Sinh viên phản ánh chưa dùng thẻ tín dụng đã nhận tin nhắn đòi nợ, ngân hàng lên tiếng

ANTD.VN - Được nhân viên ngân hàng đến tận  trường mời mở thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi, quà tặng hấp dẫn, nhiều sinh viên đã vô tư ký vào hợp đồng mở thẻ, nhưng đến năm sau mới “ngã ngửa” khi bị nhắn tin đòi nợ, thậm chí tính lãi phạt.

Theo một số sinh viên Học viện Ngân hàng, năm ngoái, có một số nhân viên Ngân hàng TPBank vào trường, đến từng lớp mời mở thẻ tín dụng.

Do được giới thiệu nhiều tính năng, ưu đãi hấp dẫn cùng nhiều quà tặng khi mở thẻ, như gối, cây đấm lưng, sổ, bút… thủ tục mở thẻ lại đơn giản, chỉ cần cung cấp họ tên, số điện thoại, hình ảnh CMND mà không cần chứng minh tài chính, khả năng trả nợ nên nhiều sinh viên đã đồng ý mở thẻ.

Tuy nhiên, khoảng 1 năm sau, nhiều người nhận được tin nhắn yêu cầu nộp phí, thậm chí phải nộp thêm lãi phạt và phí hủy thẻ.

Được biết, nhiều sinh viên Học viện Ngân hàng rơi vào tình trạng tương tự như trên. “Các anh chị bên ngân hàng nói mở thẻ có thể chi tiêu một khoản tiền trước sau đó trả sau, miễn lãi trong 45 ngày. Nghĩ sinh viên có lúc thiếu tiền nên em đồng ý mở thẻ “phòng thân”, tuy nhiên đến nay cũng chưa có nhu cầu sử dụng gì mà đã bị tính phí” – một bạn sinh viên cho biết.

Phóng viên An ninh Thủ đô đã liên hệ TPBank để tìm hiểu về sự việc này, đại diện TPBank khẳng định có phát hành loại thẻ tín dụng dành riêng cho sinh viên là thẻ TPBank Visa FreeGo.

Đây là sản phẩm thẻ được phát hành cho nhiều đối tượng, trong đó có nhóm đối tượng khách hàng trẻ là sinh viên với hạn mức thẻ dành cho sinh viên là từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Thẻ TPBank Visa FreeGo là loại thẻ tín dụng hiếm hoi phát hành cho đối tượng sinh viên (Ảnh TPBank)

“TPBank phát hành thẻ này cho sinh viên đang theo học tại những trường đại học, học viện có uy tín tại Việt Nam để đảm bảo thêm sự tín nhiệm và trình độ hiểu biết nhất định. Hiện tại, chỉ có một số trường nằm trong danh sách được TPBank áp dụng chương trình và các chương trình TPBank triển khai đều xin ý kiến và được sự đồng ý, hỗ trợ từ nhà trường” – đại diện TPBank cho biết.

Tuy nhiên, phía TPBank không tiết lộ về số lượng, tỷ lệ kích hoạt thẻ cũng như nợ xấu phát sinh từ loại thẻ dành cho đối tượng sinh viên này.

Về phản ánh của một số sinh viên về việc chưa từng kích hoạt thẻ nhưng vẫn bị tính phí thường niên, đại diện ngân hàng khẳng định việc kích hoạt thẻ chỉ được thực hiện khi có sự yêu cầu hoặc đề nghị của khách hàng.

Cụ thể là khách hàng sẽ nhắn tin theo cú pháp được TPBank quy định bằng số điện thoại đã đăng ký và cung cấp cho TPBank; hoặc khách hàng chủ động gọi điện tới Tổng đài chăm sóc Khách hàng của TPBank để được hỗ trợ.

Về mức phí thường niên, TPBank cho biết, thực hiện thu phí theo đúng Biểu phí và thời gian quy định của ngân hàng đồng thời căn cứ theo các điều kiện - điều khoản đã ký kết với khách hàng.

“Các thông tin này khách hàng đã được tư vấn cụ thể khi mời mở thẻ gồm giới thiệu, cung cấp đầy đủ các thông tin trước khi ký Đơn đề nghị phát hành kiêm hợp đồng sử dụng thẻ” – TPBank khẳng định. 

Đồng thời, ngân hàng khuyến cáo khách hàng trước khi mở thẻ nên tìm hiểu kỹ các thông tin về sản phẩm như lợi ích, tính năng, khuyến mại, biểu phí, thời gian trả nợ… để tối ưu hóa các lợi ích mà sản phẩm này mang lại đồng thời tránh được những khoản phí phát sinh.

Có thể thấy, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mại lớn nhằm mời chào khách hàng mở thẻ tín dụng. 

Theo ghi nhận, không chỉ sinh viên mà nhiều khách hàng khi nghe tư vấn về những chương trình khuyến mại đã đăng ký mở thẻ, dù nhu cầu không thật sự cần thiết và cũng không tìm hiểu kỹ các điều khoản trong Hợp đồng sử dụng thẻ, biểu phí thẻ.

Cũng không loại trừ có nhân viên sale của ngân hàng vì áp lực chỉ tiêu nên tư vấn không đầy đủ cho khách hàng những điều khoản liên quan, dẫn đến sau một thời gian sử dụng, thậm chí chưa sử dụng gì, người dùng mới tá hỏa khi phải thanh toán hàng loạt loại phí.