm biến, huy động máy bay trực thăng, xuồng trinh sát để giám sát, thu thập thông tin tình báo tàu thuyền hoạt động trên biển Đông. Cho nên, lần triển khai đến Đông Nam Á lần này của LSC-1 USS Freedom chẳng qua là một cơ hội thử nghiệm một loại chiến hạm “không đúng chức năng của nó”, vì vậy hải quân Mỹ đã che dấu động cơ và mục đích chính của họ.

Jane’s cho rằng, vì thông tin bị tiết lộ, các chuyến tuần tiễu trên biển Đông của loại chiến hạm này có thể sẽ tạm lắng một thời gian. Cho dù lần triển khai này không nâng cao được khả năng tác chiến ven bờ, nhưng chí ít nó cũng thể hiện được sự tin tưởng của hải quân Mỹ đối với tính năng đa dạng của các tàu LSC. 

Trong điều kiện các dự án đóng tàu tác chiến ven bờ bị đe dọa cắt giảm ngân sách, chuyến tuần tra giám sát tàu thuyền trên biển Đông “trái nhiệm vụ” của USS Freedom có thể sẽ tăng cường lòng tin của các bên vào dự án phát triển các chiến hạm thuộc dòng Littoral Combat Ship.