Số phận giống gà quý hiếm

ANTĐ - Những người dân làng Lạc Thổ - Thị trấn Hồ - huyện Thuận Thành- tỉnh Bắc Ninh không nhớ nổi giống gà Hồ có từ bao đời. Họ chỉ biết chúng là sản vật quý giá của mỗi dịp lễ, tết.

Ông Nguyễn Đăng Chung “âu yếm” đôi gà Hồ trống mái


“Đắt xắt ra miếng”

“Gà thì miền quê nào của Việt Nam cũng có, nhưng giống gà có da giòn, thịt thơm và không có vị chua khác với những giống gà thông thường, tôi mới thấy ở gà Hồ”- ông Nguyễn Đăng Chung, Chủ tịch Hội gà Hồ giới thiệu. Đây cũng chính là một trong số những lý do để gà Hồ được “tôn” lên hàng đặc sản.

Vốn có tên gọi rất “quê” là gà Tồ, tức giống gà này tồ tề, ngộc nghệch, nhưng từ xa xưa, người dân làng Lạc Thổ đã thuần hóa và đặt tên mới là gà Hồ. Cái tên mới có vẻ hợp hơn với những chú gà thân to, chân cao, hùng dũng này. Có vẻ ngoài tồ tề nhưng cái “khôn” của chúng là ở chỗ, chúng sống với nhau tương đối hòa thuận trong một không gian hẹp và chỉ đánh nhau khi “ghen mái” mà thôi.

Theo những người nuôi gà Hồ còn lại tại Lạc Thổ, chuyện xưa truyền lại, giống gà này có con nặng tới 5 quan 2 (mỗi quan có 12 xu và tương đương với 1,2kg). Mỗi dịp tết đến xuân về, các hàng giáp (xóm) lại tổ chức thi gà nấu chín tại đình làng. Những chú gà này được để trang trọng trên mâm lễ phủ vải đó kín mít, cố định ở những tư thế khác nhau: gà quì, gà nhổm, gà đứng hay gà bay... “Trước khi mở lễ chấm thi, hàng xóm chỉ biết nhà này nhà kia nuôi gà vì nghe thấy tiếng gáy lanh lảnh, mà chẳng ai được nhìn thấy con gà đó thực sự ra sao. Khi đồng loạt mở “niêm phong”, bà con hàng xóm mới được chiêm ngưỡng và bình chọn “hoa hậu gà”. Ấy là một cách để các giáp cạnh tranh lành mạnh” - ông Chung kể. Những người nuôi gà Hồ hôm nay lại tổ chức thi “hoa hậu gà” còn sống với hàm ý duy trì và phát triển chăn nuôi giống gà này.

Giờ đây, mỗi chú gà Hồ được nuôi ròng rã mấy tháng trời nặng tới 3,5kg. Giá mỗi kg trung bình là 300.000 đồng. Phải sang trọng lắm, gà Hồ mới có mặt trên mâm cơm, kể cả ngày lễ tết, bởi chỉ chi phí cho chú gà này thôi đã mất tới gần 1,5 triệu đồng! Giống gà này không có mặt trên mâm cỗ cưới hỏi của mỗi gia đình bởi giá trị quá cao.

Ông Nguyễn Đăng Chinh - Hội viên hội gà Hồ cho hay: “Không chỉ vì giá cao, thịt gà ngon, mà mã gà cũng rất đẹp”. Chú gà trống gây ấn tượng với mào xít, chân cao, thân trường, vảy chân không xù xì mà rất mịn, ống chân tròn có màu đỗ lành. Gà trống có 2 màu đặc trưng: mã mận (trên lông nhiều màu mận chín) và mã lĩnh (phần lớn lông màu đen). Trong khi đó, gà mái lại có đến 3 màu đặc trưng: mã thó với bộ lông trắng; mã sẻ với bộ lông gần giống màu lông chim sẻ và mã nhãn với bộ lông tương tự như màu quả nhãn chín. Gà Hồ không có bộ lông trắng hay hoa mơ.

