"Sờ gáy" bà trùm gốc Hoa buôn bán hàng giả ở Mỹ

ANTĐ - Đây có thể là câu chuyện về một giấc mơ Mỹ trọn vẹn. Một gia đình nhập cư xây dựng một doanh nghiệp thành công và mua một căn nhà 4 phòng ngủ ở một khu phố yên tĩnh, nơi có trường học tốt cho con trai của họ. Nhưng đó không phải là tất cả. Một phụ nữ Trung Quốc 45 tuổi, Xu Ting trong câu chuyện ấy vừa bị kiện vì làm giả 8 thương hiệu thời trang cao cấp, bao gồm Gucci và Louis Vuitton, và hiện đang nợ hãng Chanel 6,9 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại. 
"Sờ gáy" bà trùm gốc Hoa buôn bán hàng giả ở Mỹ ảnh 1

Bị 8 thương hiệu thời trang kiện vì tội buôn bán hàng giả

Trong hàng loạt những lời dối trá từ những kẻ buôn hàng giả như: tên giả, địa chỉ giả, tên miền internet giả… có một thứ luôn luôn thật: thông tin tài khoản ngân hàng. Chính từ tài khoản ngân hàng của Xu Ting mà nhà chức trách Mỹ đã lần ra bà ta. Những rắc rối pháp lý của Xu bắt đầu năm 2008, khi một thẩm phán liên bang ở California buộc bà phải bồi thường cho công ty Chanel 6,9 triệu USD vì bán hàng giả của hãng này qua mạng.

Cho tới nay, bà vẫn chưa trả khoản tiền đó, theo người phát ngôn của công ty Chanel - Kathrin Schurrer. “Điều quan trọng là Chanel có thể buộc cơ sở kinh doanh hàng giả đó ngừng hoạt động, điều mà chúng tôi từng làm thành công” - Schurrer viết trong một email. Nhưng sau vụ kiện đó, Xu Ting vẫn tiếp tục ăn nên làm ra. Năm 2009, một thẩm phán ở Florida ra phán quyết chống lại Xu Ting và yêu cầu bà phải đóng cửa 7 trang web chuyên bán hàng giả các nhãn hiệu Louis Vuitton, Marc Jacobs và Celine. Nhưng bà lại không có mặt tại tòa.

Một năm sau, Gucci, Balenciaga, Bottega Veneta và Yves Saint Laurent, tất cả các thương hiệu đều thuộc hãng Pháp Kering, đệ đơn kiện Xu Ting ở tòa án liên bang New York vì đã bán túi xách, ví giả trị giá hơn 2 triệu USD cho các khách hàng ở Mỹ. Gucci cáo buộc nhóm của Xu đã chuyển hàng từ Trung Quốc tới một căn nhà ở San Diego, nơi hàng được đóng gói và dán nhãn hàng thật.

4 ngày sau khi đơn kiện được nộp lên tòa, Xu cưới một người quốc tịch Trung Quốc tên Xu Lijun, làm kỹ sư dân dụng ở California trẻ hơn bà 6 tuổi. Tháng 11-2010, chồng của Xu đã dàn xếp với Gucci. Ông phủ nhận không làm gì sai, nhưng đồng ý để Gucci giữ lại 400.000 USD trong tài khoản bị tịch thu ở Trung Quốc. Ông cũng đồng ý trả khoản phạt 7.500 USD, theo pháp quyết của thẩm phán.

Eric Siegle, luật sư ở thành phố New York đại diện cho Xu Lijun, nói ông chỉ là “con cá nhỏ”, và vụ kiện của Gucci, giống nhiều vụ khác đã không thể xử lý được những kẻ thật sự đằng sau các đường dây buôn hàng nhái. “Những người bị bắt hay bị kiện ở Mỹ chỉ là cấp thấp”, Siegle nói. Trong khi đó năm 2013, Xu Lijun mua một ngôi nhà ở Rancho Penasquitos. 2 tuần sau khi mua nhà, Xu Ting chuyển hết cổ phần của mình trong ngôi nhà cho chồng đứng tên. “Thân chủ của tôi cũng cho rằng làm hàng nhái là bất hợp pháp, nhưng họ không làm”, luật sư Chen Peng đại diện cho nhà Xu nói. 

Lỗ hổng pháp lý

Trung Quốc hiện là quốc gia làm hàng giả số một thế giới. Hàng giả được sản xuất ở các xưởng nhỏ lẻ khắp miền Nam Trung Quốc, rồi tập hợp về Quảng Châu, và được gửi tới Mỹ bằng các chuyến container hoặc chuyển phát nhanh. Từ đó, chúng có thể được bày bán trong các cửa hàng hoặc chợ trời nhưng phổ biến nhất vẫn là bán trên mạng. 

Mặc dù đã chi hàng triệu USD vào việc bảo vệ thương hiệu, nhưng các công ty lớn thường bị cuốn vào một cuộc chiến không hồi kết khi các cơ sở sản xuất và nhà phân phối hàng giả, hàng nhái vẫn mọc lên như nấm. Xu Ting chỉ đơn giản là từ chối không ra hầu tòa trong nhiều năm qua. Thay vào đó, sau khi tốt nghiệp ngành thống kê ở Đại học bang San Diego, với việc kinh doanh các món hàng nhái tại Mỹ, Xu Ting đã thu về ít nhất 890.000USD, đồng thời mua được 1 căn nhà trị giá 585.000USD ở Rancho Penasquitos, California để sống sung túc cùng chồng con.

Ngoài Xu Ting, chồng cô cũng tham gia vào đường dây buôn bán hàng giả này. Đối mặt với hàng loạt các vụ kiện tụng, vào tháng 2-2014, Xu Ting vẫn được cấp thẻ xanh và trở thành công dân hợp pháp của Mỹ bởi cô đã kết hôn người chồng có bằng cấp cao, được xếp vào thành phần có khả năng kỹ thuật hữu dụng cho Mỹ.

“Tôi nghĩ các công ty nước ngoài bị xâm hại cần có động thái quyết liệt hơn để bảo vệ quyền của họ” - Mark Cohen, cựu tùy viên phụ trách quyền sở hữu trí tuệ của đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, nói. “Chúng ta cần vá các lỗ hổng pháp lý. Tôi nghĩ rằng, nhiều công ty rất quan tâm tới chuyện hàng nhái hàng giả, nhưng cuối cùng họ lại tính toán về mặt kinh tế, sẽ mất bao nhiêu tiền để theo đuổi và buộc những kẻ đó chịu trách nhiệm”.

Làm hàng giả hàng nhái hiếm khi bị truy tố tội hình sự giống với buôn lậu ma túy hay rửa tiền. Nhưng sự thiếu hợp tác pháp lý từ phía Trung Quốc khiến những kẻ làm hàng nhái, hàng giả dễ dàng di chuyển tiền bạc ra khỏi sự kiểm soát của các cơ quan thực thi pháp luật phương Tây - và khó có thể truy tìm được kẻ trùm làm hàng giả thực sự.

Tại Mỹ, hầu hết những vụ kiện tụng làm hàng giả đều được tòa án dân sự xử lý. Tuy nhiên, tại đây, tòa án sẽ chỉ có thể đóng cửa các trang website bán hàng giả và yêu cầu các tay buôn hàng giả bồi thường. Chính vì vậy, các luật sư cho rằng nếu đưa các vụ án này ra tòa hình sự và có thể khiến các tay buôn hàng giả phải chịu án tù, thì việc ngăn chặn buôn bán hàng giả mới thực sự có hiệu quả.