“Sinh ra đủ bộ phận, sao nó lại cắt đi cho người dưng”

ANTĐ - Cho đến bây giờ, khi nhắc đến việc làm của con mình (anh Vũ QuốcTuấn, thôn 8, xã Minh Phú, Đoan Hùng, Phú Thọ) là hiến một quả thận cho một người dưng, mẹ anh, bà Nguyễn Thị Mão, đã ngoài 80 tuổi dường như vẫn chưa hết lo lắng cho sức khỏe của anh. Lúc ấy, bà khóc ngày khóc đêm, bà bảo con: “Tao sinh mày ra trong người đủ bộ phận, hay mày không có tiền bán đi thì bảo tao”. Nhưng nào có phải anh bán thận để lấy tiền mà là hiến thận cho người khác mà không nhận một đồng bù đắp nào…

Đó vẫn là nỗi đau đáu của người mẹ già ở quê nhà trước hành động hiến thận của con trai.

Vũ Quốc Tuấn sinh ra trong một gia đình nông nghiệp kinh tế không lấy gì làm khá giả, anh lại thiệt thòi so với bạn bè trang lứa khi không có được một sức khỏe bình thường, một cánh tay của anh bị liệt nhẹ. Khi lấy vợ, rồi con cái đi học, kinh tế thêm gánh nặng, vợ chồng anh bàn nhau vay tiền cho vợ đi xuất khẩu lao động, nhưng không may mắn khi số tiền vợ mang về chỉ đủ trả nợ. Trong thời gian ấy, anh phải xuống Hà Nội xin làm bảo vệ ở Bệnh viện Nhi Trung ương để kiếm thêm tiền trang trải học hành cho con và nuôi mẹ già. 

Thời gian làm việc ở đây, anh mới thấu hiểu trên đời còn nhiều người khốn khổ hơn mình. Đau lòng nhất là những người cha, người mẹ phải bán hết tài sản trong nhà để chạy chữa cho con cái mà vẫn phải nuốt nước mắt nhìn con đau đớn, chết dần chết mòn từng ngày. Trong những hoàn cảnh ấy, có hai mẹ con nhà chị Nguyễn Thị Thanh và cháu Tạ Thị Thu Hà nhà ở Gia Lâm, Hà Nội khiến anh ám ảnh trong từng giấc ngủ. Hai mẹ con chị dường như đã coi Bệnh viện Nhi Trung ương là nhà khi suốt 6 năm trời, chị Thanh phải đưa con đều đặn 3 lần/tuần. Cháu Hà mới 18 tuổi, đang cái tuổi đẹp nhất của đời người nhưng bệnh tật dường như đã vắt kiệt sức lực của cô bé. Anh Tuấn cảm thấy thắt buốt trái tim mỗi lần nhìn thấy người mẹ khóc hết nước mắt vì thương con gái nhỏ tuổi đã chịu đau đớn, bệnh tật ngày càng nguy kịch. Cũng có con gái trạc tuổi Hà nên anh Tuấn hiểu nỗi đau của người mẹ khi nhìn đứa con giờ còn đấy nhưng có thể chỉ một lúc sau đã lìa xa cõi đời này. Lúc này Hà chỉ còn một con đường sống là ghép thận nhưng cánh cửa may mắn gần như đóng sập trước mắt cô bởi gia đình quá khó khăn. Bố Hà thì bị hỏng một mắt khi tham gia chiến trận tại biên giới phía Bắc, mẹ Hà thì vừa bị bệnh hen, vừa phải cáng đáng nuôi 3-4 người vừa ăn học, vừa đưa con đi chữa bệnh.

Khi biết cháu Hà sẽ có cơ hội sống khi được ghép thận, anh đã nảy ra ý định táo bạo là cho thận. Ý định cho thận đến với anh thật nhẹ nhàng, anh bảo điều làm anh trăn trở hơn cả là hoàn cảnh đáng thương của cháu Hà chứ không phải quyết định cho thận. “Lúc đó chỉ nghĩ sao cứu được cháu chứ không cần nghĩ đến hậu quả sẽ ra sao”. Ý định ấp ủ trong lòng, anh Tuấn không chia sẻ với ai ngoài cô con gái nhỏ đang học ở Hà Nội. Cô bé nói với anh rằng, bố cứ làm những việc bố cho là đúng. Ngầm hiểu đó là một sự đồng tình, sự động viên, anh đã viết đơn xin hiến tạng. 

Từ chối 50.000 USD để hiến thận cho người nghèo

Dù biết việc làm của mình là đúng nhưng anh không dám chia sẻ với những người thân trong gia đình ngoại trừ cô con gái, vì nếu mọi người biết, chắc chắn sẽ ngăn cản. Anh tự mình tìm đường sang nhà chị Thanh, cháu Hà  tìm hiểu gia cảnh, và khi thấy hoàn cảnh gia đình thực sự đáng thương, anh càng quyết tâm hơn. Chia sẻ ý định với các bác sĩ, anh nhận được nhiều sự động viên, khích lệ. Thế nhưng cũng có không ít lời ra tiếng vào, đa số những người biết chuyện của anh trong bệnh viện đều không tin, có người nghĩ rằng anh bán thận chứ cho gì. Thế nhưng anh chỉ im lặng và lặng lẽ đi làm mọi thủ tục cần thiết để hiến thận. Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương hồi đó, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm có giải thích với anh rằng, việc hiến thận không hề đơn giản, không phải cứ muốn là làm được mà sẽ phải trải qua quá trình theo dõi, tiến hành nhiều xét nghiệm song song với người bệnh. Nếu hai cơ thể có những chỉ số tương thích, việc cho - nhận mới thành công. “Bác sĩ cũng giải thích những hậu quả của việc cho thận và hỏi tôi đã suy nghĩ kỹ chưa, tôi bảo tôi đã suy nghĩ kỹ và đồng ý tất cả” - anh Tuấn kể lại thời điểm viết đơn hiến tạng.

Thật may, khi xét nghiệm máu thì anh Tuấn mang nhóm máu O, cùng nhóm máu với Hà. Các bác sĩ bảo người có nhóm máu O có thể cho máu tất cả các nhóm máu khác nhưng chỉ nhận được máu của người có cùng nhóm máu. Dường như, việc mang một nhóm máu có thể cho nhiều hơn nhận, cũng ảnh hưởng đến một phần tính cách của anh vậy. 

Sau khi làm một số xét nghiệm, anh được các bác sĩ tâm lý đến trò chuyện, hỏi han, và khi chắc rằng anh thực sự tỉnh táo khi quyết định cho thận, họ đã tiến hành thêm nhiều xét nghiệm khác. Suốt 3 tháng trời, anh phải tự mình đi khắp các khoa phòng, bệnh viện để tiến hành hơn 60 xét nghiệm khác nhau, và kết quả thật kỳ diệu, tất cả các chỉ số giữa anh và Hà cùng tương thích, việc cho thận hoàn toàn có thể tiến hành. Quá bất ngờ trước nghĩa cử của anh, gia đình Hà vừa mừng, vừa lo lắng căng thẳng, có lẽ họ không thể tin được lại có một người dưng sẵn sàng hiến cho họ một phần cơ thể mà không yêu cầu đền đáp gì. Người nhà Hà gợi ý chuyện đền đáp, anh gạt đi: Tôi làm việc này không phải vì tiền, nếu vì tiền tôi đã cho người khác rồi. Tôi chỉ nhờ mọi người trông nom tôi mấy ngày nằm viện, vì người nhà không ai biết việc làm này của tôi mà xuống trông nom. Nghe anh nói thế, chị Thanh, mẹ Hà ứa nước mắt không nói nên lời. Cũng trong khoảng thời gian làm các xét nghiệm, có một gia đình nghe tin anh cho thận đã tìm đến anh đặt vấn đề mua quả thận với giá 50.000 USD nhưng anh đã từ chối càng khiến gia đình chị Thanh cảm phục hơn nghĩa cử của anh.

Vậy là ngày 20-10-2008, ca phẫu thuật ghép thận được tiến hành. Tỉnh dậy sau 8 tiếng gây mê, nằm trong phòng cách ly, câu đầu tiên anh hỏi về tình hình sức khỏe của Hà và được các bác sĩ thông báo ca phẫu thuật bước đầu đã thành công, anh như muốn reo lên vui sướng. Khi chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương chở anh về nhà, mọi người ùa ra đón. Mẹ già và người vợ vừa đi xuất khẩu lao động về nước mắt ngắn dài, vì bỗng nhiên anh tắt điện thoại bặt tin hàng tháng trời không ai biết. Anh cười động viên mọi người: Con chỉ bị ốm, bác sĩ đã điều trị đỡ rồi nên cho về. 

Rồi sức khỏe Hà dần hồi phục và được xuất viện, anh đích thân đến thăm hỏi gia đình Hà nhiều lần để chắc rằng quả thận của mình thực sự mang lại cuộc sống khỏe mạnh hơn cho cô bé. 

Người như anh, thật hiếm

Trong câu chuyện lan man, tôi càng cảm phục anh Tuấn hơn, bởi anh có một tâm hồn nhân ái hiếm có. Anh kể, không chỉ lần này cho thận cháu Hà mà tính anh, thấy người cần giúp thì anh giúp ngay không đắn đo. Một lần đi công chuyện, đang dừng chân ven đường anh thấy hai con trâu húc nhau sắp lao vào một đứa trẻ gần đấy, không kịp nghĩ anh lao vào bế đứa trẻ thoát nạn trong gang tấc. Lần ấy anh bị trâu húc ngã gãy xương sườn ngất đi, được người dân đưa vào viện cấp cứu. Khi tỉnh dậy, anh lặng lẽ về nhà và cũng không cần biết mình đã cứu được ai. Mãi đến khi đài truyền hình tỉnh đưa tin gương người tốt việc tốt, thì gia đình em bé nọ mới biết ân nhân cứu mạng con mình và đến cảm ơn. 

Ấy thế mà trong một lần đi khám lại chiếc xương sườn bị gẫy tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, thấy gia đình một cháu bé kêu khóc vì con bị bệnh nặng, phải mổ ngay mà không có máu truyền, anh liền đề nghị bác sĩ lấy máu của mình truyền cho cháu bé, dù người vẫn chưa hồi phục. 

Anh Tuấn tâm sự, dù thích làm việc thiện nhưng anh lại rất ngại việc ơn huệ. Khi tôi hỏi gia đình Hà và anh hiện nay còn liên lạc gì không, thật bất ngờ, anh cho biết, từ khi thay số điện thoại anh cũng không cho gia đình Hà biết. Mãi đến gần đây, gia đình Hà mới tìm được số điện thoại của anh và gọi điện hỏi thăm. Khi tôi hỏi về sức khỏe hiện tại, anh cho biết, dù sức khỏe sau ca phẫu thuật hiến thận bị giảm một phần, nhưng anh chưa bao giờ ân hận về quyết định của mình. May mắn đến với anh là sau khi cho thận, biết được việc làm nghĩa cử của anh, Công ty cơ khí 17 (Tổng cục Công nghiệp, Bộ Quốc phòng) đã quyết định nhận anh vào làm với công việc hành chính nhẹ nhàng nên anh không phải mất quá nhiều sức lực.