Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp nhiều nhất

ANTĐ -Nếu như cách đây một vài năm, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” nhức nhối khi số sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp rất lớn thì đến đầu năm nay, không chỉ “thầy” mà cả “thợ” cũng khó tìm việc làm.

Sáng nay, 20-7, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 1-2015. Theo bản tin này, trong quý 1 năm nay, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong cả nước chiếm 77,4%, giảm so với cuối năm 2014 (77,7%). Thế nhưng, số lao động có việc làm là 52,43 triệu người, cũng giảm hơn 1 triệu người có việc làm so với 2014, đồng nghĩa với việc số lao động thất nghiệp tiếp tục gia tăng.

Điểm sáng của thị trường lao động đầu năm nay là lao động làm công ăn lương và thu nhập của họ tăng so với cuối 2014

Cụ thể, trong quý 1 năm nay, cả nước có 1.159.800 người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,43%, tăng mạnh so với cuối năm 2014 (2,05%). Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,43%, tăng 0,22% so với 2014; tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên (15-24 tuổi) cũng tăng mạnh so với 2014, từ 6,17% (năm 2014) lên 6,6%).

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động – Bộ LĐ-TB&XH cho biết, điểm đáng chú ý là nếu như mọi năm sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp nhức nhối nhất, thì năm nay, nhóm thất nghiệp nhiều nhất lại rơi vào lực lượng lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng và lao động không có bằng cấp, chứng chỉ.

Cụ thể, so với quý IV năm 2014, số lao động tốt nghiệp đại học, trên đại học thất nghiệp tăng từ 165.600 người (năm 2014) lên 177.700 người; số lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 74.700 người lên 100.600 người; số lao động không có bằng cấp, chứng chỉ thất nghiệp tăng từ 600.500 người lên 726.100 người.

Nhóm lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề bị thất nghiệp ở quý 1 năm nay cũng tăng, mức tăng giao động từ 1.600 người lên 12.600 người.

Bên cạnh đó, bức tranh thị trường lao động những tháng đầu năm nay cũng có những điểm sáng lên, tương tác chặt chẽ với sự hồi phục của nền kinh kế. Đó là số lao động có việc làm công ăn lương gia tăng, thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương tăng, chuyển dịch cơ cấu lao động theo địa bàn, ngành nghề có chiều hướng tích cực.