Sơ tán 400.000 người đi tránh bão số 12

ANTD.VN - Theo kế hoạch trong ngày hôm nay, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ tập trung sơ tán tổng cộng 75.647 hộ dân với gần 400.000 người đi tránh bão số 12 (bão Damrey) hoặc mưa lũ lụt do bão gây ra. 

Sơ tán 400.000 người đi tránh bão số 12 ảnh 1

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp

Trước tình hình mưa lũ phức tạp và cơn bão số 12 (tên quốc tế là Damrey - Con voi) sắp đổ bộ vào bờ, sáng nay (3-11), Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp nhanh về việc ứng phó cơn bão số 12.

Bão số 12 sẽ gây mưa lớn

Uỷ viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Ông Trần Quang Hoài nhận định, cơn bão số 12 (tên quốc tế Damrey - Con voi) hoạt động rất phức tạp, và sẽ gây lượng mưa lớn ở khu vực từ Quảng Trị tới Nam Trung Bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) cho biết, hồi 4h ngày 3-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 500km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 13.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km và mạnh lên. Đến 4h ngày 4-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,2 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa-Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo từ chiều và đêm nay (3-11), do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12 nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo, nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực nêu trên.

Sơ tán 400.000 người đi tránh bão

Tính đến sáng nay, các địa phương báo cáo cho biết đã tổ chức sơ tán được 759 hộ với gần 2.000 người dân tại huyện Đồng Xuân thuộc Phú Yên khỏi khu vực lũ lụt trên sông Ba Hạ. Và theo kế hoạch trong ngày hôm nay, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ tập trung sơ tán tổng cộng 75.647 hộ dân với gần 400.000 người đi tránh bão Con voi hoặc mưa lũ lụt do bão gây ra.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu trước buổi chiều nay, 3-11, các địa phương nằm trong tâm bão đi qua hoặc bị ảnh hưởng phải hoàn thành xong việc sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt là vùng trũng thấp không để người dân nào còn trong khu vực nguy hiểm. Chính quyền các tỉnh phải có thông báo cho các nhà trường bố trí cho học sinh nghỉ học khi bão đổ bộ hoặc mưa lũ lớn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN nhấn mạnh: “Các hồ hiện tại đã rất đầy nước, khi bão đổ bộ sẽ kèm theo mưa lớn nên cần chú trọng bảo vệ. Bên cạnh đó, hoàn lưu bão cũng sẽ gây mưa lớn ở những vùng chịu tổn thương trong thời gian mưa lũ liên tục vừa qua. Do đó nếu không chuẩn bị kỹ sẽ gây hậu quả khôn lường”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN cũng yêu cầu việc vận hành các hồ thủy lợi phải đúng quy trình, các hồ thiết yếu, xuống cấp phải quản lý, kiểm tra chặt chẽ 24/24h, bảo đảm không có sự cố.

Với 40 tàu thuyền chưa vào bờ của 2 tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Bộ đội Biên phòng cần kêu gọi vào bờ ngay, bảo đảm an toàn cho ngư dân. Sau đó sẽ ra thông báo cấm biển tuyệt đối ở những vùng bị ảnh hưởng cả kể tàu nhỏ.

Khi bão vào bờ phải bảo đảm không còn người dân ở vùng nguy hiểm. Lồng bè nuôi cá, chuồng trại chăn nuôi phải có phương pháp di dời, chằng chống, tránh để tình trạng như đợt áp thấp vừa qua gây thiệt hại về kinh tế của người dân.

Cũng theo thông tin tại cuộc họp, nhiều tỉnh đã ra thông báo cấm biển. Cụ thể, tỉnh Khánh Hoà chỉ đạo cấm biển vào 18h ngày 2-11, di dời ngư dân, các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên lồng bè vào bờ trước 16h ngày 3-11, chỉ đạo cho học sinh nghỉ học vào 12h ngày 3-11.

Tỉnh Ninh Thuận tổ chức cấm biển vào 15h ngày 2-11, di dời ngư dân, các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên lồng bè vào bờ trước trước 13h ngày 3-11. Tỉnh Bình Thuận tổ chức cấm biển vào 9h ngày 2-11, hoàn thành công tác ứng phó với bão trước 10h ngày 3-11.

Phó Thủ tướng trực tiếp thị sát hiện trường

Sau khi trực tiếp thị sát tại hiện trường, 16h chiều nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai triển khai công tác ứng với Bão số 12 tại đầu cầu tỉnh Khánh Hòa. Báo cáo tại hội nghị cho biết: Tổng số tàu thuyền đã thông báo, kiểm đếm là 60.547 tàu/288.626 lao động. Hiện chỉ còn 8 tàu của tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu với 61 lao động hoạt động trong khu vực nguy hiểm.

Các tàu đã nhận được thông tin về bão và đang di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. (Theo báo cáo của tỉnh thì hiện không còn tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm). Tỉnh Ninh Thuận có 1 tàu/07 lao động hoạt động tại khu vực DK1 không liên lạc được. Hiện Bộ đội biên phòng, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hằng hải khu vực 3 đang phối hợp tìm kiếm.

Về tình hình di dời dân, tính đến 14h ngày 3-11-2017 đã sơ tán 1.269 hộ/5.939 người, hiện 6 tỉnh cấm biển gồm Thừa Thiên Huế, Bình Định , Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận. Về tình hình đê điều, báo cáo cho biết, các tuyến đê trong khu vực mới chỉ được thiết kế với bão cấp 9, 10, triều trung bình 5%...

Về những công việc triển khai tiếp theo, Ban Chỉ đạo yêu cầu đối với khu vực trên biển, đảo và ven bờ, tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn, đặc biệt tàu thuyền đang còn trong khu vực nguy hiểm. Không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ, đặc biệt đối với tàu vãng lai, tàu du lịch. Hoàn thành trước 18h ngày 3-11.

Đối với khu vực trên đất liền, kiên quyết sơ tán dân trong các nhà ở không an toàn, vùng trũng thấp cửa sông, ven biển. Khẩn trương chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình đang thi công xong trước tối ngày 3-11-2017.

Có phương án đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, sẵn sàng khắc phục sự cố để khắc phục sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hoàn thành trước 18h ngày 3-11. Phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh; hủy bỏ các chuyến bay qua khu vực trong thời gian bão ảnh hưởng…