Sổ hộ khẩu đã hoàn thành "sứ mệnh lịch sử"

ANTD.VN - Ra đời từ những năm 1990, hệ thống hộ khẩu là một công cụ để đảm bảo an ninh trật tự và quản lý kinh tế thông qua kiểm soát việc di cư đến các thành phố lớn. 

Hộ khẩu còn gắn với chế độ phân phối tiêu dùng, tiếp cận các dịch vụ công. Song, hộ khẩu cũng “đẻ” ra không ít hệ lụy, bất cập và bất bình đẳng cho người dân. Sứ mệnh lịch sử của hộ khẩu đã hoàn thành, đã đến lúc phải bỏ hộ khẩu, một rào cản trên con đường cải cách thủ tục hành chính trong một xã hội công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ.

Đến cuối năm 2018 hoặc chậm nhất là đầu 2019, công dân khi làm thủ tục hành chính sẽ không cần phải mang theo sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, mà chỉ cần cung cấp 3 thông tin chính: họ tên, mã số định danh cá nhân và chỗ ở là sẽ được giải quyết. Theo Bộ Công an, đầu năm 2019, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ đi vào vận hành, đảm bảo phục vụ hữu hiệu cho công tác quản lý nhà nước.

Đây là căn cứ quan trọng để thực hiện lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng một công dân phải dùng nhiều loại giấy tờ như hiện nay. Như vậy, công dân không phải mất thời gian đi chứng thực hay xin xác nhận của xã, phường. Tự thân sổ hộ khẩu sẽ hết giá trị vì các ngành đã có cơ sở dữ liệu để xác nhận mà không cần công dân mang theo hộ khẩu. 

Đón nhận thông tin “nóng hổi” này, hàng triệu người dân háo hức chờ đợi như sắp trút được gánh nặng thủ tục rườm rà, nhiêu khê “hành hạ” bao năm nay. Từng một thời, người dân đeo đẳng nỗi lo mất sổ gạo thời bao cấp hay sổ hộ khẩu thời đó và cả đến bây giờ để nói lên nỗi sợ hãi còn hơn cả mất tiền, mất của. Từ khi mở mắt chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay, mọi chuyện từ nhỏ đến lớn gắn với cuộc đời đều “trói buộc” vào sổ hộ khẩu.

Ngay những năm gần đây, người dân muốn được thụ hưởng dịch vụ y tế, giáo dục, điện nước, viễn thông cũng mặc nhiên phải gắn với sổ hộ khẩu. Không có sổ hộ khẩu đồng nghĩa với việc bị gạt ra ngoài thành thị, con cái không được học các trường công lập ở quận, phường.

Không ít cử nhân không thể bước chân vào các cơ quan, công sở chỉ vì không có hộ khẩu. Đó là chưa kể tới những quy định “ăn theo” hộ khẩu tồn tại nhiều thập kỷ nay, trong nhiều lĩnh vực khiến nảy sinh tiêu cực, sách nhiễu.

Trên thế giới, có lẽ không còn nước nào quản lý công dân theo hộ khẩu, mà chỉ cần chứng minh nhân dân, thẻ căn cước là đủ. Thực ra, sổ hộ khẩu chỉ “quản” được tên tuổi công dân chứ có quản lý được con người đâu. Việc loại bỏ sổ hộ khẩu, loại bớt thủ tục hành chính không cần thiết, là quyết định sáng suốt!