Sóc Sơn và nỗi ám ảnh sau vụ cháy rừng

ANTD.VN - Hơn 50ha thông, keo, bạch đàn… bị cháy rụi, hơn 50ha khác bị ảnh hưởng nặng nề, trận cháy rừng chiều 5-6 ở xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã biến những quả đồi xanh mướt thành một bãi chiến trường hoang tàn như vừa trải qua trận bom Napal khốc liệt.

Ngay sau trận cháy kinh hoàng ấy, trời Hà Nội mới đổ xuống một cơn mưa giải hạn. Thế nhưng, dù giúp người dân đỡ “khát” phần nào sau chuỗi ngày nắng nóng đến cháy da, cơn mưa muộn màng này còn giống như một sự trêu ngươi khi nó cuốn theo từng dòng nước đen xì bụi than tràn xuống các mỏm đồi khiến người dân Nam Sơn nhìn càng thêm… buốt ruột.

Buổi chiều kinh hoàng

Vụ cháy đã qua được hai ngày, nhưng đến tận hôm nay anh Nguyễn Quốc Cường ở xóm 5, thôn Hoa Sơn vẫn thẫn thờ như người mất hồn. Cả ngày, anh cứ lang thang lên đồi đi sờ từng cây keo, cây thông mà nay chỉ còn lại phần gốc đen thui và cành khô trơ trọi, khẳng khiu chĩa thẳng lên trời như dấu chấm than.

Những cánh rừng bị cháy đen thui ở Nam Sơn (Sóc Sơn)

Lang thang chán, anh tạt sang vạt rừng bên cạnh ngồi co ro dưới mấy gốc bạch đàn - khoảng “bình yên” cuối cùng còn sót lại của hơn 1ha rừng mà gia đình anh từng gắn bó suốt 40 năm qua. Bó gối bên cạnh anh là cậu con trai nhỏ chỉ độ 7-8 tuổi. Mắt chú bé cũng thảng thốt, nín lặng và đầy cam chịu. Anh Cường bảo: “Xót ruột quá em ạ. Tôi sinh ra ở đây, lớn lên đã thấy cánh rừng này. Chừng ấy năm gắn bó với rừng, thế mà chỉ trong vài tiếng đồng hồ, lửa đã nuốt chửng tất cả. Không biết sau này về già, tôi có còn được nhìn thấy lại những cánh rừng của mình không?”.

Nhà anh Cường chỉ cách chân đồi độ vài chục mét cũng đã xập xệ. Mới tháng trước anh còn bàn với vợ sẽ dựng lại căn nhà này, chỉ có điều là chuyển nó sát lên phía đồi thông để hàng ngày được hưởng không khí trong lành và cũng là một cách nương nhờ rừng để có biện pháp chống nóng theo kiểu thiên nhiên. Dự định chưa kịp thực hiện thì nay đã tan thành khói.

Anh Cường đau xót khi mảnh rừng của mình đã bị thiêu rụi

Thực ra, trong vụ cháy vừa rồi, nếu tính thiệt hại về kinh tế thì anh Cường chỉ mất độ chục triệu đồng tiền cây cối. Nhưng thứ khiến anh cũng như người dân ở đây xót xa nhất là toàn bộ thảm thực vật cũng như màu xanh tự nhiên mà họ từng mất bao công sức gìn giữ đã không thể giữ được.

So với anh Cường thì nhà ông Nguyễn Văn Hạnh ở xóm 5 Tân Bình còn đau hơn nhiều lần. Ông Hạnh có hơn 30ha rừng phòng hộ được Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng giao hợp đồng khoán trông coi bảo vệ từ nhiều năm nay. Vậy mà chỉ sau 6 tiếng đồng hồ, cả 30 ha ấy đã thành đất trắng. Ông Hạnh nghẹn giọng kể lại: “Vụ cháy bắt đầu xuất phát tại khu vực xóm 6.

Lúc ấy tôi thấy khói bốc lên dày đặc nhưng lửa còn cách vạt rừng của nhà mình khá xa. Tuy nhiên với kinh nghiệm của mình, tôi bèn gọi cả gia đình khẩn trương lên rừng dùng cuốc, thuổng để dọn sạch đám cây bụi dưới đất làm đường băng chống cháy lan.

Mỗi vạt băng chúng tôi dọn cũng phải rộng ít nhất 20m. Nhưng ác một điều, những ngày hôm đó nắng khủng khiếp nên cây khô, cành khô cực dễ bắt lửa. Nó giống như bị tẩm sẵn dầu vậy. Đã thế gió lại to và liên tục đổi chiều. Từng đám tàn lửa bị gió thổi thốc lên, ném qua cả vạt băng mà chúng tôi đã dọn. Cứ dập được chỗ này thì lửa bay chỗ khác, chúng thi nhau bén sang vạt rừng mới. Và cuối cùng thì chúng tôi chỉ còn biết đứng nhìn trong bất lực”.

Ông Hạnh bấm đốt ngón tay hạch toán: “Mỗi năm, tiền công tôi chăm sóc, bảo vệ rừng được Nhà nước trả 920 nghìn đồng/ha. Như vậy là trận cháy này đã cướp đi của tôi ngót 30 triệu đồng. Nhưng mất tiền không phải là thứ tôi lo lắng,  điều đáng ngại nhất là vấn đề môi trường ở đây rồi sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề”. Nói rồi, ông Hạnh lại buồn bã nhìn những khe đất đồi bị trận mưa vừa rồi xẻ thành rãnh sâu hoắm. Những rãnh đất nay đã mang một màu đen vì vô số xỉ than của cây rừng cháy bị nước cuốn trôi.

Những rãnh nước ngập đầy xỉ than

Đừng dại mang “vàng” thử lửa

Thực ra nỗi lo của ông Hạnh cũng là điều mà ông Nguyễn Ngọc Oanh - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Nam tính ngay được sau khi dập xong đám cháy. Ông Oanh bảo, Sóc Sơn là lá phổi của Hà Nội và chưa bao giờ xảy ra một trận cháy kinh hoàng đến như vậy.

Ông Oanh vò đầu: “Tính từ đầu năm đến nay chúng tôi đã có 6 vụ cháy rừng, nhưng đều xử lý được cả và vụ cháy lớn nhất cũng chỉ trên dưới 1ha. Nhưng lần này thì quả thực khủng khiếp. Lực lượng chữa cháy được địa phương huy động rất đông mà cũng phải mất đến 12 tiếng mới dập xong.

Những đứa trẻ cũng ngơ ngác, vô vọng khi nhìn cánh rừng chúng vẫn lên chơi nay chỉ còn là đồi trọc, tro tàn

Hơn 50ha rừng bị cháy nay biến thành đồi trọc thì cũng có nghĩa là nguy cơ sạt lở và đất sẽ bị rửa trôi trong mùa mưa đã hiển hiện. Tới đây, xã sẽ lại phải đau đầu trong việc rà soát, cảnh báo và di chuyển đối với các hộ dân có nhà nằm dưới khu vực chân đồi nay không còn rừng bao phủ nữa. Cái sảy nảy cái ung, nói dại nhỡ có vạt đồi nào sạt xuống vùi mất vài nóc nhà dân thì chúng tôi cũng… chết”.

Ông Nguyễn Văn Đông - Cán bộ phụ trách Lâm nghiệp xã thì than thở: “Người ta vẫn bảo rừng là vàng, sau trận cháy này thì dân Nam Sơn không chỉ mất vàng mà còn kèm theo cả “vàng mắt” nữa. Dĩ nhiên, 50ha rừng bị cháy này không nằm trong số 133ha rừng của xã mà thuộc phạm vi của BQL rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi vô can bởi ảnh hưởng môi trường thì tất cả đều phải chịu hậu quả chung. Quan trọng là, từ vụ cháy này cần rút ra bài học. Dù sao thì thiệt hại cũng đã xảy ra, nhưng đây phải được coi là một cuộc tập dượt lớn để rút kinh nghiệm và không bao giờ được phép lặp lại vụ cháy như thế nữa”.

Năm nay Hà Nội rơi vào đỉnh điểm của các đợt nắng nóng, đây sẽ là mối đe dọa thường xuyên đối với những cánh rừng không chỉ của riêng huyện Sóc Sơn. Vụ cháy rừng ngày 5-6 hiện vẫn chưa thể thống kê hết được thiệt hại, nhưng nó cũng có thấy có nhiều khoảng trống trong công tác cứu hộ và PCCC.

Nhiều ý kiến cho rằng, địa hình đồi dốc của Sóc Sơn khiến cho phương tiện chữa cháy khó tiếp cận, cộng với việc quản lý vẫn chưa thống nhất ở một số nơi do chưa tách bạch rõ ràng những khu vực rừng, vườn của dân và rừng của cơ quan, tổ chức Nhà nước quản lý nên dẫn tới hậu quả này. Tuy nhiên, dù với bất kỳ lý do gì thì rõ ràng việc phải mất tới 12h đồng hồ mới khống chế được đám cháy và để lan tới 50ha là rất đáng tiếc.

Sau trận mưa vừa rồi, ông Lê Văn Sơn - Giám đốc BQL rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội tỏ vẻ hy vọng cánh rừng bị cháy có thể hồi phục được 30-40%. Nhưng dù có lạc quan lắm thì đó cũng là việc của 2-3 năm nữa bởi phủ xanh lại 50ha đồi không phải là câu chuyện nay mai. Còn bây giờ, bản tin dự báo thời tiết của Hà Nội vẫn thường xuyên một câu quen thuộc: “Khu vực Hà Nội, đêm không mưa, ngày nắng”.