Sợ thực phẩm “3 không”

ANTĐ - Càng gần đến Tết Nguyên đán, những điểm cung cấp thực phẩm lớn trên địa bàn thành phố như chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), làng La Phù (huyện Hoài Đức)… càng nhộn nhịp, náo nhiệt. Trong dòng thực phẩm lưu thông tấp nập hàng ngày vẫn tiềm ẩn nỗi lo lớn về ATVSTP.

Mỗi dịp Tết, từ làng La Phù xuất đi hàng chục tấn thực phẩm các loại. Ảnh minh họa

Kiểm tra là ra... sai phạm

Trong ngày triển khai đầu tiên của Đoàn thanh tra liên ngành VSATTP thành phố Hà Nội kiểm tra thực phẩm tết, hưởng ứng “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” năm 2012, hàng loạt sai phạm đã được đoàn công tác phát hiện tại chợ Đồng Xuân, đầu mối cung cấp thực phẩm lớn nhất nhì thành phố. Tại đây, tràn ngập các loại thực phẩm “3 không”: không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, được bày bán công khai trên các sạp hàng. Vào mùa, khu vực kinh doanh đồ thực phẩm chợ Đồng Xuân trở lên náo nhiệt hơn hẳn ngày thường. Những ki ốt bán hàng khô, những quầy hàng ô mai, mứt tết, bánh kẹo với đủ sắc màu, chủng loại phong phú, hàng hóa chất ngất… thế nhưng khi thấy đoàn kiểm tra đến, nhiều chủ hàng đã bỏ đi chỉ để lại nhân viên bán hàng tiếp đón.

Tại ki ốt L.H, các mặt hàng ô mai, mứt đều phơi trần ngay giữa đường đi lối lại của chợ. Những chậu ô mai được bán theo cân như sấu tươi, chanh, khế, đào, chuối… đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, những loại được đóng gói như mứt dừa bao tử, dừa xiêm, hạnh nhân, hồng khô… cũng vi phạm về quy chế nhãn mác. Ki ốt H - bán lạp xường Hoàng Phát… không in hạn sử dụng, sản phẩm này cũng chưa được công bố chất lượng theo quy định. Còn ki ốt H.T tự đóng gói thịt bò khô xé ghi nhãn hiệu Hùng Dũng, hạn dùng 6 tháng nhưng không rõ ngày sản xuất… Trưởng đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Khắc Hiền - Phó Giám đốc Sở Y tế bày tỏ: “Chưa rõ chất lượng thế nào nhưng thực phẩm không bao gói, phơi trần giữa chợ thế này là không đảm bảo vệ sinh”. Khi đoàn yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc của thực phẩm thì hầu hết chẳng có chủ quầy hàng nào xuất hiện.

 Ông Lê Ngọc Sơn - Trưởng Ban quản lý chợ Đồng Xuân thừa nhận, tại chợ này vẫn còn khoảng 20% mặt hàng thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc nhưng việc xử lý hết sức khó khăn. Đáng chú ý, dù sai phạm còn nhiều nhưng sau kiểm tra, hầu hết các cơ sở sai phạm chỉ bị… nhắc nhở.

Lo ở “điểm nóng” Hoài Đức

Chiều 7-1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã dẫn đầu Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP thành phố làm việc tại huyện Hoài Đức - một trong những “điểm nóng” về VSATTP trên địa bàn. Hiện tại, toàn huyện Hoài Đức có 1.697 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, trong đó thành phố quản lý 70 cơ sở, huyện quản lý 290 cơ sở và xã, thị trấn quản lý là 1.337 cơ sở. Đáng chú ý, trên địa bàn huyện Hoài Đức có làng nghề La Phù, là một địa điểm kinh doanh, bán buôn thực phẩm với quy mô rất lớn… Tuy nhiên, do đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP còn mỏng và kiêm nhiệm nên việc quản lý VSATTP của huyện gặp nhiều khó khăn, việc kiểm tra không tiến hành được thường xuyên mà chỉ tổ chức thành từng đợt.

Ông Nguyễn Danh Ngân - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo VSATTP huyện Hoài Đức cho biết, với lực lượng của huyện, khi kiểm tra ATVSTP khó kiểm soát được nguyên liệu đầu vào vì chưa có đủ phương tiện, trang thiết bị chuyên môn để kiểm nghiệm. Một thực tế nữa là mặc dù cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP được gần 70% nhưng trong năm 2011 có gần 50% cơ sở được kiểm tra chưa đạt yêu cầu về VSATTP. Cụ thể, trong 1.395 lượt cơ sở được kiểm tra thì có 746 cơ sở đạt tiêu chuẩn về VSATTP, còn lại 609 cơ sở bị nhắc nhở và 40 cơ sở bị phạt với số tiền gần 180 triệu đồng. Những ngày đầu tháng 1 này, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã kiểm tra 32 lượt cơ sở và xử phạt 9 cơ sở với số tiền 27 triệu đồng, nhắc nhở 6 cơ sở về vệ sinh môi trường, dụng cụ, trang phục bảo hộ lao động chưa đúng quy định.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, với tình hình hiện nay thì Hoài Đức sẽ luôn là “điểm nóng” nhất của thành phố về tình trạng mất VSATTP. Bởi địa phương này có số cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến sản xuất thực phẩm lớn nhất thành phố nhưng đa phần là hình thức sản xuất theo kiểu nghề truyền thống hộ gia đình, nhỏ lẻ, manh mún, việc đầu tư nhà xưởng, máy móc, môi trường cơ sở sản xuất hạn chế. Được biết, trong tuần tới Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP Trung ương cũng sẽ có buổi thị sát và kiểm tra trực tiếp tại làng nghề này.