Ông Nguyễn Đăng Chung ưu tiên cho tôi tận mắt xem đàn gà quý. Nếu chỉ nghe miêu tả về gà Hồ thôi, tôi cũng chưa hình dung được cái đẹp đặc sắc của giống vật nuôi này. Ấn tượng mạnh nhất của tôi chính là cái mào đỏ lựng, không lắt lẻo dọc theo đầu chú gà mà nó cuộn lại e ấp như một nụ hoa hồng. Suốt 4 mùa, chiếc mào gà này đều giữ được “phong độ” như thế. Ông Chung còn cho biết thêm, gà Hồ có da đỏ ửng, nhưng khi dội nước sôi vào sẽ lập tức chuyển sang màu vàng sáng, không có màu thâm như gà Đông Cảo hay gà chọi. “Đắt xắt ra miếng là ở chỗ đó đấy” - ông Chung vui vẻ nói.

Nhân giống  không đơn giản

Ông Nguyễn Đăng Chinh cho biết: “Nhà tôi dành riêng hơn một sào ruộng chỉ cấy để lấy thóc cho gà ăn. Đã máu mê thì không thể tính đến lỗ lãi”. Nhẩm tính, mỗi hộ gia đình nuôi gà Hồ phải bỏ ra cả tấn thóc, chưa kể cám, rau. Mỗi lứa kéo dài đến 8 tháng và số lượng gà nhiều nhất trong mỗi gia đình cũng chỉ đến vài chục con. Bên cạnh đó còn là biết bao công sức của người chăn nuôi: ủ ấm khi mùa đông về hay đề phòng dịch bệnh. Theo ông Chinh, gà Hồ ăn đủ 3 bữa/ngày. Cái thú của người chăn nuôi không chỉ ở chỗ được mang khoe gà mỗi dịp lễ, tết; được giới thiệu về đặc sản này mà còn được dành thời gian ngắm nghía “con cưng” mỗi ngày khi cho chúng ăn. “Chỉ ngắm chúng ăn thôi cũng đủ thích rồi”- ông Chinh chia sẻ.

Nuôi gà Hồ không khó, bằng chứng là một số miền quê khác trên cả nước đã lai tạo được giống gà này. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ chúng đã bị mai một mấy chục năm trong chiến tranh, mới được quan tâm chăn nuôi trở lại kể từ năm 1991 nhưng yếu tố kinh tế lại cản trở việc nhân rộng chăn nuôi gà Hồ. Hơn nữa, nhân giống gà này không đơn giản. Những người chăn nuôi gà Hồ có kinh nghiệm tại Lạc Thổ cho hay, chỉ cần con trống quá to, con mái quá nhỏ, ấp gà con cũng khó. Và dù đẻ 14 -15 quả trứng mỗi lứa nhưng những con gà mái mẹ to cao, nặng cân lại rất hay làm vỡ trứng, khó ấp nở. Người chăn nuôi gà phải cẩn thận, tỷ mỉ như con mọn, để ý chúng hàng ngày với hy vọng mỗi lứa có thêm chục chú gà con. Ngay cả khi gà con đã được nở thì gà mẹ cũng dễ xoay đẹn làm chết con. Tỷ lệ sống sót sau sinh sản chỉ đạt 50%. Gà Hồ đẻ trứng nhiều lứa trong một năm, nhưng nếu để chúng ấp nở dày, chất lượng gà sẽ bị ảnh hưởng.

Cả Lạc Thổ bây giờ chỉ có 25 hộ gia đình chăn nuôi gà Hồ, trong đó hộ nhiều nhất cũng chỉ vài chục con, và hộ ít nhất có một cặp (gồm 1 gà mái và 3 gà trống), trong đó có đến nửa số hộ nuôi thời vụ. Theo ông Nguyễn Đăng Chung, hội gà Hồ chỉ có tổng thể khoảng 250 con. Vì vậy, gà Hồ trở nên quý hiếm. Điều này cũng lý giải vì sao, người lái xe taxi ở ngay cạnh làng bên của Lạc Thổ dù “hay chuyện” cũng không hề biết tên giống gà cũng như địa điểm chăn nuôi giống gà này.

Những thế hệ người dân Lạc Thổ mê gà Hồ như ông Chung, ông Chinh còn rất ít, lớp người trẻ hơn chủ yếu đã xa quê hương để đi làm kinh tế khiến hy vọng mở rộng quy mô chăn nuôi gà Hồ vẫn mong manh. Niềm tin tưởng của người dân ở đây chính là giống gà này đã được Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) giúp bảo tồn nòi giống. “Giống gà Hồ sẽ không bị mất đi nhưng nếu chúng tôi được địa phương giúp xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung để phát triển đàn gà thì tốt biết mấy” - ông Chung ao ước.