“Sốc” vì gas tăng giá bất hợp lý

ANTĐ - Thời điểm tháng 3-2012, giá gas tăng thêm 52.000 đồng/bình 12 kg khi giá thế giới tăng lên mức 1.205 USD/tấn. Nhưng đến tháng 12-2013, khi giá gas thế giới ở mức 1.162,5 USD/tấn thì giá gas trong nước lại tăng đến 80.000 đồng/bình 12 kg. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá gas tăng bất hợp lý.

Gas tăng giá mạnh gây áp lực cho người dân

Tác động tiêu cực

Bắt đầu từ 1-12, giá gas bán lẻ trong nước tăng thêm từ 70.000- 80.000 đồng/bình 12kg tùy theo nhãn hiệu. Theo đó, giá gas bán lẻ tới tay người tiêu dùng dao động từ 485.000- 490.000 đồng/bình 12 kg. Theo ông Đỗ Trung Thành - Phó phòng kinh doanh gas Saigon Petro, do giá CP (hợp đồng thế giới) tăng mạnh thêm 267,5 USD/tấn so với tháng 11, lên mức 1.162,5 USD/tấn nên giá gas trong nước tăng theo. Nguyên nhân sâu xa hơn là do nhiều nước trên thế giới bước vào mùa đông, nhu cầu sử dụng gas để sưởi ấm tăng mạnh khiến giá gas thế giới tăng. 

Như vậy, so với hồi tháng 3-2012, giá gas trong nước tăng thêm 52.000 đồng/bình 12 kg lên mức 480.000 đồng/bình 12 kg thì hiện tại, “kỷ lục” này đã bị phá vỡ. Đáng nói là giá CP của tháng 12 này lại thấp hơn tháng 3-2012 là 42,5 USD/thùng, nên mức tăng này không khỏi khiến người tiêu dùng băn khoăn?

Trong bối cảnh sức mua thấp và giá cả là vấn đề rất nhạy cảm với người tiêu dùng thì việc tăng giá “sốc” mặt hàng gas sẽ khiến người tiêu dùng bất an. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Mức tăng cao và mạnh 80.000 đồng/bình ở thời điểm này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế, tạo tâm lý bất an đối với người tiêu dùng, và cũng là một nhân tố tác động tới chỉ số giá tiêu dùng”. Theo chuyên gia này, cơ quan quản lý chưa làm rõ được việc tăng giá gas trong nước có tương thích và phù hợp với sự biến động tăng của giá thế giới hay không nên người tiêu dùng sẽ thiệt thòi.

Trong khi đó, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, gas là mặt hàng nằm trong nhóm vật liệu xây dựng, nhà ở, chất đốt và chỉ chiếm 10% trong nhóm này. Theo tính toán, việc tăng giá gas sẽ không ảnh hưởng lớn tới chỉ số giá tiêu dùng, bởi sự tăng giá này sẽ chỉ chiếm khoảng 0,02 điểm phần trăm. Thị trường gas trong nước vận hành theo cơ chế cạnh tranh và theo sự biến động của giá thế giới.

Chủ cửa hàng Lẩu nướng Hồng Kông tại tầng 3 - Trung tâm Thương mại Savico cho biết: “Giá gas tăng đương nhiên chúng tôi cũng thêm chi phí, trong khi kinh doanh vẫn rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi sử dụng gas công nghiệp và là khách hàng lâu dài của đại lý gas nên mức tăng cũng không cao như các khách hàng khác”.

Giảm thuế và công khai minh bạch

Trong nhiều mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, sữa… gas được coi là mặt hàng cung cấp nhiều thông tin và thường xuyên hơn cả về giá. Đều đặn vào đầu các tháng, thông báo điều chỉnh giá gas được gửi tới khách hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tự động giảm giá gas khi giá mặt hàng này trên thị trường thế giới có chiều hướng đi xuống. Từ đầu năm 2013 đến nay, gas đã giảm giá 6 lần vào 5 tháng đầu năm và tháng 10-2013 với tổng mức giảm là 73.000 đồng/bình 12 kg, nhưng minh bạch giá thành lại chưa được thực hiện. Hơn nữa, giá mặt hàng gas vẫn được áp đặt một chiều là người bán ấn định giá nào thì người mua phải trả tiền bằng đó. Cơ quan quản lý chỉ kiểm tra việc đăng ký giá của doanh nghiệp, chứ chưa công khai cơ cấu chi phí, các yếu tố cấu thành giá để thấy sự bất hợp lý của doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, mức chiết khấu của đại lý phân phối cho các cửa hàng bán lẻ ở mức 50.000- 55.000 đồng/bình 12 kg hiện nay quá cao, đã “té nước theo mưa” khi giá thế giới nhích lên. 

Trước biến động mạnh của giá gas, Hiệp hội Gas Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% như hiện tại xuống 0% để hỗ trợ người tiêu dùng. Nếu kiến nghị này được chấp thuận thì giá bán lẻ gas có thể giảm tương ứng 17.000 đồng/bình 12 kg. Ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay: “Bộ Công Thương ủng hộ đề xuất giảm thuế của Hiệp hội Gas vì không chỉ người tiêu dùng cảm thấy bất bình, mà cả doanh nghiệp gas cũng lo lắng vì giá cao, người tiêu dùng sẽ sử dụng nguyên liệu khác như: củi, điện… thay thế”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giảm thuế nhằm giảm giá bán lẻ gas là một trong những biện pháp để kiềm chế tăng giá. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp trước mắt. Về lâu dài, cần phải minh bạch yếu tố cấu thành giá, áp dụng thống nhất một mức giá cho cùng một loại gas của cùng một thương nhân đầu mối nhập khẩu, kinh doanh gas theo như dự thảo sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh khí hóa lỏng đang được Bộ Công Thương soạn thảo, tránh tình trạng có nhiều mức giá trong cùng một hệ thống. Khi đó, giá gas vận động theo giá thế giới, có tăng mạnh thì người tiêu dùng cũng dễ chấp nhận hơn.