Siêu thị - nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy cao nhất

ANTD.VN - Siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) là nơi thường xuyên tập trung đông người  và cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy cao nhất. Chỉ một người không ý thức hoặc nhân viên lơ đãng khi tối muộn ra về quên tắt công tắc, ngắt cầu dao điện trong kho hàng, phòng làm việc, quầy ăn uống cũng có thể dẫn đến chập điện gây cháy, nổ.

Siêu thị điện máy 6 tầng tại khu vực chợ Xuân Mai bị cháy hoàn toàn

An toàn PCCC tại các siêu thị và TTTM trên địa bàn Hà Nội đang đến mức báo động đỏ. Nhiều lần phóng viên ANTĐ cùng đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra thực tế công tác chấp hành an toàn PCCC tại một số siêu thị, TTTM đã chứng kiến sự đối phó của đơn vị quản lý, xem nhẹ an toàn cháy, nổ. 

Tại sao siêu thị thường cháy về đêm?

Siêu thị Thành Đô, nằm tại địa chỉ số 352 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân,  Hà Nội đã bị lửa thiêu rụi vào rạng sáng 16-9. Người dân chứng kiến cho hay, nơi phát hỏa được xác định ở tầng 1, gần vị trí của đội bảo vệ siêu thị Thành Đô. Lực lượng bảo vệ đã sử dụng bình cứu hỏa và các phương tiện chữa cháy khác song không khống chế được ngọn lửa.

Chỉ trong thời gian ngắn, ngọn lửa bén vào các vật dễ cháy tại tầng 1 của siêu thị này như bỉm, giấy, đồ nhựa, hàng tiêu dùng… rồi lan rộng ra toàn bộ tầng 1 có diện tích mặt bằng hơn 300m2 và bùng phát mạnh, có xu hướng bốc cao lên tầng 2.

Trước tình hình này, bảo vệ siêu thị và người dân đã báo cho lực lượng PCCC  chuyên nghiệp. Phòng Cảnh sát PCCC số 8 - Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội - đơn vị phụ trách chữa cháy trên địa bàn quận Hoàng Mai và Thanh Xuân đã điều động 8 xe chữa cháy cùng xe chở nước và lực lượng đến hiện trường khoanh vùng dập lửa, chống cháy lan. 

“Không có gì hạn chế được hỏa hoạn bằng việc tuân thủ an toàn PCCC. Hơn nữa, đối với máy móc thiết bị điện tử thì việc kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng đúng định kỳ là yêu cầu quan trọng để kịp thời phát hiện thay thế. Tại siêu thị đã có hệ thống PCCC, báo cháy nhưng phải bảo trì bảo dưỡng mới hiệu quả, nếu bỏ qua biện pháp này để lâu ngày không may thiết bị hư hỏng thì khi xảy cháy sẽ cháy lan, cháy lớn. Nhằm hạn chế xảy cháy tại siêu thị, nhân viên bảo vệ ca trực phải là người kiểm tra cuối cùng các hệ thống trong mọi thời điểm nhận ca, giao ca. Tắt các thiết bị điện khi đóng cửa siêu thị…”

Đại tá Nguyễn Ngọc Châu (Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 8 - Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội) 

Do vụ cháy có diễn biến phức tạp, đơn vị đã yêu cầu chi viện từ các phòng chữa cháy địa bàn xung quanh. Sau đó, 2 xe chữa cháy từ Phòng Cảnh sát PCCC số 7 - Thanh Trì đã tham gia phối hợp dập lửa. Lực lượng công an địa bàn, dân phòng cũng có mặt phối hợp hỗ trợ lực lượng chữa cháy  làm nhiệm vụ.

Sau hơn 1 giờ, đám cháy mới cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, do  những cấu kiện bị vùi lấp đè lên tàn lửa và vải vóc, lực lượng cứu hỏa phải tổ chức dập tàn đến 8h30 cùng ngày mới tắt hẳn. Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người.

