Siêu tiêm kích Su-35 "đắt khách", sau khi tham chiến ở Syria

ANTĐ - Sau khi Trung Quốc trở thành khách hàng đầu tiên, Indonesia có thể là khách hàng thứ 2 và còn nhiều nước nữa cũng đang quan tâm đến dòng chiến đấu cơ tiên tiến Su-35S của Nga.

Sau Trung Quốc, Indonesia sẽ trở thành khách hàng thứ 2?

Sự quan tâm của thị trường vũ khí toàn cầu đối với máy bay chiến đấu đa năng thế hệ mới nhất Su-35S của Nga đã gia tăng, có liên quan tới việc Nga sử dụng thành công loại máy bay này trong chiến dịch chống tổ chức khủng bố IS tại Syria.

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti ngày 10-2 dẫn lời Giám đốc Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (TSAMTO - trụ sở ở Moscow) là ông Igor Kortochenko cho biết, sau khi thể hiện tính năng ở Syria, Su-35S đã trở thành hàng “hot” trên thị trường xuất khẩu máy bay.

Ông Kortochenko đưa ra nhận định trên khi bình luận về tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Riamizarda Riachudu rằng, bộ quốc phòng nước này có kế hoạch ký hợp đồng với Nga về việc mua sắm 10 chiến đấu cơ đa năng Su-35 ngay trong tháng 3 tới.

Hồi đầu tháng này, Đại sứ Indonesia tại Moskva Jauhari Oratmangun cho biết, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thông qua phương án mua các chiến đấu cơ Su-35 và để tiếp tục các cuộc đàm phán với đối tác Nga, Bộ trưởng Ryamizard Ryakudu sẽ đến thăm Nga trong thời gian tới.

Từ giữa năm 2015, Jakarta đã tiến hành các cuộc đàm phán với Moscow về việc mua máy bay chiến đấu Su-35 để thay thế cho dòng máy bay chiến đấu Northrop F-5 Tiger II do Mỹ chế tạo. Nước này đã lựa chọn Su-35 sau gần 2 năm nghiên cứu, cân nhắc.

Theo truyền thông Indonesia, điểm mấu chốt của thương vụ Su-35S là việc luật pháp nước này quy định, bất kỳ hợp đồng mua vũ khí nước ngoài nào của Indonesia cũng phải kèm theo thỏa thuận chuyển giao ít nhất 35% công nghệ chế tạo, để phát triển công nghiệp hàng không nội địa.

Chiến đấu cơ Su-35S của Nga được đánh giá là có khả năng đối phó với cả tiêm kích thế hệ 5 của phương Tây

Nếu Nga đồng ý với điều kiện này, không quân Indonesia có thể sẽ mua tới 1-2 phi đội Su-35 (khoảng 32 chiếc) để thay thế các máy bay F-5 Tiger già lão của Mỹ đã sử dụng gần 40 năm.

Ngày 1-2 vừa qua, Bộ quốc phòng Nga đã chính thức tuyên bố đặt 4 siêu tiêm kích thế hệ 4++ của Nga là Su-35S vào trạng thái chiến đấu, ở sân bay Hmeymim-Latakia của Syria, sau khi chúng bí mật núp bóng máy bay vận tải hạng nặng bay sang Syria vào ngày 29-1.

Đợt triển khai trong đội hình chống khủng bố IS của VKS ở Syria đánh dấu cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên loại tiêm kích hàng đầu thế giới, được coi là vượt trội các chiến đấu cơ đồng hạng của phương Tây, là đối trọng của cả F-35 và F-22 này, được triển khai tham gia một hoạt động quân sự.

Nga đưa Su-35S sang Syria quảng bá vũ khí?

Ông Korotchenko cho rằng, việc Su-35 trở nên đắt khách là điều dễ hiểu bởi nó hiện là máy bay chiến đấu đa chức năng thế hệ 4++ tốt nhất trên thị trường thế giới nhưng giá thành chỉ bằng 2/3 các chiến đấu cơ đồng hạng của phương Tây. Hiện nay, ngoài Trung Quốc và Indonesia, đã có thêm một số nước bày tỏ sự quan tâm đến chiến đấu cơ này.

Máy bay chiến đấu đa năng tiên tiến thế hệ 4++ Su-35 (NATO gọi là Flanker-E) là một phiên bản nâng cấp cực cao trên cơ sở máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4 Su-27 Flanker. Máy bay được trang bị đầy đủ khả năng tác chiến đối không/đối hải/đối đất, với 8 tấn vũ khí các loại. 

Su-35S có tốc độ siêu nhanh, độ cơ động cực cao bởi được trang bị động cơ phản lực vector thế hệ AL-41F là 117S (AL-41F-1S), radar Irbit-E của nó thuộc loại radar thụ động (PESA) có độ nhạy cao, phạm vi phát hiện rất xa, không bộc lộ bức xạ điện từ, khiến địch rất khó phát hiện máy bay.

Không quân Indonesia sẽ thay thế loại máy bay F-5 cũ kỹ của Mỹ bằng Su-35S của Nga

Máy bay chiến đấu Su-35 có khả năng tấn công toàn diện, đối không, đối hải, đối đất, được đánh giá có sức mạnh vượt trội các máy bay chiến đấu cùng thế hệ của phương Tây như F-16, Typhoon, Rafale…, thậm chí là đối đầu ngang ngửa các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 của Mỹ như F-22 và F-35.

Nga quyết định đưa Su-35 sang Syria với mục đích “bảo vệ các máy bay ném bom và cường kích” của nước này, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tố cáo máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 của Nga lại tiếp tục xâm phạm không phận nước này và đe dọa sẽ “tái hiện một vụ Su-24 mới”.

Từ khi mở chiến dịch quân sự ở Syria, Nga đã đưa sang đây rất nhiều loại vũ khí hiện đại, không hề liên quan gì đến IS như: Hệ thống phòng không tầm cao/tầm xa S-300 và S-400; hệ thống phòng không dạng điểm Pantsir-S; hệ thống tác chiến điện tử mặt đất Krasukha, hệ thống tác chiến điện tử trên máy bay Khibiny, Richag-AV; xe tăng chiến đấu chủ lực T-90…

Nhiều chuyên gia đang nghi ngờ mục đích Moscow điều Su-35S sang Syria, bởi các máy bay tiêm kích nước này hiện diện ở sân bay Hmeymim như Su-27SM, Su-30SM thừa đủ sức đối phó với các máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, Tornado hay Typhoon của Anh, Rafale hoặc Mirage của Pháp…

Các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, việc điều Su-35 sang Syria “chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo” chẳng khác gì hành động “dùng dao mổ trâu cắt tiết gà”. Hành động này của Moscow chỉ đơn thuần là màn quảng bá tính năng của Su-35S ra thị trường thế giới.

Xem clip chiến đấu cơ Su-35S thể hiện tính năng ở sân bay Hmeymim: