Số phận những người mắc bệnh bạch tạng ở Tanzania

(ANTĐ) - Chỉ trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, Tanzania đã có hơn 25 người mắc bệnh bạch tạng bị giết hại. Chưa kể đến nỗi đau bị xa lánh của cộng đồng, kể cả những người thân trong gia đình cũng cho rằng sự có mặt của họ sẽ mang lại “điềm gở”. Tuy nhiên, những bệnh nhân này lại là trở thành “món hàng” của nạn mua bán cơ thể người.

Số phận những người mắc bệnh bạch tạng ở Tanzania

(ANTĐ) - Chỉ trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, Tanzania đã có hơn 25 người mắc bệnh bạch tạng bị giết hại. Chưa kể đến nỗi đau bị xa lánh của cộng đồng, kể cả những người thân trong gia đình cũng cho rằng sự có mặt của họ sẽ mang lại “điềm gở”. Tuy nhiên, những bệnh nhân này lại là trở thành “món hàng” của nạn mua bán cơ thể người.

Những nạn nhân vô tội

Nạn nhân bị giết cách đây vài tuần là anh Nyerere Rutahiro. Một nhóm người lạ mặt đã bất ngờ ập vào giữa bữa cơm tối của gia đình. Người vợ kinh hoàng nhìn bọn người khát máu dùng dao rựa chặt đứt tay và chân anh. “Tôi muốn cái chân, tôi muốn cái chân”!

Tiếng gào thét của bọn người man rợ vẫn tiếp tục ám ảnh cô. Tham dự lễ tang của anh, người ta thấy có một phụ nữ với ánh mắt đầy lo sợ. “Liệu mình có phải là người tiếp theo? Rồi chuyện gì sẽ đến với đứa con trai?”. Đó chính là Winifrida - chị gái của anh Nyrere - cũng mắc bệnh bạch tạng.

Đầu tháng 5-2008, Vumilia Makoye, 17 tuổi, đang ở trong một căn lều phía tây Tanzania thì có 2 người đàn ông xông vào. Mẹ của Vumilia thấy những người đàn ông với cây đao dài, liền xông ra chặn lại. Nhưng bọn chúng đẩy bà ra, chặt hai chân của Vumilia ngang đầu gối và vùng chạy thoát với hai mẩu chân. Vumilia chết tại chỗ.

Yusuph Malogo sống ở gần bên, lo sợ sẽ đến lượt mình. Anh cũng là một người mắc bệnh bạch tạng và sống bằng nghề làm ruộng. Bây giờ anh đeo trên người một ống tù và màu bạc để thổi lên kêu cứu khi cần và luôn trong tinh thần chuẩn bị chạy trốn. Những vụ giết người vẫn tiếp tục và lan ra đến tận biên giới nước Kenya, Congo...

Những người bạch tạng Tanzania sợ ra khỏi nhà, nếu có ra đường cũng luôn trong tâm trạng thấp thỏm
Những người bạch tạng Tanzania sợ ra khỏi nhà, nếu có ra đường cũng luôn trong tâm trạng thấp thỏm

Sức mạnh thần bí

Với khuôn mặt trắng, kết quả của một trường hợp thiếu cặp gene chứa sắc tố di truyền, người mắc bệnh bạch tạng nổi bật giữa đám đông người da màu. Nhiều người ở Tanzania và cả vùng châu Phi tin rằng những người mắc bệnh bạch tạng có những sức mạnh thần kỳ.

Vùng nông thôn, dân cư ít học và mê tín dị đoan. Họ truyền tai nhau rằng nhiều người dùng tóc người bạch tạng đan vào lưới để đánh bắt cá được nhiều hơn.

Lại có người đồn là nếu rưới máu người bạch tạng lên mặt đất trong một hầm mỏ sẽ tìm ra vàng. Các thầy lang sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua bán xương, da và tóc của những người mắc bệnh bạch tạng như là nguyên liệu để chế thần dược. 

Được biết, trên thế giới cứ 20.000 người thì có 1 người mắc chứng bệnh này, nhưng tỷ lệ này ở Tanzania cao hơn rất nhiều. Và theo điều tra, buôn bán cơ thể bệnh nhân mắc bệnh bạch tạng ở nước này được tổ chức theo đường dây rất có hệ thống gồm: thầy phù thủy, kẻ môi giới và khách hàng.

Đến nay đã có 173 người bị bắt giữ, song vẫn chưa có trường hợp nào bị đưa ra khởi tố. Nhân viên cảnh sát cũng khó trả lời chính xác vì sao lại có những vụ thảm sát người mắc bệnh bạch tạng. Có thể là người ta bị ám ảnh bởi chuyện phim phù thủy diễn tả những việc làm với người bạch tạng, cùng lúc với giá cả thực phẩm tăng vọt khiến họ trở nên liều lĩnh.

Vượt lên hủ tục

Trước mối đe dọa ngày càng tăng, Chính phủ Tanzania đã huy động để bảo vệ những người bạch tạng. Các nhân viên cảnh sát đang thiết lập danh sách những người bạch tạng trong mọi ngõ ngách để có thể theo sát họ. Nhân viên Nhà nước đưa đón trẻ em bạch tạng đến trường.

Ngay cả Tổng thống CH Tanzania đã đề cử bà Al-Shymaa Kway-Geer - Thượng nghị sĩ bạch tạng đầu tiên trong Quốc hội để cho thấy rằng “Chúng ta cùng chung với họ”. Nữ Thượng nghị sĩ hy vọng sự có mặt và vai trò của bà sẽ giúp gióng lên hồi chuông kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội.

Ông Rweyemamu - Phát ngôn viên Chính phủ Tanzania khẳng định, việc giết người bừa bãi là sự nhục mạ đối với những gì Tanzania đang phấn đấu đi lên, thể hiện ở sự phát triển, đầu tư và thay đổi của đất nước thời gian gần đây. “Đây là việc nghiêm trọng bởi vì nó diễn tiếp những thành kiến ở châu Phi mà chúng tôi đang cố gắng lột bỏ”.

Ông Mluge - Tổng Thư ký Hội Người bạch tạng Tanzania tâm sự, ông nghe được những tiếng thì thầm xoáy chung quanh mỗi khi ông bước trên phố: “Đó là của trời cho. Chúng ta hãy bắt nó và hái ra tiền”.

Khi màn đêm buông xuống, thế giới thuộc về họ, ông Mluge cùng lũ con với làn da mỏng manh có thể cùng nhau ra ngoài mà không phải lo lắng gì về ánh nắng mặt trời.

Trước đó 2 tuần, khi đám trẻ con ngủ say, một chiếc xe đỗ trước nhà và 4 người đàn ông nhảy ra khỏi xe nhìn ngó xung quanh. Ông Mluge đã cố gắng đọc biển số xe nhưng chiếc xe đã vọt đi xa...          

Hải Yến

(Theo BBC/New York Times)