Số người mắc bệnh tay chân miệng tăng nhanh: Cần theo dõi chặt

ANTĐ - Khác với năm ngoái, bệnh tay chân miệng (TCM) ở miền Bắc năm nay xuất hiện sớm và đang phát triển khá mạnh với số bệnh nhân tăng nhanh. Cũng vì thế, không ít phụ huynh tỏ ra khá lo lắng khi thấy con em mình có những biểu hiện giống với triệu chứng bệnh TCM và chủ động yêu cầu bác sĩ cho được làm xét nghiệm.

Ngay cả buổi tối, rất đông trẻ được đưa đến khám tay chân miệng tại bệnh viện Nhi Trung ương

Lo ngại vì số mắc tăng nhanh

Theo thống kê tại Hà Nội, ngay từ đầu tháng 1 đã có 113 trẻ mắc TCM, đến tháng 2 số ca mắc tăng gấp 3 lần và chỉ trong 9 ngày đầu tháng 3 đã có thêm 160 trẻ mắc bệnh. Chỉ tính riêng tại BV Nhi Trung ương, từ Tết Nguyên đán đến nay, mỗi ngày trung bình Khoa Truyền nhiễm của BV tiếp nhận 10 - 15 bệnh nhân TCM, cộng dồn đến thời điểm này đã có khoảng 320 trường hợp nhập viện. Bệnh nhân đến rải rác từ Hà Nội và các tỉnh/thành lân cận như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên… PGS.TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, cứ 10 ca đến khám TCM mới có 1 trường hợp phải nhập viện. Điều đó cho thấy diễn biến của dịch khá phức tạp và số mắc trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Đáng chú ý, khoảng 90% bệnh nhân TCM có thể tự khỏi do diễn biến nhẹ, có sự chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý. Các bác sĩ cho rằng, khi trẻ mắc TCM ở thể nhẹ, mới có sốt, xuất hiện nốt phỏng ở TCM, các bà mẹ chưa nên đưa cháu nhập viện ngay mà cần theo dõi chặt chẽ chiều hướng diễn tiến của bệnh. Tuy nhiên, việc phân biệt được bệnh TCM thể nhẹ với thể nặng, hay phân biệt giữa TCM với các bệnh lý có triệu chứng tương tự là không hề dễ dàng, thậm chí nhiều trường hợp các bác sĩ cũng rất khó xác định sớm được. Điều đó khiến các bậc phụ huynh đều rất lo lắng mỗi khi con có biểu hiện sốt và xuất hiện các nốt phỏng trên cơ thể. 

Theo TS. Lê Thanh Hải, hiện nay đang có tình trạng các bà mẹ đưa con đến BV xin được xét nghiệm xem con họ có mắc TCM hay không. Điều này gây một phần khó khăn cho BV bởi có những trường hợp không thực sự cần thiết phải xét nghiệm nhưng nếu từ chối yêu cầu thì lại gây ra một phản ứng không tốt. TS. Hải nhấn mạnh, việc xét nghiệm này là không cần thiết, bởi test xét nghiệm tìm virus EV 71 không đặc hiệu, nghĩa là test này đều dương tính với 3 loại virus khác nhau, trong đó có EV 71. Do đó, có thể kết quả là không chính xác. Hơn nữa, khi cháu bé đã được xác định là mắc TCM thì đều cần được cha mẹ để ý, chăm sóc ngay từ đầu, chứ không phải đợi bệnh nặng mới chú ý.  

Theo dõi chặt diễn biến bệnh

TS. Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực về số ca mắc TCM tính theo tỷ lệ mắc trên 100.000 dân. Tính từ đầu năm 2012 đến nay, các quốc gia trong khu vực cũng xuất hiện nhiều số ca mắc TCM, còn tại nước ta số ca mắc đã tăng gấp 7,46 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các tỉnh, thành có tỷ lệ cao nhất là Hải Phòng (9 tuần đầu năm có 1.461 ca mắc), Đồng Tháp (763 ca), Đắk Lắk (457 ca)… Trước diễn biến phức tạp của dịch nên ngay từ đầu năm nay Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch và phát động chiến dịch phòng chống bệnh này tại các địa phương có số mắc tăng cao. Bộ cũng đã thành lập 12 đoàn đi giám sát, kiểm tra tình hình phòng chống dịch TCM tại các địa phương, nay đã đi được 20 địa phương…

Các dự báo đều cho rằng dịch TCM còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, TS. Trần Thanh Dương cho rằng, diễn biến dịch phụ thuộc vào khách quan nhiều hơn bởi đây là bệnh do virus đường ruột, chưa có vaccine phòng và không có thuốc điều trị đặc hiệu, tỷ lệ người lành mang trùng lớn... Trên thực tế, chỉ có khoảng 25-27% bệnh nhi mắc TCM là có tiếp xúc với nguồn bệnh trước đó, hơn 70% còn lại không tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh. 

TS. Lê Thanh Hải khuyến cáo, nếu trẻ mắc TCM, bệnh sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng và nhanh hơn nên các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm diễn tiến bệnh của trẻ. Nếu trẻ sốt nhưng vẫn ăn, chơi ngoan thì không nên quá lo lắng, bởi như vậy cháu bé có sức đề kháng, bệnh nhẹ sẽ tự khỏi. Nhưng nếu bé sốt cao liên tục trên 39 độ C, dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ; hay giật mình; mệt, chậm chạp thì cha mẹ cần đưa đến BV ngay. Đó có thể là những dấu hiệu bệnh diễn biến nặng, cần được điều trị và chăm sóc y tế cẩn thận.