Sốc với thảm kịch 3 ngày 700 người bỏ mạng trên Địa Trung Hải

ANTĐ - 3 chiếc tàu chở hàng trăm người di cư đã bị chìm trong tuần qua. Ít nhất 700 người được cho rằng đã tử vong, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn tuyên bố. Sự việc này tiếp nối hàng loạt thảm kịch trong hành trình vượt biển để đặt chân tới châu Âu của người di cư. 

Hải quân Italy đã chụp được những bức ảnh kinh hoàng khi tàu của người di cư bị chìm trong tuần qua

Ám ảnh những giây phút kinh hoàng 

Kênh truyền hình CNN dẫn lời ông Federico Fossi - người phát ngôn của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn UNHCR cho biết, khoảng 100 người đã mất tích sau khi một con thuyền lật úp hôm 25-5. Năm người chết trong tai nạn này và hơn 560 người được cứu sống. Ngày 26-5, một tàu khác bị chìm, 104 sống sót và khoảng 550 người mất tích. Và hôm thứ sáu, 27-5, một tàu chở người di cư nữa cũng chung số phận nằm lại đáy biển Địa Trung Hải. Không rõ bao nhiều người có mặt trên con tàu này, nhưng ít nhất 45 thi thể đã được tìm thấy. Trong một bản tuyên bố hôm 29-5, Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc cho biết, nhiều người trong số di dân bị chết đuối vừa qua là trẻ vị thành niên. 

Những người sống sót tạm thời được đưa về cảng Taranto và Pozzallo của Italy. Họ đã kể lại giây phút kinh hoàng khi tàu bị chìm với cơ quan UNHCR và Tổ chức cứu trợ trẻ em. Giovanna Di Benedetto, người phát ngôn của Tổ chức cứu trợ trẻ em cho biết, người sống sót nói rằng trong vụ đắm tàu hôm 26-5, có khoảng 1.100 người rời khỏi Libya trên 2 chiếc tàu và 1 thuyền cao su.

Chiếc tàu thứ nhất chở khoảng 500 người và kéo theo chiếc thứ hai cũng có khoảng 500 người. Khi chiếc thứ hai bắt đầu chìm, một số người di cư cố bơi đến tàu thứ nhất, trong khi nhiều người tuyệt vọng bám vào sợi dây lai dắt giữa 2 tàu. 

Theo lời nhân chứng trong vụ đắm tàu này, thuyền trưởng tàu thứ nhất là người Sudan đã chặt dây lai dắt, khiến dây bật ngược trở lại và làm lìa đầu một phụ nữ. Chiếc tàu thứ hai nhanh chóng chìm. “Chúng tôi đã thử mọi cách để ngăn nước tràn vào tàu” - nhật báo La Stampa dẫn lời một cô gái sống sót người Nigeria - “Chúng tôi dùng tay, kính nhựa để cản nước, nhưng vô ích.

Nước ào ạt tràn vào khoang, những người dưới gầm tàu đã không còn cơ hội. Phụ nữ, đàn ông, nhiều trẻ em bị mắc kẹt và đuối nước”. “Tôi thấy mẹ và em gái 11 tuổi chết. Xác người ở khắp mọi nơi” - Kidane, 13 tuổi, ở Eritrea - một quốc gia châu Phi đau buồn kể lại.

Cần gấp biện pháp xử lý hiệu quả

Ba ngày, 3 tàu đắm đã khiến châu Âu và thế giới một lần nữa chấn động trước những hậu quả thảm khốc do cuộc khủng hoảng di cư gây ra. Những vụ đuối nước nói trên có thể nâng số người tử vong trong các cuộc di cư trong năm nay lên hơn 2.000. Theo tờ New York Times, lợi dụng điều kiện thời tiết mùa hè thuận lợi, những kẻ buôn người ở Libya đã chuyển nhiều người di cư tới Italy trên những con tàu cũ kỹ, kém an toàn.

Đuối nước là điều không thể tránh khỏi, ngay cả khi lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển Italy đã chạy đua với việc tiếp nhận các cuộc gọi cầu cứu. Năm ngoái, hơn 3.700 người di cư bỏ mạng ở Địa Trung Hải, con số này có thể tăng cao hơn trong năm nay.

Hãng tin Ansa của Italy cho biết, hơn 15 tàu chính quyền đã được huy động mỗi ngày để cứu trợ người di cư trên biển trong 5 ngày qua. Theo ông William Spindler, quan chức thuộc Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, hải quân Italy đã làm được điều không tưởng là cứu khoảng 14.000 di cư chỉ trong tuần qua.

Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano cho rằng, châu Âu cần “một thỏa thuận gấp với Libya và các quốc gia châu Phi” để ngăn chặn cuộc khủng hoảng di cư. Tình trạng hỗn loạn ở Libya từ mùa thu năm 2011 đã bị những kẻ buôn người lợi dụng. Những di dân được báo La Repubblica ở Sicily phỏng vấn đã cho biết, một kẻ cầm đầu buôn người gọi là Osama đã kiểm soát các điểm xuất phát từ nhiều bãi biển của Libya và đưa ra hành trình vượt biển giá rẻ 400 euro nhằm thu hút những người đang muốn tới châu Âu.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 29-5 rằng, ý tưởng “thỏa thuận di cư” của Italy là một “đề xuất tốt nhất cho đến nay” để chặn các chuyến tàu chết chóc vượt đại dương.

Theo đề xuất này, Italy muốn thuyết phục các nước châu Phi hỗ trợ đóng cửa những tuyến đường biển di dân tới châu Âu và nhận lại một số người đã tới châu Âu qua Libya, để được tăng cường viện trợ và đầu tư tài chính. Phát biểu vào cuối tuần qua, Tổng thống Italy Sergio Mattarella nhấn mạnh, những chính sách đáng tin cậy để kích hoạt các kênh pháp lý cho việc di cư và hồi hương hiện vô cùng cần thiết.