Sợ ông Trump "bỏ rơi", châu Âu vội vã tăng ngân sách đóng góp cho NATO

ANTD.VN - Trước nguy cơ tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể rút toàn bộ hoặc một phần quân Mỹ đồn trú ở châu Âu về nước, giới chức lãnh đạo NATO châu Âu đã nhượng bộ xem xét tái phân bổ đóng góp ngân sách của khối.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã từng gọi NATO là “tổ chức lỗi thời”, do được thành lập từ sau thời Thế chiến thứ 2 và suốt từ đó cho đến nay chưa từng có một cuộc cải cách nào về cơ cấu và tổ chức hoạt động.

Ông còn phàn nàn là Hoa Kỳ đã góng góp quá nhiều cho NATO so với những đồng minh ở châu Âu, mặc dù họ cũng là những nước giàu có chẳng kém Mỹ. Do đó, các thành viên liên minh cần đáp ứng yêu cầu tăng thêm ngân sách quốc phòng và các nghĩa vụ khác của NATO.

Trump còn ra điều kiện là muốn để Mỹ “bảo vệ” các thành viên của khối ở châu Âu trước sự đe dọa của Nga - theo những điều khoản được ghi trong trong điều 5 Hiệp ước NATO - vấn đề bắt buộc là các đồng minh châu Âu phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình.

Cụ thể hơn, khi một phóng viên hỏi rằng, liệu ông Trump có bảo vệ các quốc gia thành viên NATO ở Baltic trong trường hợp bị Nga tấn công hay không, nhà tỷ phú Mỹ đã nhắc lại rằng, “nếu họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình cho chúng tôi, thì Hoa Kỳ sẽ đứng ra bảo vệ”.

Ngoài ra, ông Trump còn tuyên bố gây sốc rằng, Mỹ đã can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của Liên minh châu Âu, những công việc nào thuần túy không liên quan đến Mỹ, ví dụ như vấn đề Ukraine thì hãy để các đầu tàu của EU như Đức, Mỹ, Anh… tự giải quyết.

Trước sự lo lắng của giới truyền thông và quan chức các nước châu Âu, đích thân Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 13/11 đã nhắc nhở tân tổng thống Mỹ Donald Trump về hậu quả của sự “từ chối liên minh”, đồng thời cho biết khối này sẵn sàng phân chia lại ngân sách đóng góp.

Sau khi ông Donald Trump lên, NATO sẽ tái điều chỉnh đóng góp ngân sách của khối?

“Chúng ta (NATO) đang phải đối mặt với những thách thức lớn đối với an ninh của toàn khối và trên toàn thế giới. Hiện giờ không còn thời gian để đặt câu hỏi về giá trị của sự hợp tác giữa châu Âu và Hoa Kỳ” - tổng thư ký NATO tuyên bố với tờ báo Anh The Guardian.

Ông Stoltenberg nhắc Mỹ rằng, NATO sử dụng điều khoản về tự vệ (Điều 5 của Điều lệ Tổ chức về nghĩa vụ giúp đỡ các đồng minh trong trường hợp có cuộc tấn công vào thành viên nào đó) chỉ một lần duy nhất và đó chính là sự hỗ trợ Hoa Kỳ, sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Và đó không chỉ là sự hỗ trợ tượng trưng. NATO cũng đã nhận về mình các hoạt động ở Afghanistan, nơi hàng chục nghìn binh sĩ đã phục vụ. Hơn một nghìn trong số họ đã phải trả giá cao nhất trong các hoạt động, khi sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố - ông Stoltenberg cho biết.

Tuy nhiên, vị Tổng thư ký của liên minh thừa nhận rằng, sức mạnh của sự hợp tác này phụ thuộc vào việc phân công trách nhiệm công bằng giữa các thành viên NATO. Từ trước đến nay, khối đã phân chia trách nhiệm chưa hợp lý, thì nay sẽ có sự điều chỉnh lại.

Ông cho biết, từ trước đến nay, Hoa Kỳ đã chiếm gần 70% chi tiêu cho liên minh quốc phòng, trong khi đó 28 nước còn lại chỉ chiếm 30%, do đó, lời kêu gọi phân chia trách nhiệm công bằng hơn của ông Trump là vấn đề đúng đắn.