Số liệu thống kê là nguồn lực, nguồn tài nguyên vô cùng quý giá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 25-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận toàn thể trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ: “Khi bắt đầu đọc tên về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê thì tôi rất háo hức, nhưng đọc xong thì lại rất hụt hẫng”. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, ai cũng biết số liệu thống kê là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số hiện nay thì lại càng quan trọng hơn. Trong tất cả các lĩnh vực, từ hoạch định chiến lược kinh doanh, phát triển kinh tế, hay trong các công tác xã hội, phòng chống dịch bệnh... đều cần có những dữ liệu, số liệu thống kê cập nhật từng ngày từng giờ. “Trong kinh doanh, những bộ phận quản trị khách hàng, chỉ cần nắm được thông tin về khách hàng thì họ đã có thể bán được những thông tin này có các đơn vị làm tiếp thị, biến dữ liệu thành tiền. Rồi những người làm tiếp thị, bán hàng lại có thể khai thác các dữ liệu thống kê này để mang lại rất nhiều tiền cho doanh nghiệp, cá nhân...” - đại biểu Hoàng Văn Cường dẫn chứng.

Số liệu thống kê ở thời điểm hiện nay không còn là những con số khô khan mà nó là nguồn lực, nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nói thẳng ra thì “dữ liệu, số liệu thống kê là tiền, cơ quan thống kê phải là cơ quan giàu nhất, kiếm ra nhiều tiền nhất vì sở hữu nguồn tài nguyên đó” - đại biểu Hoàng Văn Cường nói. Trên quan điểm đó, theo đại biểu thuộc đoàn Hà Nội, việc sửa đổi Luật Thống kê lần này phải luật hóa việc kê khai, cung cấp những thông tin thống kê, cập nhật vào dữ liệu số, hình thành nên kho dữ liệu thống kê quốc gia về tất cả các vấn đề kinh tế xã hội... Đây chính là tiền đề của việc chuyển đổi số, là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi kinh tế số.

Phải chuyển đổi từ hình thức thống kê sổ sách truyền thống trước nay sang công nghệ số cập nhật, tạo thành kho dữ liệu số. Khi làm được điều đó, bất cứ những thông tin, dữ liệu thay đổi đều có thể nhanh chóng cập nhật được vào kho dữ liệu thống kê quốc gia. Khi đó, tất cả các cuộc điều tra, thống kê hiện nay rất tốn kém cả về thời gian lẫn kinh tế có thể sẽ không cần thiết nữa. Mặt khác, bất cứ khi nào các cơ quan thống kê đều có thể trích xuất, cung cấp được các dữ liệu thống kê, chứ không phải quy định cứng hơn 200 dữ liệu thống kê trong luật.

Trở lại với cách tiếp cận sửa Luật Thống kê lần này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, luật đã nâng các chỉ tiêu cần thống kê từ 186 chỉ tiêu hiện nay lên 222 chỉ tiêu. Đây là sự dũng cảm của ngành Thống kê bởi chỉ cần thêm 1 chỉ tiêu thống kê thôi thì công sức và chi phí cho nó rất nhiều. Tuy nhiên, nếu vẫn áp dụng cách làm thống kê như cũ mà chỉ thay đổi số lượng chỉ tiêu đầu ra thì rất lãng phí. “Qua thảo luận, các ý kiến của các bộ, ngành địa phương vẫn băn khoăn tại sao ngành mình lại không có các chỉ tiêu này”. Vì thế, phải sửa đổi một cách căn bản, không phải chỉ dừng lại ở việc thay đổi chỉ tiêu thống kê. Đại biểu Hoàng Văn Cường một lần nữa nhấn mạnh “dữ liệu thống kê là mỏ vàng lộ thiên, không cần gia công đào báo gì mà chỉ cần kích chuột thôi là dữ liệu thống kê có thể mang lại tiền qua giá trị mà nó cung cấp”, vì thế sửa Luật lần này phải đề cập và điều chỉnh từ phương thức thu thập thông tin dữ liệu thống kê, chuyển đổi số, cập nhật số để hình thành kho dữ liệu tự động... từ đó mới góp phần hiệu quả vào phát triển nền kinh tế số.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận tại hội trường đã có 25 ý kiến phát biểu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã có phần giải trình, tiếp thu, làm rõ các ý kiến của đại biểu Quốc hội quan tâm. “Qua thảo luận, đa số ý kiến thống nhất phạm vi sửa đổi, tên gọi của Luật như Chính phủ trình tuy nhiên còn 1 số ý kiến đề nghị sửa đổi toàn diện luật trên cơ sở nền tảng kinh tế số, dữ liệu số, công nghệ thông tin; có ý kiến đề nghị quy định rõ cụ thể hơn thẩm quyền, quy trình tính toán, đánh giá, công bố GDP; nhiều ý kiến góp ý cụ thể về các chỉ tiêu trong phụ lục, danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia như bổ sung sửa đổi tên một số nội dung chỉ tiêu thống kê, bổ sung thêm nhóm, phân loại một số nhóm, chia tách các nhóm chỉ tiêu…” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh và nêu rõ, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu tiếp thu tối đa để hoàn chỉnh dự thảo Luật và sẽ có báo cáo tiếp thu, giải trình để trình Quốc hội xem xét và dự án Luật này sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Tại điểm cầu Bắc Ninh, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, trải qua đợt dịch Covid-19 vừa qua càng khẳng định vai trò quan trọng của thống kê trong định hướng chống dịch và trong công tác hỗ trợ sau dịch tại các địa phương. Bên cạnh đó, giai đoạn 2016 đến nay, chúng ta ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản quy định với nhiều chủ trương, chính sách nhưng Luật Thống kê hiện hành chưa thể chế hóa được. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê là hoàn toàn phù hợp với giai đoạn mới.

Để dự thảo Luật hoàn thiện, nhanh chóng được áp dụng trên thực tế, đại biểu Nguyễn Như So đề xuất, tại nhóm chỉ tiêu về lao động, việc làm, bình đẳng giới, đề nghị cần rà soát để đảm bảo thống kê các chỉ tiêu quốc gia có tính bao quát, toàn diện hơn. Dự thảo Luật đưa ra 4 chỉ tiêu về bình đẳng giới gồm: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân, tỷ lệ cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tuy nhiên, theo đại biểu 4 chỉ tiêu này mới chỉ phản ánh bình đẳng giới ở vấn đề chính trị chưa có chỉ tiêu bình đẳng giới liên quan đến các lĩnh vực thiết thực của cuộc sống như giáo dục, y tế… Vì vậy, đề nghị bổ sung, cập nhật chỉ tiêu đầy đủ phù hợp với chỉ tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 - 2030, đồng thời hài hòa với thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết liên quan đến bình đẳng giới.

Đối với chỉ tiêu dân số bị bạo lực (nhóm 19 trật tự an toàn xã hội và tư pháp), đại biểu cho rằng cần phải rà soát, có đánh giá tính hiệu quả, chính xác của phương pháp thống kê này ngay từ khi đưa ra khái niệm bạo lực. “Cần nghiên cứu quy định lại khái niệm thế nào là bạo lực để khi triển khai trên thực tế không lúng túng, không chồng chéo với các luật hiện hành như Bộ luật Hình sự...” - đại biểu Nguyễn Như So đề xuất.

Từ điểm cầu Bình Định, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần tiếp tục rà soát nhằm xây dựng hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê bao quát trên mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia đối với cả nước, đối với các vùng. Theo đại biểu, vấn đề này, Quốc hội cũng đã quy định trong Luật Quy hoạch, có quy hoạch phát triển vùng, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, cấp quy định thống nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà cụ thể là Tổng cục Thống kê là cơ quan duy nhất có thẩm quyền thực hiện và công bố kết quả thống kê đối với các chỉ tiêu thống kê quốc gia của vùng và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. “Để đảm bảo tính khách quan, thống nhất, chính xác, chính quyền các cấp xây dựng hệ thống về mục tiêu cũng như chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và trong triển khai thực hiện các mục tiêu chỉ tiêu này. Bên cạnh đó, các cơ quan thống kê cũng sẽ kiểm định và công bố, đánh giá kết quả cụ thể thực hiện các mục tiêu này qua hệ thống chỉ tiêu thống kê...” - đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với việc bổ sung quy định về việc định kỳ 5 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ trình Quốc hội. Đồng thời, kiến nghị cần quy định thống nhất thời điểm công bố số liệu thống kê hàng năm đối với quốc gia, vùng và các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, đề nghị cần nghiên cứu kỹ thời điểm cần công bố số liệu thống kê, giảm thời gian còn lại trong năm phải ước tính trong số liệu thống kê để đảm bảo số liệu thống kê được xác thực, chính xác nhất.