Số phận di cảo của nhà văn

ANTD.VN - Khi nhà văn bước sang cõi khác thì những tác phẩm vẫn tiếp tục đời sống của mình ở thế gian này. Những dòng di cảo cũng có đời sống riêng, số phận riêng mà lúc sinh thời, nhà văn khó có thể tiên lượng được...

Nhà văn Nguyên Hồng, nhà thơ Trần Dần, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Những dự định dang dở

Hơn 30 năm qua, nhà văn Nguyên Hồng đã yên nghỉ bên cạnh một dòng suối, cách không xa ngôi nhà nhỏ bé, cũ kĩ trong ấp Cầu Đen (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) mà ông đã cùng mẹ, vợ và các con trú ngụ suốt quãng thời gian đầy khốn khó. Ra đi ở tuổi 64, nhà văn để lại rất nhiều dự định sáng tác còn dang dở, trong đó có không ít bản thảo chưa xuất bản. Bộ tiểu thuyết  “Núi rừng Yên Thế” ông ấp ủ mấy chục năm cũng mới chỉ kịp hoàn thành một ít trang, tập 1 có tên:  “Thù nhà nợ nước” được in năm 1981 (trước khi ông mất một năm). Hơn 10 năm sau ngày Nguyên Hồng mất (1993),  “Núi rừng Yên Thế” được in tiếp tập 2 và lấy chính tên của bộ tiểu thuyết mà sinh thời, ông dự định sẽ không chỉ viết 2 tập. 

Ngoài bộ tiểu thuyết đó, còn rất nhiều bản thảo viết tay, những cuốn nhật ký, ghi chép của nhà văn Nguyên Hồng hiện đang được cất trong những chiếc tủ cũ, có chiếc không có khóa, đặt trong ngôi nhà cấp bốn đã xuống cấp ở Bắc Giang. Nhiều người yêu văn chương ở khắp mọi miền đất nước tìm về thắp hương tưởng nhớ ông, khi nhìn cách “lưu giữ” di cảo của nhà văn hết sức sơ sài như vậy đã không khỏi lo lắng, xót xa. Những trang giấy cũ đang ố màu theo thời gian, đồng nghĩa với những tác phẩm chưa bao giờ xuất hiện có nguy cơ hoàn toàn biến mất nếu những người thân của nhà văn không kịp thời có biện pháp giữ gìn, bảo vệ hợp lí. Đến nay vẫn chưa có ai sưu tầm, khai thác, tập hợp tư liệu để làm một Tổng tập Nguyên Hồng, điều này thật đáng tiếc đối với sự nghiệp của một nhà văn lớn.

Những “đứa con tinh thần” được vinh danh 

Sau khi mất tròn 10 năm, nhà thơ Trần Dần được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật (năm 2007).  Cùng với đó, ông đã nhận nhiều giải thưởng cho các tác phẩm lần lượt được xuất bản. Đáng kể nhất là tập “Trần Dần - Thơ” do Nhà xuất bản Đà Nẵng liên kết cùng Công ty Nhã Nam xuất bản năm 2008, được Hội Nhà văn Hà Nội truy tặng giải “Thành tựu trọn đời”. Tập “Trần Dần - Thơ” cũng được trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô vào năm 2009. Đến năm 2012, nhà thơ Trần Dần một lần nữa lại được Hội Nhà văn Hà Nội vinh danh với tiểu thuyết trinh thám “Những ngã tư và những cột đèn”...

Để những tác phẩm có giá trị tiếp tục được xuất bản phải kể đến công sức rất lớn của 2 nghệ sĩ - con trai nhà thơ Trần Dần: NSƯT Trần Trọng Văn và họa sỹ Trần Trọng Vũ (hiện đang sống tại Cộng hòa Pháp). Các anh đã giữ gìn những trang bản thảo, nhật ký của cha mình hết sức cẩn thận và có cách lưu trữ khá khoa học. Nhật ký Trần Dần đã được xuất bản từng phần dưới dạng sách hoặc trích đăng trên một số tờ báo trong nước. Gần đây nhất, NSƯT Trần Trọng Văn cho biết anh đang cùng một số họa sỹ làm một cuốn tiểu thuyết theo hình thức mới mà lúc còn sống, nhà thơ Trần Dần có lần bày tỏ ý tưởng, đó là tiểu thuyết tranh (bên cạnh những trang chữ là những bức tranh phù hợp với nội dung tác phẩm chứ không đơn thuần là tranh minh họa). 

Bạn đọc yêu văn thơ Trần Dần đã may mắn có được những tác phẩm hay sau khi tác giả qua đời nhờ công sức, tâm huyết rất lớn của 2 nghệ sĩ Trần Trọng Văn và Trần Trọng Vũ. Bởi lẽ, sức sống mạnh mẽ từ mỗi con chữ còn để lại của nhà thơ nếu không trùng khớp với sự hiểu biết và trân trọng của hậu thế thì cũng rất khó có thể phát lộ, sinh sôi.

Miệt mài gìn giữ 

Tháng 4-2016, bộ “Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng” dày gần 1.500 trang đã được NXB Kim Đồng ra mắt bạn đọc. Bộ sách gồm 3 tập: Đến với văn chương và cách mạng, Những năm kháng chiến, Nghệ sĩ và công dân. Ấn bản mới này công bố thêm nhiều trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, được viết trong khoảng thời gian gần một năm trước và sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), khi nhà văn nhận trách nhiệm đưa đoàn văn nghệ sĩ lên chiến khu.

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng rất coi trọng việc viết nhật ký. Ngay sau khi ông mất, bà Trịnh Thị Uyên - vợ ông, đã tìm mọi cách để gìn giữ những trang di cảo của chồng mình. Suốt nhiều năm bà dành thời gian đánh máy thành nhiều bản vì sợ mất mát, thất lạc. Sau này bà già yếu, số tư liệu được giao lại cho người con trai. Mặc dù suốt cuộc đời, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng không hề có ý định công bố nhật ký của mình, nhưng đến nay những trang viết riêng tư của ông đã trở thành nguồn tư liệu hết sức giá trị về một thời đầy biến động của lịch sử, trải dài suốt 30 năm trước và sau Cách mạng tháng Tám.

Những cuốn nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được chất đầy trong một chiếc vali khá lớn, đó là những cuốn sổ có kích cỡ, hình dạng, chất liệu giấy khác nhau. Có cuốn tự đóng bằng tay, nay chỉ đã mục; có cuốn được viết trên những trang vở kiểu học trò; cuốn “xịn” nhất được bọc bìa cứng chính là quà tặng của nhà thơ Chế Lan Viên gửi về từ nước ngoài. Đặc biệt, trong bộ nhật ký xuất bản lần này được bổ sung thêm nội dung trong cuốn sổ nhật ký nhỏ nhất (chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay) do thời gian trước nó bị xếp nhầm vào chiếc vali đựng sổ công tác của nhà văn.