"Snowden 2" tố cáo: 9/10 nạn nhân của UAV Mỹ là người vô tội

ANTĐ - Một báo cáo điều tra cho biết, 9 trên 10 nạn nhân trong các vụ không kích của máy bay không người lái Mỹ ở Afghanistan đã chết một cách vô tội.

Mỹ chấn động với vụ “Snowden 2” tố UAV lạm sát người vô tội

Có đến 90% nạn nhân các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Không quân Mỹ tại Afghanistan không thực sự là mục tiêu phải tiêu diệt - cổng thông tin Intercept (https://theintercept.com) đưa ra báo cáo điều tra, dựa trên các tài liệu mật của chính phủ Mỹ mà báo giới nắm được.

Đây là 1 trang web được lập ra với mục đích điều tra và công bố những góc khuất trong chương trình giám sát và tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở các quốc gia mà Washington tuyên bố là hang ổ khủng bố như Afghanistan, Yemen và Somalia…

Cuộc điều tra do ông Jeremy Scahill và hai nhà đồng sáng lập The Intercept là Glenn Greenwald và Laura Poitras cùng thực hiện. Họ đã đưa ra chuỗi báo cáo điều tra trong chương trình giải mật mang tên “The Drone Papers”, do nguồn tin nội bộ trong cơ quan tình báo Mỹ cung cấp.

Trong số các sáng lập viên, Glenn và Laura có liên quan tới vụ rò rỉ tài liệu mật của cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden vào năm 2013. Tuy nhiên, cuộc điều tra lần này không dính dáng tới vụ rò rỉ vừa nêu.

Trước khi đăng tải báo cáo trên The Intercept, ông Scahill cho biết “quyết định công bố các tài liệu trong chương trình “The Drone Papers” là để công chúng hiểu rõ quá trình từ lúc một mục tiêu được đưa vào tầm ngắm cho đến khi chính phủ Mỹ hạ lệnh tiêu diệt bằng UAV.

Máy bay không người lái của Mỹ đã nhiều lần bị tố giết người vô tội

Tài liệu được một nguồn tin giấu tên, được mệnh danh là “Snowden 2” cho biết, Tổng thống Mỹ sẽ là người cuối cùng ký duyệt lệnh hủy diệt và thông thường ông Obama mất trung bình 58 ngày để ký lệnh và quân đội Mỹ thực hiện mệnh lệnh trong vòng 60 ngày.

Tập tài liệu có chứa những báo cáo giải mật về các chiến dịch máy bay không người lái của quân đội Mỹ tại Somalia và Yemen giai đoạn 2011 - 2013, do nhóm Đặc nhiệm bí mật 48-4 thực thi và liên quan đến chiến dịch nhắm vào các mục tiêu “giá trị cao” kéo dài 14 năm qua.

Trang Yahoo tiết lộ, hiện FBI đã xác định "một nhân viên của nhà thầu liên bang" đã tiết lộ thông tin cho The Intercept. Tên tuổi người này đang được giấu kín song Yohoonews cũng cho biết rằng, hiện nhà riêng của anh ta ở bang Virginia đã bị lục soát.

Đưa người vô tội vào danh mục “kẻ thù” bởi “đứng gần mục tiêu”?

Bài viết trên Intercept cáo buộc, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc từng tuyên bố chương trình sử dụng máy bay không người lái để loại bỏ các mục tiêu khủng bố là rất chính xác, giảm thiểu tối đa số lượng thương vong dân sự. Thế nhưng, trên thực tế, các tài liệu đó là giả dối.

"Khi có nhiều hơn một người bị giết trong quá trình không kích bằng máy bay không người lái, chẳng có gì đảm bảo là những nạn nhân này xứng đáng nhận cái chết…”. Sử dụng những quái vật vô tri này để giết người là một điều quá ư là mạo hiểm" - nguồn tin xác nhận với cổng thông tin.

Tài liệu mật đánh giá về tác động của chiến dịch Haymaker tại Afghanistan bị rò rỉ

Các tài liệu ghi chép về chiến dịch đặc biệt “Haymaker” do Không quân Mỹ tiến hành từ tháng 1-2012 đến tháng 2 năm 2013 ở miền Bắc Afghanistan đã nêu con số hơn 219 người chết, trong đó chỉ có 35 đối tượng là mục tiêu trực tiếp của giới quân sự" - cuộc điều tra của Intercept cho biết.

Lầu Năm Góc khẳng định tất cả những kẻ bị giết trong các vụ không kích là “kẻ thù bị tiêu diệt trong chiến đấu (EKIA)” nhưng trên thực tế quân đội Mỹ đã xếp những người không rõ danh tính bị máy bay không người lái sát hại vào mục “kẻ thù”, cho dù họ có thể không phải là mục tiêu.

Các tài liệu về chiến dịch máy bay không người lái tại Afghanistan cho thấy, giới chức quân sự Mỹ cho rằng, “bất kỳ ai bị bắt gặp xung quanh mục tiêu không kích đều có tội liên đới”. Việc này giúp che giấu con số thương vong thực sự với dân thường.

Theo những người thực hiện cuộc điều tra, "có hơn một nửa các tin tình báo" chỉ thị mục tiêu thu được bằng phương pháp giám sát và đánh chặn điện tử, nhưng không thể nào xác nhận thông tin tại chỗ. "Chính giới quân sự cũng thừa nhận, họ thiếu thông tin tin cậy từ nguồn điệp viên" - bài viết cho biết.

Các tài liệu bí mật dẫn tới kết luận rằng, chương trình sử dụng UAV tấn công của Washington thể hiện “sự ưa thích các vụ ám sát hơn là bắt giữ”, cho thấy sự bất lực trong việc khai thác tin tức tình báo có giá trị từ những nghi phạm khủng bố, thể hiện sự vô trách nhiệm với tính mạng của dân thường các nước nghèo ở châu Á, châu Phi - ông Jeremy Scahill viết.