Sợ bị “bật” khỏi Eurozone, nhiều người dân Hy Lạp vội gật đầu

ANTĐ - Hàng nghìn người dân Hy Lạp lo lắng về khả năng đất nước bị loại khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tập hợp nhau tại Athens vào thứ 3 (30/6), nhằm biểu thị sự ủng hộ với việc bỏ phiếu “Chấp nhận” (Yes) trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới để xem người dân nước này có đồng ý với những điều kiện khắt khe của các chủ nợ nhằm giữ cho Hy Lạp không bị… đổ sụp.

Thủ tướng Hy Lạp ủng hộ phe "Từ chối" trước cuộc trưng cầu dân ý

Một biểu ngữ ghi dòng chữ “Chúng tôi sẽ không trở thành nhà nước Xô Viết cuối cùng”, trong khi nhiều người khác tham gia cuộc mít tinh thì mang cờ Liên minh châu Âu (EU). Họ hô vang “Hy Lạp, châu Âu, dân chủ!”

Diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh Hy Lạp đang phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ vì đã tới hạn phải thanh toán khoản vay cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sau khi các cuộc đàm phán với giới chủ nợ vào cuối tuần qua để bàn về chương trình cứu trợ mới bị thất bại.

Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras thuộc đảng cánh tả thì kêu gọi người dân tham gia cuộc trưng cầu dân ý sắp tới vào ngày 5/7 hãy nói “Từ chối” với những điều khoản khắt khe của giới chủ nợ.

Chính vì thế, đã có những mâu thuẫn giữa 2 luồng ý kiến “Chấp thuận” và “Từ chối” trước thềm trưng cầu dân ý.

Trong khi nhiều người Hy Lạp tin rằng những yêu cầu của giới chủ nợ về việc tăng cao thuế và cắt giảm lương hưu sẽ ảnh hưởng tiêu cực cho đất nước đang phải đối mặt với một trong những tình trạng kinh tế tồi tệ nhất trong thời kỳ hiện đại, thì phe đối lập lại lo sợ việc từ chối yêu cầu sẽ mang lại nhiều rủi ro hơn vì Hy Lạp bị đẩy khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.

“Sẽ thật khó khăn để lựa chọn “Chấp nhận” hay “Từ chối”, nhưng với châu Âu thì chúng tôi có tương lai tốt hơn”, sinh viên đại học 24 tuổi Paula Papagiannopoli bày tỏ. “Tôi cảm thấy rất bất an. Tôi không biết liệu chúng tôi có chút tiền hay công việc nào trong tương lai không”.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nói với người dân Hy Lạp rằng từ chối kế hoạch thắt lưng buộc bụng sẽ khiến nước này bị đẩy khỏi Eurozone và dẫn tới tình trạng bất ổn xã hội và kinh tế lớn hơn. Vậy nhưng, nếu như cuộc trưng cầu dân ý thắng thế theo phe “Chấp nhận” thì nhiều khả năng Thủ tướng Hy Lạp Tsipras sẽ phải ra đi và mở cửa cho những cuộc đàm phán mới, nhằm hướng tới việc cung cấp chương trình viện trợ mới cho Hy Lạp.

Hiện vẫn chưa có kết quả thăm dò ý kiến công khai nào về dư luận Hy Lạp xem người bầu cử sẽ nghiêng về phe “Chấp nhận” hay “Từ chối”. Dù vậy, từ lâu phần đông người dân Hy Lạp vẫn cho rằng họ muốn ở lại trong Eurozone.

“Mọi thứ trong những ngày này thật khó khăn với tất cả chúng tôi, nhưng đó là nguyên tắc cơ bản để Hy Lạp ở lại châu Âu”, nữ sinh viên điều dưỡng 21 tuổi Irene Mathioudaki bày tỏ”. “Châu Âu đưa cho chúng tôi một thỏa thuận thật khó khăn, nhưng ra khỏi Eurozone thì còn tồi tệ hơn thế nữa”.