Sinh viên kiếm việc làm thêm dịp hè: Đừng hoa mắt bởi "việc nhàn, thu nhập cao"

ANTĐ - Vào dịp hè, nhiều sinh viên có nhu cầu tìm việc làm thêm để có thu nhập. Tranh thủ cơ hội này, một số Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) đã tung chiêu lừa ngày càng tinh vi khiến không ít “con mồi” nhanh chóng “sập bẫy”.

Sinh viên kiếm việc làm thêm dịp hè: Đừng hoa mắt bởi "việc nhàn, thu nhập cao" ảnh 1Tìm được việc làm phù hợp là mong muốn của nhiều bạn trẻ

Điệp khúc “nộp hồ sơ, tiền và chờ”!

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, bạn Vũ Thu Hương - sinh viên trường ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, do gia đình có khó khăn nên vào kỳ nghỉ hè, Hương không về quê mà ở lại Hà Nội tìm việc làm để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng, Hương biết có công ty đang tuyển công nhân bơm xăng. Gọi điện đến đây, Hương được nhân viên trực điện thoại cho biết thời gian làm việc theo ca nên khá phù hợp với sinh viên, lương khởi điểm là 7 triệu đồng/tháng và ứng viên chỉ cần nộp hồ sơ, không phải nộp thêm bất cứ khoản tiền nào. Nghĩ mình đã tìm được công việc phù hợp, Hương cầm hồ sơ đến một địa chỉ tại phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội thì bất ngờ được thông báo phải nộp 350.000 đồng tiền quần áo đồng phục.

Nộp tiền xong, người phụ trách văn phòng hứa với Hương như đinh đóng cột: “Cứ yên tâm về nhà chờ, chậm nhất sau 1 tuần sẽ có người gọi điện báo đi làm”. Tuy vậy, sau 2 tuần không thấy tin tức gì, Hương sốt ruột gọi lại thì tiếp tục được nghe hứa “chờ 2 tuần nữa do chưa sắp xếp nhân sự xong”. 

“Đến lúc này em mới nghĩ mình bị lừa. Em cũng đã đề nghị rút hồ sơ và số tiền đồng phục đã nộp nhưng họ từ chối với lý do hồ sơ đã thu rồi không trả lại, còn tiền thì chi nhánh đã nộp lên trên để… mua quần áo. Đành chấp nhận mất tiền oan để mua lấy bài học nhớ đời vậy” - Hương thở dài.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, khi vừa nghỉ hè,  Lê Văn Thắng - sinh viên trường Cao đẳng Du lịch đã nhận làm nhân viên giao hàng cho một số điểm bán bánh kẹo, đồ uống giải khát qua một trung tâm giới thiệu việc làm. Trước khi nhận việc, Thắng phải nộp 400.000 đồng cho trung tâm để đặt cọc với lời hứa “nếu công việc này không phù hợp sẽ giới thiệu việc khác”. Tuy vậy, sau 1 tuần làm việc cật lực, Thắng đã phải bỏ việc, chấp nhận mất toàn bộ tiền đặt cọc.

“Khối lượng hàng phải giao quá nhiều trong ngày với thời tiết nắng nóng khiến em kiệt sức. Không những thế, em không được hỗ trợ tiền xăng xe do “không đảm bảo chỉ tiêu” nên nếu tiếp tục, tiền lương không đủ bù tiền xăng. Em đã yêu cầu công ty đổi việc khác nhưng họ nói vì em tự ý muốn nghỉ chứ không do nguyên nhân khách quan nào nên không chấp nhận” - Thắng cho biết. 

Cần tìm hiểu kỹ để tránh bị lừa

Công việc làm thêm dành cho sinh viên hiện nay khá đa dạng, từ chạy bàn, giao hàng, lễ tân, trực tổng đài, phát tờ rơi, giúp việc nhà, tiếp thị bia, rượu, thuốc lá… Và câu chuyện họ bị “sập bẫy” các TTGTVL cũng không phải là vấn đề mới, dù đã được cảnh báo nhiều lần song vẫn có không ít người mắc lừa. Lợi dụng nhu cầu kiếm việc làm thêm trong dịp hè của sinh viên khá lớn, các  trung tâm đua nhau tung ra các thủ đoạn tinh vi bằng những lời giới thiệu có cánh: “Mức lương cao, công việc nhàn, không cần kinh nghiệm, không yêu cầu trình độ, năng lực, thời gian làm việc tự chọn, ứng viên không phải đóng bất cứ một khoản chi phí nào”… Những quảng cáo này xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, tại các cột điện, cổng trường hay các nhà chờ xe buýt làm hoa mắt các sinh viên đang “khát” việc, “khát” tiền.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Xuân Đạt - giảng viên trường Đại học dân lập Phương Đông, việc các sinh viên có mong muốn đi làm thêm là chính đáng, cần được khuyến khích, bởi nó không chỉ giúp các em có thêm thu nhập mà còn mang lại nhiều kinh nghiệm, kỹ năng sống, giúp ích cho cuộc sống sau này. Tuy vậy, nhiều em đã bị các TTGTVL lừa tiền ngay trong lần đầu tiên nên đã tỏ ra hoang mang, mất lòng tin vào cuộc sống. 

Điều đáng nói là, hầu hết sinh viên khi bị lừa đều không trình báo hoặc không có bằng chứng để tố cáo việc lừa đảo nên các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các trung tâm này. Để tránh “tiền mất, tật mang”, mỗi sinh viên khi có nhu cầu tìm việc cần tham khảo thông tin từ bạn bè, người quen, đến các TTGTVL có uy tín, có địa chỉ rõ ràng như các văn phòng Đoàn, Hội, các trung tâm hỗ trợ sinh viên.

Trước khi nhận việc phải cân nhắc kỹ xem việc đó có phù hợp với mình hay không, tính toán các khoản chi phí cho việc đi lại và phương tiện giao thông phù hợp. Đặc biệt khi nộp bất cứ khoản tiền nào, mỗi sinh viên cần thận trọng, yêu cầu bên thu đưa hóa đơn thu tiền có đóng dấu đỏ để có căn cứ giải quyết tranh chấp phát sinh sau này, đồng thời đọc kỹ các điều khoản trước khi ký hợp đồng lao động…