"Số phận" của lễ hội chọi trâu?

ANTD.VN - Mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Trịnh Thị Thủy ký Quyết định số 3050 và ban hành kèm Kế hoạch tăng cường công tác quản lý, tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn và các lễ hội nói chung. Nếu lễ hội không còn đáp ứng quy định của Luật Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL sẽ đưa ra khỏi danh mục di sản. 

Trước đó, ngày 1-7, tại vòng loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017, tại kháp đấu thứ 14, trâu chọi số 18 đã húc chủ tử vong. Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu tạm dừng tổ chức lễ hội. Kết quả kiểm tra chất kích thích trong trâu chọi số 18 và tất cả trâu còn lại đều âm tính.

"Số phận" của lễ hội chọi trâu? ảnh 1Một cảnh trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng

Không đáp ứng tiêu chuẩn thì… xem xét loại

Hơn 1 tháng sau sự việc, Bộ VH-TT&DL tiếp tục cho phép tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017. Tuy nhiên, Bộ VH-TT&DL yêu cầu Ban tổ chức thực hiện các hình thức tổ chức phù hợp trong Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di sản văn hóa, trọng tâm là nội dung tổ chức các nghi lễ truyền thống tại địa phương đảm bảo tính trang trọng, đúng với giá trị của di sản.

Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL nêu rõ: “Nếu di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định của Luật Di sản văn hóa thì Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL sẽ xem xét đưa di sản ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.   

Cục Văn hóa cơ sở đề xuất nội dung làm việc của lãnh đạo Bộ với UBND TP Hải Phòng về tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đồng thời, rà soát quy trình thực hành lễ hội, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được cam kết tại Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chủ trì tọa đàm lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa; cơ quan quản lý và cộng đồng về tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Về phía Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng, Bộ đề nghị tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa, cơ quan quản lý và cộng đồng để đưa ra giải pháp tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đảm bảo an ninh, an toàn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đừng nhầm lẫn chọi trâu với lễ hội chọi trâu

Mặc dù, nhiều ý kiến cho rằng nên dừng hẳn lễ hội chọi trâu vì tính bạo lực, phản cảm, không phù hợp với thời đại mới. Lễ hội có thể gây ra những tai nạn nguy hiểm khó lường. Đáng chú ý, lễ hội cũng là nơi tồn tại nhiều biến tướng trá hình như cổ súy cho bạo lực, tệ nạn cá cược, xả thịt trâu chọi bán với giá “cắt cổ”.

“Nếu di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định của Luật Di sản văn hóa thì Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL sẽ xem xét đưa di sản ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.   

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền cho biết, ngày xưa, lễ hội chọi trâu thường diễn ra ở sân đình, hoặc ven biển và gắn với thủy triều. Người dân thông qua lễ hội chọi trâu mà nhắc thần linh thực hiện nhiệm vụ dùng pháp lực của mình để thủy triều không gây nên tai họa cho con người. Ngày nay, nhiều người nhầm lẫn giữa “chọi trâu sân vận động” với “Lễ hội chọi trâu”.

Ông Trần Lâm Biền nhấn mạnh, thực chất, Lễ hội chọi trâu phải ở đất thiêng, thần linh chứng giám. Lễ hội vốn đẹp đẽ, trước đây tổ chức để hiểu truyền thống văn hóa của tổ tiên, nay ở sân vận động xem những con trâu chọi thì còn gì là lễ hội chọi trâu nữa. Trong khi sân vận động có chức năng khác, ở đó không có ngôi đền nào hay thần linh nào chứng giám.

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền chỉ ra: “Chọi trâu ở sân vận động không phải là Lễ hội chọi trâu. Bởi lẽ, người ta đi dự lễ hội chọi trâu cần biết sự tích. Đằng này đi xem chọi trâu ở sân vận động không còn liên quan, dính dáng gì đến lễ hội cả, chỉ biết xem hai con trâu húc thắng hay thua là hết”. Lễ hội chọi trâu là văn hóa, văn hóa nó lệ thuộc vào ứng xử của con người với truyền thống chứ không phải lợi dụng truyền thống làm méo mó nó đi, làm tác động vào tính hiếu kỳ, tính kinh doanh. 

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nói: “Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không sai nhưng những người ở địa phương sử dụng ý đó cho một ý đồ khác. Lễ hội dân gian có truyền thống của nó, người ta mang hai con trâu chọi thờ, đó là hệ thống tín ngưỡng chứ không phải hệ thống vui chơi”. Ông khẳng định: “Chọi trâu là trò chơi thì không phải cái đích của lễ hội. Không có cái gì là tồn tại vĩnh viễn, nên hãy trả lại tinh thần, không gian gắn với lễ hội. Để lễ hội chọi trâu là lễ hội chọi trâu, đừng giật một đoạn của lễ hội ra khỏi không gian thiêng”.

Việc tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống nhưng không phát huy được tính tích cực và văn hóa lành mạnh thì có nên bỏ hay không, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đưa quan điểm: “Mỗi thời một khác, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn tiếp nối truyền thống chứ không tách rời truyền thống. Nó tiếp tục truyền thống trong một hoàn cảnh khác, một hiệu quả khác và chứa đựng những xấu tốt khác”. Khác với nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng: “Sân vận động là nơi phù hợp, thuận tiện hơn cả để tổ chức chọi trâu khi thực hành lễ hội. Nó không phải là nguyên nhân hay điều kiện cho bạo lực. Làm chưa tốt thì phải làm tốt hơn chứ tại sao lại bỏ đi?”.

“Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không sai nhưng những người ở địa phương sử dụng ý đó cho một ý đồ khác. Lễ hội dân gian có truyền thống của nó, người ta mang hai con trâu chọi thờ, đó là hệ thống tín ngưỡng chứ không phải hệ thống vui chơi”. 

Ông Trần Lâm Biền (Nhà nghiên cứu di sản văn hóa)

“Mỗi thời một khác, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn tiếp nối truyền thống chứ không tách rời truyền thống. Nó tiếp tục truyền thống trong một hoàn cảnh khác, một hiệu quả khác và chứa đựng những xấu tốt khác”.

Ông Nguyễn Hùng Vĩ (Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian)