Số phận những người phụ nữ bị tấn công tình dục ở miền Đông Congo

ANTD.VN - Đối với Janet K., 2001, 2004 và 2009 đều là những năm định mệnh. Đó là những lần phiến quân không chỉ xuất hiện trong làng mà còn lùng sục vào nhà bà. Mỗi người phụ nữ ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo như Janet K. đều hiểu khi quân lính đến, nếu họ may mắn, bạo lực và cướp bóc xảy ra còn số phận đen đủi hơn là nạn nhân của nạn hãm hiếp hoặc chết chóc.

Janet K. năm nay 52 tuổi, bà có 8 người con và trở thành góa phụ 4 năm trước. Trong câu chuyện của cuộc đời mình, người phụ nữ nông dân già hơn so với tuổi cho rằng, các nạn nhân như bà không đáng bị xấu hổ, mà chính là những kẻ tấn công tình dục kia.

Số phận những người phụ nữ bị tấn công tình dục ở miền Đông Congo ảnh 1Những phụ nữ là nạn nhân bị tấn công tình dục ở miền Đông Congo trong một buổi sinh hoạt của nhóm Simama 

Những lần giáp mặt với hiểm nguy

Năm 2001, Janet K. là một trong những người may mắn, quân nổi dậy chỉ đói khát và muốn ăn. Năm 2004, quân đội Chính phủ tới làng của bà ở Likirima, cách Bukavu, thành phố phía Đông Congo 1 giờ xe chạy. Không hiểu tại sao họ tỏ ra giận dữ, lôi một người đàn ông trong làng ra đánh đập trước mặt mọi người sau đó hãm hiếp phụ nữ, trong đó có Janet K. Sau lần ấy, Janet K. bỗng dưng bị rò rỉ nước tiểu. Lúc đầu, bà cứ nghĩ chỉ là triệu chứng tạm thời nhưng mãi không đỡ. Bà đến khám tại một bệnh viện ở thành phố Bukavu. Các bác sĩ giải thích rằng, bà có một lỗ rò giữa bàng quang và âm đạo, đây là bệnh thường gặp ở phụ nữ châu Phi do quá trình sinh nở hoặc bị cưỡng bức thô bạo. Sau ca phẫu thuật, Janet K khỏi bệnh.

Phiến quân trở lại vào năm 2009. Khi ấy, bà Janet K. đang mang thai và cầu xin nhưng những gã đàn ông xa lạ không quan tâm. Sau đó, bà được những người hàng xóm đưa đến bệnh viện. Thai nhi trong bụng đã chết và lần này, bệnh cũ của bà tái phát, lỗ rò phức tạp hơn. Sau 4 ca phẫu thuật, các bác sĩ cho biết, họ không thể chữa lành cho bà. Đến nay, Janet K. bị dân làng xa lánh vì người bà “có mùi”.

Nuôi dưỡng niềm hy vọng 

Người đứng ra thành lập Bệnh viện Panzi ở Bukavu - nơi bà Janet K. điều trị là ông Denis Mukwege - người từng nhận Giải thưởng Sakharov của Liên minh châu Âu cùng nhiều giải thưởng khác do những nỗ lực của ông trong vận động chống lại bạo lực và thúc đẩy sức khỏe phụ nữ. Ông Denis Mukwege (62 tuổi), thành lập Bệnh viện Panzi để nuôi dưỡng niềm hy vọng cho phụ nữ Congo. Bệnh viện của ông trông giống như một ốc đảo giữa thành phố hỗn loạn Bukavu với những tòa nhà trắng, lối đi đầy hoa. Đây cũng là giảng đường thu hút các bác sĩ từ khắp châu Phi đến học tập. 

Giám đốc Bệnh viện Panzi đã đi khắp thế giới để nói về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ ở đất nước mình, từ trò chuyện với các ngôi sao điện ảnh như Angelina Jolie và Ben Affleck đến thuyết trình tại Liên hợp quốc. Lần nào cũng vậy, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực lên Chính phủ Congo để đưa các nghi phạm ra trước công lý và giúp các phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo lực. Thế nhưng, có vẻ như ông Denis Mukwege bắt đầu mệt mỏi. Ông đã giúp trên 50.000 phụ nữ Congo trong vòng 20 năm trở lại đây và điều khiến ông nản lòng khi số vụ hiếp dâm không có dấu hiệu dừng lại. 

Quay trở lại với Janet K., bà may mắn tìm thấy liệu pháp tinh thần nhờ nhóm 15 phụ nữ có chung số phận giống mình. Nhóm này được gọi là 

Simama - nghĩa là “Chúng tôi đứng dậy” trong ngôn ngữ Mashi. Tất cả thành viên trong nhóm đều từng bị cưỡng bức và gần như đều mắc bệnh rò rỉ nước tiểu. Trong một chiếc lều ở địa điểm cách Bukavu khoảng 2 giờ xe chạy, họ có thể khóc, nói về bất cứ điều gì, kể cả điều mà họ cảm thấy xấu hổ đến mức không dám nói với ai khác. Thứ hai và thứ sáu hàng tuần, họ cùng nhau làm trên mảnh ruộng mà họ mua chung, mùa màng thu hoạch được đưa vào quỹ đặc biệt để ai đó khó khăn có thể mượn quỹ. “Chúng tôi đang bị tổn thương, bị bêu xấu nhưng chúng tôi không đơn độc. Và chúng tôi hiểu rằng những gì đã xảy ra không phải là lỗi của chúng tôi”, bà Janet K. nói.

Miền Đông Congo là nơi xảy ra bạo lực suốt 2 thập kỷ qua khi các nhóm nổi dậy mới liên tục nổi lên nhờ được cung cấp vũ khí và tiền bạc từ nước ngoài nhằm tranh giành khai thác các khu mỏ. Những nhóm nổi dậy này phá hủy làng mạc, tuyển mộ lính trẻ, hãm hiếp phụ nữ. Ước tính 5 triệu người đã chết trong những cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn này.