SIPRI: Thế giới gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân sẵn sàng triển khai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), vào năm 2020, các cường quốc hạt nhân thế giới đã cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân đang sở hữu so với một năm trước đó, nhưng con số đầu đạn sẵn sàng được triển khai lại tăng.

SIPRI cho biết, vào đầu năm 2020, có khoảng 13.080 đầu đạn hạt nhân được dự trữ tại 9 quốc gia trên thế giới bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên, giảm so với con số 13.400 đơn vị so với một năm trước đó.

Tuy nhiên, số đầu đạn hạt nhân triển khai lên các phương tiện phóng lại tăng thêm 105 đơn vị so với một năm trước đó, đạt 3.825 đầu đạn.

Số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới có thể tăng trong tương lai

Số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới có thể tăng trong tương lai

Nga và Mỹ, 2 quốc gia hạt nhân hàng đầu thế giới, chính là nhân tố dẫn đến sự thay đổi này. Cả hai đều cắt giảm số lượng đầu đạn do loại khỏi biên chế những vũ khí hết hạn, tuy nhiên lại triển khai vào các phương tiện phóng thêm 50 đầu đạn.

SIPRI dự đoán rằng, sẽ có một sự gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân tăng trong tương lai khi nhiều nước nâng cấp kho vũ khí của mình. Ví dụ như Anh đã tuyên bố nâng số lượng từ 180 lên 260 đầu đạn hạt nhân vào giữa những năm 2020, trong khi Nga cũng biên chế nhiều loại tên lửa đạn đạo có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hơn.

Trung Quốc duy trì vị trí là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới với con số ước khoảng 350 đầu đạn. Theo sau đó là Pháp, Ấn Độ và Pakistan với số lượng lần lượt đạt 290, 256 và 165 đầu đạn.

Israel được tin là có khoảng 90 đầu đạn hạt nhân mặc dù nước này chưa từng công nhận hay bác bỏ. Số lượng đầu đạn của Triều Tiên vẫn được giữ kín nhưng SIPRI ước tính nước này đã sản xuất 40 đến 50 đầu đạn cho tới đầu năm 2021.