Sợ gọi con mình là “thần đồng”

ANTĐ - Trong ký ức của tôi, hình ảnh nhà phê bình Nguyễn Hòa gắn liền với bục giảng của Phân viện Báo chí & Tuyên truyền hơn 10 năm về trước, khi tôi còn là một sinh viên được nghe thầy giảng bài về Cơ sở văn hóa Việt Nam. Rồi lứa học sinh chúng tôi ra trường, thầy trò ít có dịp gặp nhau. Bẵng đi một thời gian, văn đàn xôn xao về tập sách phê bình văn học Bàn phím và… “cây búa”!, một tập sách vạch mặt một số công trình nghiên cứu đạo văn với rất nhiều đụng chạm, không phải ai cũng dám viết…

Hai cha con nhà phê bình Nguyễn Hòa, Nguyễn Bình

“Cực đoan” không có gì xấu

Hình như chính cái sự “vạch mặt” rất thẳng thắn đó mà không ít nhà nghiên cứu, nhà văn bây giờ đâm ra sợ… Nguyễn Hòa, hay nói thẳng ra ông bị nhiều người ghét. Cuộc sống có vô vàn khuôn mặt, dù tự giác hay tự phát thì mỗi người vẫn tồn tại trong xã hội qua một khuôn mặt, mới có chuyện người ưa hư danh, người cả nể, người lại yên phận… Theo ý kiến của tôi, thì ông là người mang khuôn mặt “cực đoan kiểu Nguyễn Hòa”.

Trong cuộc trò chuyện giữa tôi và ông, tôi cứ hỏi đi hỏi lại, rằng cuộc sống của ông thế nào, nếu có nhiều người ghét? Ông đáp lại câu hỏi của tôi bằng câu trả lời rất vui vẻ, rằng ông hoàn toàn ý thức được những việc mình làm: “Họ ghét tôi cũng tốt thôi, chả sao cả. Tôi đưa ra ý kiến, nếu không đồng tình thì phản bác, chứ sao lại quay sang ghét! Phải chăng tôi đã viết đúng?”, và “Thà nói những lời chân thành, tuy có đôi lúc phũ phàng, còn có ích hơn những lời vuốt ve giả dối”... “Xoay” chuyện ghét không xong, tôi hỏi, ông có tự nhận mình cực đoan. Lại vẫn cười rất vui vẻ, rồi thủng thẳng trả lời: “Trong nghiên cứu văn chương hay khoa học, cực đoan không có gì xấu. Tôi đưa ra đánh giá và luận chứng để bảo vệ, nếu bạn hay ai khác thấy chưa đúng, thì luận chứng để bác bỏ. Bảo tôi cực đoan, nhưng lại không có dũng khí để phản biện ý kiến của tôi thì bàn làm gì. Tra từ điển mà xem, cực đoan không có nghĩa xấu đâu”. 

Ngại đụng chạm, sợ mất lòng người nọ người kia… đó cũng là lý do mà nhiều năm trở lại đây nhiều cây bút phê bình hễ nói thì to nhưng lại ít viết. Họa chăng có viết thì cũng chỉ đánh bóng, tô hồng và tiếp thị tên tuổi cho nhau. Nguyễn Hòa bảo, sở dĩ ông dám nói thật là còn vì ông không xuất thân từ “lò” văn chương, vì thế không bị ràng buộc bởi những mối quan hệ chằng chéo, dắt dây… 

Cảm ơn số phận!

Cho đến bây giờ, trong ký ức của Nguyễn Hòa vẫn vẹn nguyên hình ảnh cái đêm anh binh nhì Nguyễn Hòa ngồi trên tàu hỏa qua cầu Long Biên hơn 30 năm về trước. Cả nghìn anh lính trẻ thò đầu qua cửa sổ nhìn về phía Hà Nội, rồi không biết ai cao giọng hát: “Tôi đứng đây trên nhịp cầu Long Biên lộng gió”. Thế là cả nghìn anh lính trẻ cùng hát, hát như gào lên. Rồi Hà Nội xa dần… Không gian tĩnh lặng trở lại, gối đầu lên ba lô, anh lính trẻ Nguyễn Hòa tự nhủ, nếu còn sống để trở về, sẽ phải học hành đến nơi đến chốn, học gì cũng được. Chuyến tàu năm đó, nhiều người bạn của ông đã không  trở về, nhưng ông thì may mắn hơn họ, trở về lành lặn và được quân đội cử đi học. Rồi ông thành giảng viên Triết học, Mỹ học… 

Giờ thì Nguyễn Hòa còn được nhiều người biết đến với vai trò là cha của cậu bé Nguyễn Bình - tác giả bộ truyện “Cuộc chiến với hành tinh Fantom”. Con trai ông hoàn thành 3 tập truyện khi mới chỉ 11 tuổi. Tôi hỏi ông cảm giác của người cha thế nào khi con mình được gọi là “thần đồng”. Ông gạt đi: “Thần đồng gì đâu, con tôi thế nào, tôi hiểu hơn ai hết”.

Ông kể: “Năm Nguyễn Bình 3 tuổi, đang ngồi uống bia ngoài vỉa hè với nhà thơ Trần Đăng Khoa thì ông nhận được tin nhắn “Ông Hòa ơi, lúc nào về mua cho tôi cuốn Từ điển Hán Việt”. Cả 3 người con của ông đều đọc thông viết thạo từ năm 2 - 3 tuổi, riêng Nguyễn Bình thì năm 4 tuổi bắt đầu tự học tiếng Hán. Ông cũng không lý giải nổi rằng đó là tạo hóa ban cho hay do di truyền. Ông khuyến khích con học bằng cách mua cả rổ chữ để con mày mò học, biến việc học chữ thành trò chơi. Trẻ con vốn rất hay hỏi, hỏi nhiều quá đôi khi khiến bố mẹ cáu. Thế là ông mua từ điển Tiếng Việt cho con tự tra, và việc tra từ điển cũng được coi như một trò chơi.

Và mỗi ngày dù bận rộn đến đâu, ông cũng dành chút ít thời gian trò chuyện với con. Vốn mù tịt về máy tính, để theo kịp con, ông cũng đăng ký đi học. Buổi học đầu tiên của lớp dạy vi tính có 3 “học trò”. Ông ngồi giữa, bên cạnh là một cô bé cỡ chừng14 tuổi có nickname: congchuaxinhdep (công chúa xinh đẹp) còn bên cạnh là cậu bé chừng 15, 16 có cái tên langturungxanh (lãng tử rừng xanh). Ba học trò ngồi với nhau hệt như 3 bố con. Hết buổi đầu tiên thì Nguyễn Hòa cám cảnh vì “già rồi còn đi học”, đành về nhà tự học. Giờ thì ông tự hào: “Tôi biết dùng máy tính không thua những người cùng tuổi”.

Không chỉ sợ ai đó gọi con mình là “thần đồng”, hãn hữu lắm ông mới đồng ý cho Nguyễn Bình tiếp xúc với báo chí. Ông bảo, sự tung hô của báo chí, nếu không được điều chỉnh, và bản thân Nguyễn Bình không được trang bị bản lĩnh rất có thể sẽ khiến con ông tự huyễn hoặc mình. Ông cũng không nghĩ con ông sẽ mãi gắn với nghiệp viết văn, vì “sở thích của nó thay đổi luôn, từ bé đến nay đã 5 - 7 lần thay đổi sở thích rồi”.