Sốc phản vệ khi đi tiêm ngừa Covid-19: Xác suất cực thấp, không nên quá lo lắng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thông tin về một trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine AstraZeneca phòng ngừa Covid-19 tại An Giang, hay một ca sốc phản vệ tại Đà Nẵng đã khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đều khẳng định rằng, người dân không nên quá lo lắng khi đi tiêm vì xác suất xảy ra tai biến là cực thấp.

Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, khi tiêm bất kỳ loại thuốc hay vaccine nào cơ thể con người đều có thể có phản ứng không mong muốn và đây là những trường hợp cực kỳ hiếm gặp, thậm chí ngay cả thực phẩm cũng có thể bị phản ứng phụ gây nên các dị ứng.

Dị ứng, phản ứng phụ xảy ra khi đưa các chất bên ngoài vào cơ thể nhưng cơ thể không dung nạp được, và vaccine AstraZeneca cũng không ngoại lệ.

Phản ứng thông thường có thể xảy ra như đau tại chỗ tiêm, sốt, đau cơ, đau người, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi. Những phản ứng này sẽ mất đi sau 2-3 ngày. Vaccine cũng có thể gây ra phản ứng nặng như sốc phản vệ, nguy hiểm tính mạng người được tiêm.

Song đến nay vaccine AstraZeneca được cấp phép lưu hành trên thế giới có tỷ lệ tai biến rất thấp. Nguy cơ tử vong hoặc chịu hậu quả nghiệm trọng do Covid-19 vẫn cao hơn nhiều so với nguy cơ biến chứng sau tiêm vaccine AstraZeneca.

Hiệu quả phòng ngừa bệnh của vaccine thường là từ 75-95%. Điều đó có nghĩa, trong 100 người tiêm vaccine thì có khoảng 75-95 người có miễn dịch, còn lại từ 5-25 người vẫn có thể mắc bệnh. Vì vậy sau khi tiêm vaccine, mọi người vẫn cần tuân thủ thông điêp 5K của Bộ Y tế.

Để tránh vấn đề bị phản ứng nặng, sốc phản vệ sau tiêm vaccine, các bác sĩ khuyến cáo, người được tiêm nên phối hợp với nhân viên tiêm chủng trong việc sàng lọc tiêm chủng, giảm thiểu ít nhất khả năng sẽ có phản ứng phản vệ sau tiêm. Khai báo trung thực các bệnh nền mình đang mắc phải, các loại thuốc đang sử dụng, các loại dị ứng có thể xảy ra…

Tuy nhiên, đôi khi dù sàng lọc kỹ nhưng cũng có trường hợp có thể xảy ra phản ứng nặng đối với người không có cơ địa dị ứng hay mắc bệnh lý nền, đó là lý do phải ở lại điểm tiêm chủng từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ để theo dõi. Hoặc có những trường hợp đặc biệt, phản ứng phản vệ xảy ra chậm hơn (2-3 giờ sau tiêm, thậm chí 1-2 ngày sau), do đó trong vòng 3 ngày cần tự theo dõi các phản ứng của cơ thể và đến ngay các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị.