Số phận sóng gió của các nữ chính trị gia

ANTD.VN - Hàn Quốc đã chính thức phế truất bà Park Geun-hye, nữ Tổng thống đầu tiên của nước này, sau khi bà bị luận tội trong vụ bê bối tham nhũng gây chấn động. Trước bà Park, một số nữ chính trị gia trên thế giới cũng phải trải qua quá trình bị điều tra luận tội, buộc phải từ chức hoặc bị bắt giữ.

Bà Dilma Rousseff bị buộc rời khỏi chức vụ Tổng thống Brazil 

Bị truất quyền lãnh đạo

Bà Park Geun-hye rời Nhà Xanh (Phủ Tổng thống) hôm 12-3-2017, chỉ 6 tháng sau khi nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil, bà Dilma Rousseff, bị luận tội và bị truất quyền lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này. Bà Rousseff  bị buộc tội thay đổi số liệu ngân sách liên bang để làm cho thâm hụt ngân sách dường như nhỏ hơn trong một nỗ lực nhằm cải thiện cơ hội tái cử vào năm 2014.

Mặc dù bà Rousseff tái đắc cử Tổng thống Brazil với kết quả sít sao, nhưng danh tiếng của bà đã sụp đổ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và vụ bê bối tham nhũng liên quan đến hàng tỷ đô la “tiền lại quả” của các doanh nghiệp và các chính trị gia, dù bà không liên quan, ngày càng lan rộng. Nhân cơ hội này, phe đối lập tăng cường công kích, và quyết định luận tội bà. Về phần mình, bà Rousseff khẳng định không làm gì trái pháp luật. 

Trước đây, Hàn Quốc và Brazil đã từng tiến hành quá trình luận tội nhằm vào tổng thống là nam giới. Ngày 29-12-1992, Tổng thống Brazil khi đó là ông Fernando Collor de Mello bị buộc tội tham nhũng đã từ chức vào thời điểm bắt đầu diễn ra phiên điều trần luận tội ông trước Thượng viện.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, vào đầu năm 2004, Tổng thống khi đó là ông Ro Moo-Hyun thậm chí còn bị đình chỉ chức vụ, sau khi Quốc hội bỏ phiếu nhất trí luận tội ông vì cáo buộc vi phạm luật bầu cử. Nhưng Tòa án Hiến pháp sau đó đã lật ngược động thái của Quốc hội và ông lại được phục chức. Như vậy, chỉ có hai nữ Tổng thống của hai quốc gia này là bị tước quyền lực thông qua quá trình luận tội. 

Các tiêu chuẩn đạo đức trong giới chính trị gia cũng trở thành vấn đề hàng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Khi đó, bà Hillary Clinton, ứng viên của Đảng Dân chủ, thường xuyên bị chỉ trích do sử dụng email cá nhân trong thời gian làm Ngoại trưởng Mỹ.

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) sau đó đã vào cuộc điều tra vụ việc, cuối cùng kết luận rằng không cần phải đưa ra cáo buộc hình sự đối với bà Clinton. Mặc dù trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump, ứng viên của Đảng Cộng hòa, phải đối mặt với không ít cáo buộc, nhưng cuối cùng ông vẫn đắc cử Tổng thống Mỹ.   

Ngồi xe lăn hầu tòa

Tại Philippines, bà Gloria Macapagal Arroyo cũng là Tổng thống nước này từ năm 2001-2010. Tuy nhiên, sau khi kết thúc nhiệm kỳ, bà đã phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng. Hồi tháng 10-2012, bà đã phải hầu tòa trên xe lăn vì những cáo buộc sử dụng sai hàng triệu USD quỹ xổ số của nhà nước trong thời gian tại nhiệm. Bà được đưa tới tòa từ một bệnh viện quân y, nơi bà bị giam lỏng.

Ngoài cáo buộc tham nhũng, nữ cựu Tổng thống Philippines còn bị bắt giam vào đầu năm 2012 với cáo buộc gian lận bầu cử nhưng bà được tại ngoại vào tháng 7 năm đó. Tại tòa, bà Arroyo đã phủ nhận các cáo buộc. Đây là vụ án tham nhũng thứ ba đối với bà Arroyo. Nếu bị kết án, bà có thể phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tù chung thân. 

Mặc dù bị tạm giữ và tiến hành tố tụng, bà Arroyo vẫn là một nhân vật chính trị có tầm ảnh hưởng lớn trong nước. Tháng 5 năm ngoái, bà thậm chí còn được bầu vào Quốc hội nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Đến tháng 7-2016, Tòa án Tối cao Philippines đã ra phán quyết hủy bỏ vụ án vì thiếu chứng cứ. Tòa cũng yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho bà Arroyo sau 5 năm giam lỏng.