Sinh viên đau đầu vì những bất cập của hình thức học trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ ngày 4-5-2021, hàng loạt trường đại học đã chuyển sang hình thức học trực tuyến để đảm bảo sức khỏe và an toàn xã hội. Với sinh viên, học trực tuyến có lẽ không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, hình thức học này vẫn khiến nhiều sinh viên phải “đau đầu” vì nhiều bất cập, hạn chế.

Sự tập trung dễ bị phân tán

Khác với kiểu học truyền thống, học trực tuyến đòi hỏi sự tập trung cao độ của cả giảng viên và sinh viên. Sự duy trì kết nối giữa hai bên là yếu tố quan trọng để buổi học đạt kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, điều này lại không hề dễ dàng. Trong quá trình truyền đạt và tiếp thu kiến thức qua mạng, mọi thứ xung quanh đều có thể trở thành “vật cản”, gây nhiễu sự tập trung.

Người học trực tuyến dễ bị tác động bởi không gian xung quanh

Người học trực tuyến dễ bị tác động bởi không gian xung quanh

Nếu như trên lớp, giảng viên hoàn toàn làm chủ buổi học, dễ dàng nắm bắt hoạt động của các sinh viên thì khi dạy trực tuyến, họ không thể phát huy tối đa quyền lực ấy. Sự hạn chế trong việc kiểm soát dẫn đến tình trạng sinh viên học theo kiểu đối phó, chống chế. Lâu dần, nó sẽ khiến sinh viên mất đi niềm say mê, hứng thú với công việc học tập.

Trên thực tế, rất ít sinh viên đảm bảo được sự tập trung xuyên suốt toàn buổi học. Chỉ một tiếng động nhỏ cũng đủ làm gián đoạn quá trình tiếp nhận thông tin. Ngoài ra, việc chăm chú nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại trong khoảng thời gian dài sẽ khiến nhiều người bị mỏi mắt, đau đầu, làm giảm chất lượng của sự tập trung.

Hạn chế tương tác trực tiếp giữa người học và người dạy

Trong môi trường đại học, sự tương tác trực tiếp giữa sinh viên và giảng viên là yếu tố cần thiết, quan trọng. Điều này vừa giúp sinh viên hiểu sâu hơn nội dung bài học, vừa thôi thúc các giảng viên chia sẻ nhiều kiến thức mới và bổ ích.

Từ khi chuyển sang học trực tuyến, hoạt động trao đổi trực tiếp giữa hai bên không thể diễn ra như trước. Không khí buổi học trở nên nặng nề khi giảng viên chỉ tập trung dạy, cung cấp tài liệu, còn sinh viên chỉ ngồi lắng nghe và ghi chép qua màn hình.

Nguyễn Thị Thu Uyên, sinh viên năm thứ ba ngành Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết: “Cá nhân mình thích kiểu học truyền thống hơn. Vì với việc lên lớp, mình được gặp gỡ trực tiếp các giảng viên, bạn bè, dễ dàng trao đổi kiến thức, giải đáp mọi thắc mắc. Có thể nói, việc trực tiếp gặp gỡ, nghe giảng tạo hứng thú học tập cho mình, cũng như nâng cao các kĩ năng thuyết trình, làm việc nhóm”.

Việc học phụ thuộc nhiều vào công nghệ

Một trong những nhược điểm lớn nhất của việc học trực tuyến đó là phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ. Đây cũng là nỗi lo lắng của giảng viên và sinh viên mỗi lần tổ chức và tham gia buổi học. Không ai có thể lường trước được sự cố kĩ thuật sẽ xảy ra trong quá trình truyền đạt thông tin.

Đường truyền kém, nghẽn mạng, lỗi ứng dụng… là các yếu tố khiến buổi học trực tuyến bị gián đoạn. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí, sức sáng tạo của người học và làm giảm sự nhiệt huyết, hưng phấn của người dạy.

Nguyễn Minh Châu, sinh viên năm thứ ba ngành Luật kinh tế, trường Đại học Thăng Long, chia sẻ: “Tốc độ mạng quyết định rất lớn đến chất lượng của buổi học trực tuyến. Đôi khi, dù cố gắng chăm chú nhưng mình vẫn không thể nghe rõ lời giảng của thầy cô vì kết nối chập chờn. Đối với những lớp có số lượng sinh viên lớn thì tình trạng mất ổn định về âm thanh, hình ảnh càng xảy ra thường xuyên hơn”.

Sinh viên Nguyễn Minh Châu trong một buổi học trực tuyến
Sinh viên Nguyễn Minh Châu trong một buổi học trực tuyến

Bên cạnh yếu tố kết nối mạng, học trực tuyến còn đòi hỏi sinh viên và giảng viên phải có hiểu biết nhất định về công nghệ và các thiết bị điện tử. Sử dụng thành thạo máy tính, điện thoại sẽ giúp cho quá trình truyền đạt, trao đổi tri thức trở nên dễ dàng, thuận lợi, kích thích sự chủ động của người học.

Dù tồn tại bất cập nhưng không thể phủ nhận rằng, học trực tuyến chính là giải pháp hữu hiệu nhất trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Nhiều trường đại học trên cả nước đã lựa chọn hình thức học này để duy trì chương trình giảng dạy và đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội. Nếu phải học trực tuyến lâu dài, mỗi sinh viên cần tích cực rèn luyện sự tập trung, nâng cao tinh thần tự giác, chủ động để việc học diễn ra suôn sẻ và đạt chất lượng cao nhất.