So sánh "con nhà người ta" khiến trẻ bị tổn thương

ANTD.VN - Cha mẹ và thầy cô thường hay so sánh trẻ này với trẻ khác, với "con nhà người ta" với mong muốn trẻ noi theo tấm gương đó. Thực chất, kiểu so sánh này không mang lại hiệu quả mà còn khiến trẻ bị tổn thương.

Kiểu so sánh với "con nhà người ta" thường không mang lại hiệu quả như phụ huynh mong muốn

Chiều 7-11, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức chương trình đối thoại "Bảo đảm quyền được bảo vệ của trẻ em khỏi các hình thức phân biệt đối xử".

Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga cho biết, để bảo đảm quyền trẻ em đã có nhiều chính sách, quy định được ban hành. Cụ thể như Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Điều 27 Luật trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”… Nếu vi phạm những quy định trên, tùy theo mức độ, người lớn có thể bị xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD), nghiên cứu về nhận thức của trẻ em về sự phân biệt đối xử tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do MSD thực hiện năm 2018 chỉ ra rằng: Môi trường thiếu tin cậy, chia sẻ và hỗ trợ ở cả trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội theo mô tả của trẻ chính là những yếu tố tiêu tác động tiêu cực đến tình hình phân biệt đối xử với trẻ. Đó cũng chính là lý do khiến trẻ luôn chọn im lặng, không phản kháng khi bị phân biệt đối xử.

Trên thực tế nhiều cha, mẹ, các thầy cô vẫn thường vô tình thực hiện các hành vi phân biệt đối xử trẻ, đặc biệt về giới tính, tình trạng khuyết tật, năng lực, hoàn cảnh. Chẳng hạn như cha, mẹ và các thầy cô thường đem so sánh giữa học sinh với nhau. Việc so sánh này nhằm mục đích chạm vào tự ái các em, để từ đó các em cố gắng, nỗ lực hơn.

Tuy nhiên, thực tế sự so sánh ấy đã không đem lại hiệu quả mà vô tình trẻ bị tổn thương, thậm chí khiến trẻ bị thù ghét người so sánh mình lẫn người được lấy ra làm hình mẫu để so sánh. Đã có rất nhiều hậu quả không đáng có đã xảy ra thế nhưng cả bố, mẹ và các thầy cô vẫn chưa biết rằng sự so sánh cũng là một hành vi phân biệt đối xử về đặc điểm cá nhân hoặc năng lực trẻ.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện Việt Nam đã có khung pháp lý rõ ràng nhưng những quy định chi tiết còn thiếu nên quá trình thực thi còn nhiều lúng túng. Trên thực tế trẻ vẫn luôn bị phân biệt đối xử ngay tại chính gia đình, nhà trường bởi chính bố, mẹ và các thầy cô.