Sở Giao dịch Chứng khoán có thể hoạt động theo mô hình công ty TNHH hoặc cổ phần

ANTD.VN - Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ được thành lập và hoạt động theo mô hình công ty TNHH, hoặc công ty cổ phần; có hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) và kiểm soát viên trong trường hợp được tổ chức theo mô hình công ty TNHH; có đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc) và ban kiểm soát/ban kiểm toán nội bộ nếu tổ chức theo mô hình công ty cổ phần.

Đó là một trong những nội dung mới của dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) so với luật hiện hành, vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đưa ra lấy ý kiến các bên liên quan.

UBCKNN cho hay trên thế giới, sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) có thể hoạt động theo mô hình thành viên hoặc công ty cổ phần. Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục duy trì mô hình sở hữu nhà nước là điều cần thiết, để bảo đảm mục tiêu hoạt động của SGDCK không vì mục đích lợi nhuận, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chứng khoán.

Tiếp nhận những ưu điểm của các mô hình trên thế giới, dự thảo luật quy định, SGDCK được thành lập và hoạt động theo mô hình công ty TNHH, hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, SGDCK có hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) và kiểm soát viên trong trường hợp được tổ chức theo mô hình công ty TNHH; có đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc) và ban kiểm soát/ban kiểm toán nội bộ nếu tổ chức theo mô hình công ty cổ phần.

Sở Giao dịch chứng khoán sẽ hoạt động theo mô hình công ty TNHH hoặc công ty cổ phần

Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, cơ cấu tổ chức và hoạt động, hình thức sở hữu; việc tổ chức lại, giải thể SGDCK theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính; SGDCK chịu sự quản lý và giám sát của UBCKNN.

Liên quan đến điều kiện công ty đại chúng, UBCKNN cho biết, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của công ty đại chúng, dự thảo nâng điều kiện về vốn điều lệ từ tối thiểu là 10 tỷ đồng tại luật hiện hành lên “có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng”; đồng thời sửa đổi, bổ sung điều kiện về số lượng, cơ cấu cổ đông.

Quy định này được cho là phù hợp với thông lệ quốc tế, bởi công ty đại chúng ở các nước thường có quy mô và số lượng cổ đông lớn. Ngoài ra, theo UBCKNN, việc thay đổi điều kiện về vốn của công ty đại chúng nhằm phù hợp với tiêu chuẩn niêm yết của SGDCK Hà Nội, tránh gây xáo trộn thị trường. Hiện tại, 81,6% trong số 1.954 công ty đại chúng có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng, 69% có mức vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng trở lên.

Dự thảo cũng quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài là tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết của tất cả nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên, tính trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng là 100%, ngoại trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể thấp hơn.

Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề có quy định. Theo UBCKNN, việc mở rộng giới hạn này sẽ tạo điều kiện cho nhiều cổ phiếu của công ty Việt Nam đủ điều kiện tham gia vào chỉ số của các thị trường mới nổi.