Số phận kỳ lạ của con tàu từng mang tên "Thống Nhất"

Trong lịch sử ngành vận tải hành khách đường biển Việt Nam, nhiều người vẫn còn nhớ rõ về con tàu khách khổng lồ mang tên “Thống Nhất” đã giúp cho hàng ngàn gia đình đoàn tụ ngay sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình thống nhất.

Số phận kỳ lạ của con tàu từng mang tên "Thống Nhất"

Trong lịch sử ngành vận tải hành khách đường biển Việt Nam, nhiều người vẫn còn nhớ rõ về con tàu khách khổng lồ mang tên “Thống Nhất” đã giúp cho hàng ngàn gia đình đoàn tụ ngay sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình thống nhất.

Tàu Thống Nhất khi còn “vẫy vùng” trên vùng biển Việt Nam
Tàu Thống Nhất khi còn “vẫy vùng” trên vùng biển Việt Nam

Cùng với sự phát triển kinh tế, hệ thống giao thông đường bộ, hàng không và đường thủy, năm 1991 tàu khách “Thống Nhất” đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Số phận kỳ lạ của con tàu biển này là cả một câu chuyện dài.


Tàu Thống Nhất - “Hoàng tử Harald” lưu lạc

Trong một lần trò chuyện, thu thập tư liệu về Hoa hậu Hà Kiều Anh, chúng tôi được biết, năm 1982, hai mẹ con chị dắt nhau xuống tàu Thống Nhất vào Nam bằng đường biển.

Thật may mắn, chúng tôi bất ngờ gặp lại hình ảnh con tàu khách trên biển Việt Nam một thời từng là niềm kiêu hãnh, từng là phương tiện tốt nhất chuyên chở hành khách, hàng hóa xuôi Nam, ngược Bắc.

Thế rồi nó bỗng biến mất trong sự quên lãng của người đời vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi nền kinh tế nước nhà có những bước phát triển vượt bậc.

Theo tài liệu rất ít ỏi còn lưu trữ cho thấy:  Tháng 4/1961, tại xưởng đóng tàu biển mang tên Kieler Howaldtswerke A.G của Cộng hòa Liên bang Đức, con tàu mang tên Kronprins Harald (Hoàng tử Harald) được hạ thủy.

Đây là con tàu song sinh với một con tàu khác mang tên Princesse Raghild (Công chúa Ragnhild)  thuộc Công ty Jahre Line –Na Uy. Đôi tàu du lịch hiện đại bậc nhất vào thời điểm ấy chuyên chở hành khách theo tuyến Oslo (Na Uy)- Kiel (Đức) với sức chứa 580 người.

Sự hiện diện của đôi tàu này đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử du lịch hàng hải giữa Na Uy và Đức.  Đây là loại tàu phà hiện đại, vận hành trên vùng biển Bắc Âu, các loại trang thiết bị trên tàu đạt tiêu chuẩn khách sạn năm sao ngày.

Ở nước ta, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hệ thống đường bộ Việt Nam do ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến tranh và sự thiếu thốn phương tiện, nhiên liệu xăng dầu đã  không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại rất lớn của nhân dân hai miền.

Đặc biệt là việc những cán bộ, con em miền Nam tập kết ra Bắc nay khao khát trở về quê hương đoàn tụ đang là một nhu cầu bức thiết.

Đoàn tàu 125 Hải quân nhân dân Việt Nam (tiền thân là Đoàn 759) có khoảng  25 tàu thường xuyên hoạt động trên biển vận tải hành khách, chi viện, tiếp tế cho các đảo từ Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Phú Quý..., tới Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu, Trường Sa của Tổ quốc. Mặc dù các tàu Hải quân này đã hoạt động không nghỉ nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại rất cao của nhân dân ta.

Được Chính phủ cho phép, Cục Vận tải Bộ GTVT do Cục phó Đặng Văn Qua chịu trách nhiệm sang Na Uy đàm phán việc. Việc mua bán xong xuôi, nhiệm vụ quan trọng dẫn tàu về được giao cho Cty Vận tải ven biển (Vinaship).

38 cán bộ, thuyền viên, kỹ thuật viên Vinaship làm nhiệm vụ lần này là những người có nhiều kinh nghiệm trong ngành hàng hải Việt Nam, từng nhiều lần đi biển nhưng chưa ai đi tới vùng biển xa như lần này.

Theo tiêu chuẩn lúc bấy giờ, cả đoàn 38 người được cấp 10.000 USD mang theo dự phòng, mỗi người được cho mượn một bộ com lê, mũ len, áo chống rét, giày da… trước khi lên đường xuất ngoại. 

Ngày 30/9/1975, đoàn lên đường sang Nam Ninh, từ đây đi Bắc Kinh (Trung Quốc), sau đó bay sang Mátxcơva (Liên Xô cũ), rồi sang Berlin (Đông Đức cũ). Từ đây đoàn di chuyển bằng ô tô đến thành phố cảng Kiel.

Trên đường đi, các thành viên của đoàn đã hết sức vất vả vì phải đối phó với cảnh thiếu thốn trăm bề và khí hậu buốt giá.

Tại thành phố cảng Kiel, nơi đặt văn phòng đại diện của hãng tàu Na Uy, thuyền trưởng Nguyễn Cấp, chính ủy Cao Quang Sản cùng thủy thủ đoàn nhận tàu và cắm cờ Việt Nam rồi nhổ neo rời cảng với sự hỗ trợ của 11 sĩ quan,  kỹ thuật viên và thuyền viên Na Uy.

Theo hải trình, tàu Hoàng tử Harald (lúc này mang tên mới là Hạ Long), sẽ vượt biển Bắc qua Địa Trung Hải, kênh đào Suez, biển Hồng Hải rồi vượt biển Ấn Độ Dương, cập cảng Singapore trước khi về Hải phòng.

Chuyến hải trình vượt nửa vòng trái đất mang Hoàng tử Harald về cảng biển Việt Nam năm xưa có 4 thuyền trưởng: Nguyễn Cấp, Đặng Văn Qua, Ngô Văn Thuận và một thuyền trưởng người Na Uy.

Sau một tháng lênh đênh qua các vùng biển Địa Trung Hải, Hồng Hải, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, tàu Hoàng tử Harald đã cập cảng Hải Phòng trong niềm vui khôn tả của tất cả mọi người.

Khi tàu qua biển Hồng Hải, từ bên nhà Vinaship gửi bức điện tín đề nghị đổi tên tàu Hạ Long- tên Việt Nam ban đầu của tàu Hoàng tử Harald thành  “Thống Nhất” - một cái tên mang đầy đủ ý nghĩa và sứ mệnh mà con tàu này sẽ thực hiện. Và con tàu Thống Nhất gắn bó với biển Việt Nam từ đó đến khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

Từ năm 1975, tàu Thống Nhất bắt đầu thực hiện sứ mệnh của mình trên biển Việt Nam, với tải trọng trên 10.000 tấn, chuyên chở khoảng 1.000 hành khách và lỉnh kỉnh hàng hóa, mỗi tháng bình quân 3 chuyến Bắc- Nam, 3 ngày đêm/chuyến.

Đã có nhiều câu chuyện rất cảm động trên con tàu lịch sử này. Có những em bé được sinh ra trên tàu, và được đặt tên là Thống Nhất.

Nhiều thế hệ thuyền trưởng, thuyền viên, kỹ thuật, thủy thủ đoàn đã gắn bó nhiều năm trên con tàu mang tên Hoàng tử Harald - “Thống Nhất” nay đã chuyển sang công tác khác, về hưu và có người đã mất. Nhưng con tàu khách trên biển vẫn mãi là một dấu ấn kỷ niệm không thể quên trong lịch sử ngành vận tải biển Việt Nam.

Cuộc hội ngộ Hoàng tử - Công chúa sau 40 năm xa cách

Hoàng tử Harald trở về cố hương và làm nhiệm vụ ở cảng Kiel (Đức)

Hoàng tử Harald trở về cố hương và làm nhiệm vụ ở cảng Kiel (Đức)

Từ sau năm 1988, kinh tế đất nước đã chuyển mình, ngành vận tải đường sắt, đường bộ, hàng không dân dụng phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận tải hàng hóa nên tàu Thống Nhất không còn là phương tiện kinh doanh có lãi.

Năm 1991, Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) đã quyết định bán lại con tàu Thống Nhất cho Công ty Oriental Glory Maritime Co. Ltd (Valleta Malta). Hoàng tử Harald mang tên mới Panagia vận chuyển hành khách trên tuyến Piaeus -Crete- Rhosdes- Limassol- Haifa. 

Theo tài liệu trên mạng Internet cho thấy: Năm 1996, tàu Panagia được bán lại cho Công ty Global Union Maritime (San Lorenzo, Cộng hòa Honduras thuộc Trung Mỹ). Năm 1997, nó lại được bán cho Công ty Med Cruise Maritime SA (Panama) và đổi tên thành Medousa.

Số phận kỳ lạ đã đưa con tàu mang tên Hoàng tử  Harald  một lần nữa được trở về nơi xuất phát: Tàu Medousa được bán lại cho công ty vận tải Color Line có trụ sở đặt tại thủ đô Oslo của Vương quốc Na Uy.

Sau hơn 40 năm xa cách, cuối cùng Hoàng tử Harald đã gặp lại Công chúa Ragnhild – cặp tàu sinh đôi và bắt đầu nối lại nhịp hải trình Oslo (Na Uy) - Kiel (Đức) như nối một mối tình thủy chung, son sắt.

Anh Lê Hàn - doanh nhân người Việt sống bên Đức kể lại, trong chuyến du lịch trên tàu Hoàng tử Harald từ thành phố cảng Kiel sang Oslo anh đã quen một cô gái Việt đang du học tại Na Uy, họ gặp nhau trên boong tàu và tâm sự của hai người Hà Nội xa quê bỗng thành câu chuyện tình yêu thơ mộng và lãng mạn.

Họ đã nên duyên vợ chồng từ cuộc hẹn hò trên boong tàu tầng 7, và có lẽ họ không biết rằng, 30 năm trước đã có rất nhiều cặp vợ chồng người Việt Nam từng hẹn hò nhau trên boong  tầng 7 của chính con tàu này, tàu Thống Nhất – Kronprins Harald, từng có hơn 15 năm vẫy vùng trên vùng biển Việt Nam.

Khi kể chuyện này, hai vợ chồng anh Lê Hàm ước ao sẽ có dịp tổ chức kỷ niệm ngày cưới của họ trên con tàu từng gắn bó với tổ quốc Việt Nam mà họ đã tình cờ được đi, tình cờ quen nhau và gắn bó. Đó sẽ là một kỷ niệm đẹp nhất và lãng mạn nhất trong cuộc đời họ với tàu Hoàng tử Harald.

Người Việt Nam còn hoài niệm về con tàu Thống Nhất năm xưa có thể tìm nhiều tư liệu trên mạng Internet của Cty Color Line và nếu có điều kiện, bạn hãy làm một chuyến du lịch từ Kiel- Đức sang Oslo-Na Uy.

Bạn sẽ lại có cơ hội được đứng trên boong hai con tàu: Hoàng tử và Công chúa xuất hành lúc 13 giờ 30 (giờ địa phương) từ đầu bên này và cập cảng bên kia vào lúc 9 giờ 30 ngày hôm sau.

Trần Hiếu

Tiền Phong