Sinh viên tốt nghiệp lại phải đi học nghề

ANTĐ - “Đào tạo tay nghề cao, người học không ngại đóng phí vài chục triệu đồng” - đó là lời khẳng định của ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trường CĐ nghề Công nghệ Hà Nội. Vị Hiệu trưởng này cũng cho rằng không thiếu cách thu hút người học mà cái khó là làm sao đáp ứng kịp nhu cầu thị trường, cả về chất lượng lẫn loại hình.

Sinh viên tốt nghiệp lại phải đi học nghề ảnh 1Các học viên trường dạy nghề có nhiều cơ hội làm việc, đem lại thu nhập cao khi ra trường

Sự bứt phá vượt bậc

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết, Hà Nội đã có gần 100 phiên giao dịch việc làm với gần 20.000 lao động được tuyển dụng. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động nghề có cơ hội việc làm lên đến trên 70% trong số lao động được tuyển. Ông Khuất Văn Thành cũng khẳng định xu hướng đáng mừng là ngày càng có nhiều sinh viên quay sang học nghề vì thấy có cơ hội việc làm tốt hơn. “Các trung tâm đào tạo của chúng tôi vẫn tiếp nhận không ít hồ sơ đăng ký đào tạo nghề từ các sinh viên CĐ, ĐH, thậm chí là cử nhân đã tốt nghiệp” – ông Khuất Văn Thành cho biết.

Dấu ấn về đào tạo nghề trong nước cũng đã được khẳng định trong kỳ thi tay nghề giỏi ASEAN vừa diễn ra tại Hà Nội tuần qua. Ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho  biết, tại kỳ thi tay nghề lần này, chúng ta đã chứng kiến sự bứt phá vượt bậc của các thí sinh tham dự nghề ô tô, thiết kế thời trang, nấu ăn. Cơ hội việc làm với thu nhập tốt cho những lao động tay nghề cao được các nhà quản lý đào tạo nghề khẳng định. Xu hướng này sẽ ngày càng rộng mở tới các nước thành viên ASEAN cùng với việc công nhận trình độ nghề lẫn nhau vào năm 2015, trong một thị trường lao động thống nhất. Theo lãnh đạo Tổng Cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), khi đó, lao động có thể làm việc ở Singapore, Malaysia… với mức lương hấp dẫn lên tới hàng nghìn USD tùy theo bậc nghề.

Mạnh dạn đầu tư chất lượng đào tạo

Trong bối cảnh nhiều trường đào tạo nghề rơi vào ế ẩm, không có người học vì ngành nghề đào tạo không phù hợp với nhu cầu xã hội, ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường CĐ nghề Công nghệ Hà Nội cho biết, điều này không đúng với tất cả các trường nghề. Cụ thể, trường CĐ nghề Công nghệ Hà Nội đang phải tạm dừng tuyển sinh do đã vượt chỉ tiêu 2.300 sinh viên cho năm học mới.

Lý giải về bài toán mắc ở chi phí đầu tư với nhu cầu mở những ngành nghề đào tạo đang nóng, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường lao động, ông Phạm  Xuân Khánh cho rằng, vấn đề là ở cách làm. “Muốn thu hút học sinh thì đào tạo trước hết phải đảm bảo chất lượng. Muốn thế, phải có đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và quan trọng hơn nữa là ý tưởng, quyết tâm của đội ngũ quản lý” – ông Phạm Xuân Khánh khẳng định. “Để thu được học phí cao, tái đầu tư cho chi phí đào tạo thì đầu tiên vẫn phải là chất lượng. Các trường không tập trung đầu tư cho vấn đề này thì không thể có học sinh. Riêng với nghề thiết kế tóc, các tên tuổi trong lĩnh vực này có thể thu hàng chục triệu đồng với mỗi học viên, vậy thì vài triệu cho một khóa học nghề ở trường công lập còn rẻ chán. Vấn đề là người học đã tin tưởng và lựa chọn trường công hay không?”. Với phương thức làm việc này, ông Phạm  Xuân Khánh khẳng định, ở một số ngành đào tạo của trường như thiết kế đồ họa, gia công kim loại, tự động hóa, điện công nghiệp… 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay sau khi ra trường. 

Theo bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng Quản lý đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, hệ thống 316 đơn vị dạy nghề toàn thành phố đã thu hút được 129.000 lượt học viên. “Học sinh tốt nghiệp phổ thông vẫn chủ yếu muốn vào đại học nhưng với sự đầu tư và định hướng đúng cho đào tạo nghề, đem lại cơ hội việc làm với thu nhập ổn định, chúng ta sẽ dần thuyết phục người dân tìm đến lĩnh vực này” – bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ.

Theo Tổng Cục dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam đang đào tạo khoảng 1.500 nghề nhưng những nghề đang hấp dẫn, thu hút học viên bởi có nhiều cơ hội việc làm, đem lại thu nhập tốt hiện nay là nghề điện tử, cơ điện tử, nấu ăn, quản trị du lịch, lái tàu biển, thủy thủ tàu…