Số ca mắc và tử vong do Covid-19 gia tăng trở lại trên toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Số ca mắc và tử vong do Covid-19 đang gia tăng trở lại trên toàn cầu, làm giảm hy vọng người dân có thể sớm quay trở lại cuộc sống bình thường tại nhiều quốc gia vốn được xem là đang khống chế dịch tốt. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 15-7 cho thấy, số người tử vong do Covid-19 đã tăng sau 9 tuần giảm liên tiếp.
Indonesia là một trong số các quốc gia ở Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19

Indonesia là một trong số các quốc gia ở Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19

Không biết phải chờ đến khi nào…

WHO ghi nhận hơn 55.000 người thiệt mạng trong tuần trước, tăng 3% so với tuần trước đó. Cùng với đó, số ca mắc tăng 10% trong tuần trước, lên gần 3 triệu ca. Một số quốc gia ghi nhận số ca mắc cao nhất là Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Anh. Sự đảo ngược này được cho là do tỷ lệ tiêm chủng thấp, việc nới lỏng các quy định về khẩu trang và các biện pháp phòng ngừa khác, đặc biệt là sự lây lan nhanh chóng của biến thể siêu lây nhiễm Delta. Theo WHO, hiện biến thể này đã được xác định ở 111 quốc gia và dự kiến nó sẽ thống trị toàn cầu những tháng tới. Tiến sĩ David Dowdy - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins cảnh báo: “Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng Covid-19 có khả năng bùng phát trở lại bất cứ lúc nào”.

Ở khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia đang vật lộn trong cuộc chiến chống dịch bệnh các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Myanmar, Indonesia… Tại Myanmar, các lò hỏa táng đang phải hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Trong khi đó, Indonesia ngày 15-7 ghi nhận hơn 56.700 ca nhiễm và 1.000 trường hợp tử vong, tăng khủng khiếp so với con số khoảng 8.000 trường hợp/ngày của tháng trước. Chính quyền Indonesia cảnh báo số ca mắc Covid-19 có thể lên tới 60.000 ca và thậm chí đã chuẩn bị cho kịch bản có 100.000 ca mắc mới/ngày. “Những người thợ đào huyệt đã quá mệt mỏi bởi khối lượng công việc liên tục quá tải. Vì vậy, người dân địa phương đã phải hỗ trợ vào công việc mai táng. Vì nếu không làm thế, chúng tôi không biết khi nào mới được chôn cất người thân tử vong vì Covid-19” - anh Jaya Abidin, một người dân địa phương nói.

Tại Mỹ, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới, số ca nhiễm mới được xác nhận mỗi ngày đã tăng gấp 2 trong vòng 2 tuần qua, lên mức trung bình khoảng 24.000 ca, mặc dù số ca tử vong vẫn đang giảm ở mức khoảng 260 ca/ngày. Thủ đô Tokyo của Nhật Bản được đặt trong tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 ngay trước thềm Olympic với tình trạng các ca lây nhiễm tăng nhanh và các giường bệnh chật kín. Các chuyên gia y tế dự báo, các ca lây nhiễm sẽ có thể tăng nhiều trong thời gian diễn ra Thế vận hội.

Sự gia tăng đột biến đã khiến một số nơi phải tăng cường các biện pháp hạn chế, như Sydney, Australia, nơi 5 triệu cư dân sẽ vẫn bị phong tỏa cho đến ít nhất là cuối tháng này, kéo dài hơn 2 tuần so với kế hoạch. Hàn Quốc đã đặt khu vực Seoul vào tình trạng giãn cách mức cao nhất từ trước đến nay vì số ca nhiễm tăng kỷ lục. Ông Sadiq Khan - Thị trưởng London (Anh) cho biết, người dân sẽ phải đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu... mặc dù các quy định hạn chế ở Anh đã được dỡ bỏ vào tuần trước.

Trong bối cảnh gia tăng các ca nhiễm, số ca tử vong tại Argentina - quốc gia vốn đã bị Covid-19 tàn phá nặng nề - đã vượt qua con số 100.000 ca. Tại Nga, số ca tử vong do Covid-19 hàng ngày đạt mức cao kỷ lục trong tuần này. Ở Bỉ, các ca nhiễm Covid-19 do biến thể Delta ở những người trẻ tuổi đã tăng gần gấp 2 trong tuần qua. Lần đầu tiên trong vòng 6 tháng qua, nước Anh ghi nhận tổng số hơn 40.000 ca mắc mới/ngày.

Hãy tiêm vaccine phòng Covid-19 càng sớm càng tốt

Theo số liệu của Johns Hopkins, 7 tháng sau khi triển khai việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, số ca tử vong trên toàn cầu giảm xuống còn khoảng 7.900 ca/ngày, sau khi đạt mức cao nhất là hơn 18.000 ca/ngày vào tháng 1-2021. Số ca lây nhiễm ở mức khoảng 450.000 ca/ngày, giảm một nửa kể từ mức cao nhất vào cuối tháng 4 vừa qua.

WHO thừa nhận, nhiều quốc gia hiện đang phải đối mặt với “áp lực đáng kể” để dỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng ngừa còn lại, đồng thời cảnh báo rằng, nếu các biện pháp không thực hiện đúng cách sẽ tạo cơ hội cho virus lây lan nhiều hơn. Cùng với đó, áp lực đang gia tăng trên toàn thế giới để tăng tỷ lệ tiêm chủng nhằm hạn chế các số ca lây nhiễm. “Nếu bạn đang chờ đợi, nếu bạn còn băn khoăn, hãy đăng ký và tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 càng sớm càng tốt” - Tiến sĩ Dave Chokshi, Ủy viên Y tế thành phố New York (Mỹ) kêu gọi.

Nằm trong nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm thuyết phục người trẻ quan tâm đến việc tiêm vaccine để phòng Covid-19, hôm 14-7 vừa qua, nữ diễn viên kiêm ca sĩ Olivia Rodrigo đã xuất hiện tại Nhà Trắng với thông điệp gửi tới giới trẻ: “Tiêm phòng là việc bạn có thể làm dễ dàng hơn bao giờ hết”.

Trong khi gần 160 triệu người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm hơn 55% dân số, những người trẻ tuổi tỏ ra ít quan tâm hơn. Bang Ohio đang lên kế hoạch cho một chương trình giải thưởng để khuyến khích việc tiêm chủng và Thống đốc Mike DeWine đã thúc giục chính phủ phê duyệt đầy đủ các loại vaccine thay vì chỉ ủy quyền khẩn cấp để giảm bớt sự nghi ngờ của người dân. “Thực tế là bây giờ chúng tôi có “2 Ohio”. Một Ohio đã tiêm chủng và được bảo vệ, một Ohio chưa tiêm chủng và dễ bị tổn thương bởi biến thể Delta” - ông Bruce Vanderhoff, Giám đốc Y tế của bang cho biết.