Số phận bác sĩ trợ giúp CIA tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden

ANTD.VN - Trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị tiêu diệt năm 2011, nhưng bác sĩ Shakil Afridi - người được cho là đã trợ giúp Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tìm được thủ lĩnh Al Qaeda cũng đã ngồi tù được 6 năm. Gia đình bác sĩ Shakil Afridi không ngừng lo lắng cho số phận người thân của mình.

Vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden đã tạo ra hố ngăn cách trong quan hệ Mỹ - Pakistan

Tòa án Pakistan hôm 16-11 một lần nữa mở lại phiên xét xử vụ việc liên quan đến bác sĩ Shakil Afridi - người đã giúp CIA tìm ra cựu thủ lĩnh Al Qaeda Osama bin Laden.  Gia đình bị cáo phàn nàn rằng, ông Afridi đã bị giam giữ bất hợp pháp nhiều năm và không được xét xử công bằng.

Bày tỏ khó khăn khi nhận vụ này, Latif Afridi - luật sư của ông Afridi cho biết: “Tôi đã mất nhiều năm để có được hồ sơ hoàn chỉnh của vụ án. Mỗi lần có lịch mở tòa, ngay lập tức phiên xử lại bị hoãn. Mỗi vụ án thường không kéo dài quá 2 năm, nhưng riêng trường hợp này, có vẻ như Nhà nước muốn kéo dài”, ông Latif Afridi nói. 

Căng thẳng sau vụ tiêu diệt trùm khủng bố

Hồi tháng 5-2012, ông Afridi lần đầu tiên bị một tòa án Pakistan kết tội phản quốc và bị kết án 33 năm tù giam. Sau đó, ông bị buộc thêm tội có liên hệ với các chiến binh Hồi giáo. Chính quyền Pakistan từ đó biệt giam bác sĩ Afridi trong một nhà tù bí mật. Ông Afridi chỉ có thể gặp hoặc nói chuyện với một vài quan chức và không được phép tiếp xúc với gia đình hoặc giới truyền thông.

Trùm khủng bố Osama Bin Laden đã bị tiêu diệt hôm 2-5-2011 trong một chiến dịch bí mật của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại thành phố Abbottabad của Pakistan. Chính phủ Pakistan tuyên bố rằng, trước khi bin Laden bị tiêu diệt, bác sĩ Afridi đã làm “tay trong” cho CIA khi phân phối vaccine bại liệt giả ở Abbottabad nhằm thu thập mẫu DNA của bin Laden.

“Tôi cảm thấy bi quan về việc Afridi được xét xử công bằng. Anh ấy có thể phải ở tù nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm nếu quan hệ Mỹ-Pakistan không cải thiện”.

Qamar Nadeem Afridi (Anh họ của bác sĩ Shakil Afridi)

 Các nhà quan sát cho rằng, ông Afridi phải vào tù không đơn thuần chỉ là sự trừng phạt vì ông này đã giúp CIA. Trong nhiều năm, Pakistan khẳng định không có bất kỳ thông tin nào về nơi ở của bin Laden - trùm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới. Vậy mà, bin Laden được phát hiện ở Abbottabad gần PMA Kakul, học viện quân sự uy tín của quân đội Pakistan, điều này khiến quan chức Pakistan cảm thấy bẽ mặt. 

Vụ việc liên quan đến bác sĩ Afridi cũng đã tác động tiêu cực đến chiến dịch chống bệnh bại liệt ở Pakistan. Nhóm phiến quân Taliban rêu rao rằng chiến dịch diệt trừ bệnh bại liệt trong cả nước bị Mỹ lạm dụng làm vỏ bọc cho hoạt động gián điệp của họ. Các phần tử Hồi giáo đã chặn hoạt động tiêm chủng phòng chống bệnh bại liệt ở các khu vực bộ lạc bất ổn       Waziristan và một số vùng khác của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, giáp biên giới Afghanistan. Họ cũng đã sát hại hàng chục nhân viên làm tiêm chủng trong vài năm trở lại đây.

Dùng dằng quá trình tố tụng

Cơ quan tố tụng đã đưa ra khoảng 20-22 nhân chứng nhưng luật sư biện hộ không được phép đối chứng với họ. “Thực tế, luật sư còn chưa được gặp họ bao giờ, chỉ có những bản viết tay gửi tới luật sư”, Qamar Nadeem Afridi - anh họ của bác sĩ Afridi nói và cho biết thêm gia đình họ đã sống trong cảnh bị đe dọa nhiều năm nay.

Tháng 3-2015, luật sư của ông Afridi là Samiullah Afridi đã bị bắn chết ở ngoại ô Peshawar, một thành phố bất ổn ở Tây Bắc Pakistan. Hai nhóm ly khai Taliban cùng tuyên bố gây ra vụ sát hại luật sư này. Trước đó, vào năm 2014, ông Samiullah Afridi đã phàn nàn rằng thân chủ của ông đã không được đối xử tốt trong tù. Bác sĩ Afridi mình đã đề nghị điều kiện đối đãi tốt hơn trong một lá thư được ông Samiullah trưng ra cho các phương tiện truyền thông vào thời điểm đó.

Luật sư Latif Afridi cho biết, ông Afridi bị cáo buộc có liên hệ với phiến quân chứ không phải là tội làm gián điệp. “Nếu Afridi đã thực sự giúp người Mỹ theo dõi một kẻ khủng bố toàn cầu, lẽ ra ông ấy phải được Chính phủ khen thưởng. Thực tế là cơ quan chức năng không đưa ra cáo buộc gián điệp chống lại Afridi bởi họ biết sẽ rất khó chứng minh cáo buộc đó”.