Sơ cứu thế nào để tránh tử vong nếu bị miếng tôn cắt đứt mạch máu?

ANTD.VN -Trước 2 vụ tai nạn thương tâm liên tiếp khiến một cháu bé 10 tuổi và một phụ nữ 66 tuổi ở Hà Nội tử vong do miếng tôn đâm (rơi) vào người gây đứt mạch máu, chiều nay, 26-9, TS Dương Đức Hùng, Viện Tim mạch Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai đã trực tiếp hướng dẫn cách sơ cấp cứu những trường hợp tai nạn tương tự để hạn chế nguy cơ tử vong.

Phân tích về nguyên nhân khiến cháu bé 10 tuổi tử vong sau khi va vào tấm tôn và người phụ nữ 66 tuổi (đều ở Hà Nội) tử vong do miếng tôn từ một chiếc xe đi qua rơi xuống cứa ngang cổ, bác sĩ Dương Đức Hùng cho biết, lý do lớn nhất khiến nạn nhân tử vong là không được sơ cứu đúng cách, nên bị mất máu quá nhiều, gây sốc.

TS Dương Đức Hùng hướng dẫn cách sơ cứu khi bị vật sắc nhọn cứa đứt mạch máu tại Bệnh viện Bạch Mai chiều 26-9

Theo TS Dương Đức Hùng, ở cổ có động mạch rất lớn là động mạch cảnh, nằm ngay dưới da. Chỉ cần một vết cắt qua da, có thể gây tổn thương động mạch cảnh, mà dân gian hay gọi là “cắt tiết”, máu sẽ phun ra.

Với việc sơ cứu, trong thực tế, xung quanh khu vực xảy ra tai nạn, có những vật dụng rất dễ kiếm cho việc sơ cứu như khăn giấy khô, khăn sạch hay vải sạch (để làm ga-rô), nẹp cứng (thước kẻ, mẩu tre, thanh gỗ nhỏ...). Việc đầu tiên, không phải là bế xốc nạn nhân đi cấp cứu mà phải lấy tay đối diện với nạn nhân, ví dụ nạn nhân bị bên cổ phải thì dùng tay phải của mình, dùng hai ngón tay trỏ và giữa ép chặt vào phần vết thương của nạn nhân để cầm máu sơ cứu. Dùng vải sạch, khăn giấy khô ép chặt vào vết thương.

Tuy nhiên, ở cổ nếu sơ cứu ép không cẩn thận sẽ chèn ép đường thở của nạn nhân. Do đó, sau khi bịt ngón tay, dùng khăn giấy hay dẻ/khăn sạch ép vào vết thương, cần chuẩn bị thêm một thanh cứng, đặt thanh cứng cố định vào phía đối diện với vết thương (ở bên kia cổ) để làm đối trọng.

Sau đó, dùng khăn hay mảnh vải băng lại quanh cổ. Điều này sẽ giúp nạn nhân có đường thở thông thoáng. Sau đó, nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu tiếp. Thực hiện được điều này, sẽ giúp cứu sống bệnh nhân.

TS Dương Đức Hùng cho rằng, đây được coi là những kỹ năng để sinh tồn. Những phương pháp sơ cứu như thế này rất có ích cho bản thân hoặc người bị nạn trên đường, bởi lúc đó sinh mạng con người chỉ còn được tính bằng giây.