Singapore muốn đưa ASEAN thành vùng kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu

ANTD.VN - Là Chủ tịch ASEAN năm 2018, Singapore đã vạch ra tầm nhìn của ASEAN cũng như những đóng góp có thể của nước này nhằm đem lại sự thịnh vượng cho khu vực. 

Hội nghị Tầm nhìn ASEAN 2018 do Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore tổ chức chiều 17-1 có sự góp mặt của nhiều quan chức các nước ASEAN và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong khu vực.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Ts Robert Yap, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế ASEAN đánh giá, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp của ASEAN đã bước lên khu vực dẫn đầu thế giới là nhờ vào số hóa và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi vậy, trong năm nay, Singapore sẽ có những đóng góp trọng điểm cho ASEAN với sự tập trung vào quá trình số hóa doanh nghiệp.  

Theo chương trình trưng cầu ý kiến của Liên đoàn doanh nghiệp Singapore, phần đông các doanh nghiệp tại Singapore sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư trong khu vực ASEAN là Myanmar, Việt Nam và Campuchia.

Trong khi, chương trình Phát triển Quốc gia Thông minh (Smart Nation Growth) của Singapore tập trung vào 3 điểm quan trọng là: số hóa, bền vững và đồng đều (Digitalization, Sustainability, Symbiotic). Yếu tố mới chính là sự đồng đều, nhằm đưa cả những nước nằm ở ngưỡng thấp của ASEAN cùng phát triển đồng bộ với sự phát triển của ASEAN.

Ts Koh Poh Poon, Thứ trưởng Bộ Công Thương và Bộ Phát triển Quốc gia Singapore trong bài phát biểu nhấn mạnh, điểm cốt lõi trong chương trình ASEAN mà Singapore triển khai là nhằm hướng tới mục tiêu đưa ASEAN thành vùng kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu với GDP vùng lên mức 3.000 tỷ USD.

Ông Koh Poh Poon nói, muốn đạt mục tiêu này, ASEAN phải nỗ lực vượt qua và thành công tiến trình hội nhập các nước thành viên, thống nhất được các chính sách trong khu vực, đón nhận những công nghệ mới ra đời và đang phát triển mạnh mẽ như IoT (Internet of Things) và AI (trí tuệ nhân tạo).

Ts. Koh Poh Koon cho biết, 4 chìa khóa của chương trình ASEAN 2018 sẽ bao gồm: Một là, nâng cao thương mại điện tử, đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ (micro SME); Hai là, xây dựng chiến lược một cửa sổ ASEAN nhằm cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác xuất nhập khẩu (hiện tại, Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Singapore đã tham gia vào chương trình này); Ba là triển khai sâu rộng chương trình ATISA (ASEAN Trade in Services Agreement) nâng cao hiệu quả hợp tác, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ, đầu tư và tài chính; Bốn là, nâng cao đối thoại giữa ASEAN và các vùng kinh tế khác.