Số hóa ngân hàng: Xu thế tất yếu nhưng còn nhiều thách thức

ANTD.VN - Sự phát triển và ứng dụng công nghệ số trong ngành ngân hàng đi kèm không ít thách thức như chưa đủ khuôn khổ pháp lý, đòi hỏi nguồn lực tài chính, nhân lực có trình độ cao, thách thức về an ninh bảo mật, về kiểm soát rủi ro, khả năng xử lý…

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo Quốc tế Thường niên ngành Ngân hàng Tài chính với chủ đề “Số hóa ngân hàng - Cơ hội đột phá” do Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước và Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính đồng tổ chức sáng nay 1/11.

Ngân hàng nắm bắt xu thế số hóa

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng trong nước đã bước đầu chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa thực thụ như: TPBank với ngân hàng tự động LiveBank, VPBank với ứng dụng ngân hàng số Timo, OCB với chiến lược chuyển đổi ngân hàng số, Vietcombank với không gian ngân hàng số Digital Lab, Vietinbank với Corebank thế hệ mới và kho dữ liệu doanh nghiệp hiện đại, LienVietPostBank với Ví Việt, MBBank với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ 24x7 trên mạng xã hội, Napas với dịch vụ số hóa thẻ nội địa...

Sự phát triển của internet banking, mobile banking, các giải pháp thanh toán sử dụng QR code, công nghệ giao tiếp trường gần NFC, hay các tiến bộ trong công nghệ sinh trắc học sử dụng vân tay và mống mắt… đều có khả năng mang lại những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới, tiện lợi và hiệu quả, từ đó gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận, giảm dần sự tập trung vào nguồn thu nhập truyền thống từ hoạt động tín dụng, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Công nghệ số cũng là cơ hội để các quốc gia thúc đẩy Tài chính toàn diện, hướng tới việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, việc số hóa ngân hàng vẫn còn gặp không ít thách thức. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc LienVietPostBank, một trong những thách thức lớn đến từ hành lang pháp lý vẫn chưa hoàn thiện. “Rất nhiều vấn đề có thể làm luôn nhưng vẫn phải đợi quy định” – bà Sơn nói.

Vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển ngân hàng số hiện nay

Cùng với đó, việc cân bằng giữa kết quả và đầu tư cũng là thách thức lớn của các ngân hàng. “Số hóa không thể tính ngày một ngày hai, không phải 1 - 2 triệu USD mà có thể lên đến hàng chục triệu đô, nhưng lại không thể đem lại kết quả ngay. Trong khi đó, các cổ đông bao giờ cũng mong muốn kết quả ngay lập tức” – đại diện LienVietPostBank chia sẻ. Bên cạnh đó là vấn đề nhân sự, bảo mật, thách thức từ phía khách hàng...

Đồng quan điểm, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, sự phát triển và ứng dụng công nghệ số trong ngành ngân hàng đi kèm không ít thách thức như chưa đủ khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thích ứng với bối cảnh số hóa, đòi hỏi nguồn lực tài chính, nhân lực có trình độ cao, thách thức về an ninh bảo mật, về kiểm soát rủi ro, khả năng xử lý…

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, để định hướng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam, NHNN đã chú trọng việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm, định hướng chính sách nhằm tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh bảo mật cho ngành ngân hàng.

Bên cạnh việc hoàn thiện môi trường thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng công nghệ chung của toàn ngành cũng không ngừng được cải thiện.

Việc tăng cường năng lực tiếp cận và bảo đảm an ninh bảo mật ngân hàng trong thời kỳ số hóa được ngân hàng rất quan tâm chẳng hạn như thúc đẩy việc kết nối liên thông và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực thanh toán; áp dụng các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất cho một số phương tiện và hệ thống thanh toán; nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thanh toán mới, hiện đại như triển khai tiêu chuẩn quốc tế về an toàn dữ liệu thẻ PCI/DSS, công nghệ mã hóa số thẻ (tokenization)…

NHNN cũng đã ban hành Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ và khuyến nghị các tiêu chuẩn cho thanh toán QR code để tăng cường khả năng kết nối liên thông khi thanh toán bằng QR code, giảm thiểu chi phí cho việc lắp đặt, sử dụng các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán.