Sinh viên “mì ăn liền”

ANTĐ - Trong số 60 triệu người ở độ tuổi lao động của nước ta, số được qua đào tạo là 46%. Tức là 100 người mới có 46 người được đào tạo qua các cấp học, trong số đó chỉ có 8% được đào tạo đại học, cao đẳng. Trong khi đó, ở Thái lan là 14%, Malaysia là 20%...

- Ông lấy đâu ra những con số tỷ mẩn, cụ thể và khô khan thế?

- Ai bảo là khô khan? Đấy là những con số đã được người đứng đầu Chính phủ vừa đưa ra trong buổi đối thoại với đại biểu thế hệ trẻ cả nước. Con số “biết nói” lên cái sự đào tạo bất cập, bất hợp lý ở ta.

- Báo chí, các nhà giáo có tâm huyết lên tiếng “kêu cứu” mãi rồi. Thế giới người ta cho ra lò 1 sinh viên đại học, 4 trung cấp, 10 công nhân kỹ thuật. Còn ở ta thì đầu ra là 1 sinh viên; 1,3 trung cấp và 0,9 công nhân kỹ thuật. Cho nên lâu nay đâu đâu cũng kêu toáng lên là thừa thầy thiếu thợ.

- Đâu phải chỉ thừa thầy thiếu thợ mà đang thiếu cả thầy lẫn thợ. Lâu nay cứ thấy thiên hạ khen ta có ưu thế vượt trội “nguồn nhân lực giá rẻ”, rồi tưởng là vinh dự, tự hào lắm.

- Nói cho thật lòng, cho thật chuẩn thì ta đang vừa thừa, vừa thiếu cả thầy lẫn thợ, thế mới đáng lo.

- Sự thật vốn đã phũ phàng và khó nghe lọt tai, nhưng tôi nhớ có một vị giáo sư đã nói trắng ra thực trạng không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đã phải đi tiếp thị mì ăn liền.

- Sinh viên “mì ăn liền” còn may chán, bụng đói chân mỏi chỉ cần xin tí nước sôi đổ vào cốc nhựa là căng bụng lại tiếp thị tiếp. Chính ông Bộ Giáo dục công bố năm ngoái có tới 63% số sinh viên ra trường rồi… đứng đường.

- Đào tạo kiểu “mì ăn liền” không theo nhu cầu thị trường thì tất nhiên đứng đường thôi. Nói trắng ra, tư duy và làm ăn kiểu “mì ăn liền” là ăn xổi, là chột giật. Đâu chỉ trong đào tạo, dạy nghề, hướng nghiệp.

- Quả thế thật, mì ăn liền trong bóng đá, trong thủy điện, trong hàng bao dự án, công trình… Sinh viên “mì ăn liền” còn dài, chứ những gói “mì ăn liền” kia thì no cả đời.