Trước đó, vào cuối năm 2016, lửa cũng thiêu rụi siêu thị 6 tầng tại cổng chợ Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội lúc rạng sáng. Chị Nguyễn Thịnh An, ở xã Thủy Xuân Tiên là tiểu thương bán hàng tại chợ Xuân Mai kể lại: “Khói ban đầu lan ra từ siêu thị kèm theo những tiếng nổ, ít phút sau khói đen bốc cao cả chục mét, nhiều tiểu thương trong chợ nháo nhác sơ tán đồ đạc. Chúng tôi hô hào khản giọng mà mãi sau mới thấy bảo vệ chạy từ tầng hầm ra ngoài. Khi đó tất cả bị lửa nung nóng khiến phần góc chợ sụp xuống nên lực lượng PCCC phải tháo dỡ các quầy hàng bằng tôn, tạo lối tiếp cận từ phía sau siêu thị, tìm cách khống chế đám cháy”.

Hệ lụy của sự thờ ơ với an toàn PCCC

Trao đổi với phóng viên, chỉ huy Đội kiểm tra, hướng dẫn, Phòng Cảnh sát PCCC số 8 cho hay: “Siêu thị Thành Đô từng bị xử phạt nhiều lần về vi phạm an toàn PCCC. Trong đó có lỗi để khoảng cách gian hàng, chất dễ cháy không đúng quy định và để vật dụng dễ cháy gần các ổ, bảng điện. Nhiều lối thoát nạn, tiêu lệnh chữa cháy bị hàng hóa bịt kín…”. Sự chây ì, không chấp hành an toàn PCCC đã dẫn đến hậu quả nặng nề mà  siêu thị Thành Đô phải gánh chịu.

 Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 8 cho biết: “Tại sao siêu thị xảy cháy thường vào ban đêm, hoặc rạng sáng là bởi sau giờ tan ca, các nhân viên hoặc bảo vệ quên tắt thiết bị điện trong phạm vi khu vực. Thời gian hoạt động ban ngày do có nhiều thiết bị khiến điện chưa đủ mạnh để nung nóng đường dây, mối nối. Tuy nhiên, đến đêm các hệ thống không hoạt động, dòng điện mạnh khiến dây không chịu tải được dẫn đến chập cháy. Từ việc chập cháy dây điện, tàn lửa rơi xuống các nơi có chất dễ cháy như quần áo, vải vóc… nhanh chóng bùng phát thành cháy lan, cháy lớn”.

Cũng theo Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, hiện nay hầu hết các siêu thị đều vi phạm an toàn PCCC, bởi đều tận dụng không gian bày hàng hóa, trong khi đó một số siêu thị thuê lại không gian tại chung cư, tòa nhà, nên việc thiết kế thiếu đồng bộ. Đơn cử như siêu thị tại tòa nhà số 15-17 Ngọc Khánh, quận Ba Đình, các gian hàng bịt kín hầu hết các điểm để bình cứu hỏa, tiêu lệnh chữa cháy và duy nhất chỉ có cửa thoát nạn. 

Siêu thị càng trở nên dễ cháy bởi các máy móc chứa đồ đông lạnh hoạt động liên tục không nghỉ, không được bảo dưỡng. Hàng trăm loại máy móc, mô tơ hoạt động để duy trì sự hoạt động của siêu thị, nhưng không mấy ai quan tâm duy tu, bảo dưỡng, chỉ đến khi xảy cháy, xác định nguyên nhân do chập điện từ máy móc mới giật mình: “Không hiểu sao lại có thể cháy được”? 

Cùng với nguyên nhân chủ quan, còn có nguyên nhân khách quan bởi nơi tập trung đông người là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Mặc dù đã cấm hút thuốc, nhưng không phải người dân nào cũng chấp hành, ngay cả nhân viên bảo vệ của siêu thị đôi khi hút thuốc xong cũng dúi vào đâu đó chứ chưa thực sự ý thức dập tàn.

Do siêu thị lơ là công tác phổ biến về an toàn lao động, lại thay đổi người liên tục, nhiều nhân viên siêu thị không biết sử dụng bình chữa cháy, khi phát hiện cháy không biết phải xử lý như thế nào cho đến lúc lửa bùng phát to mới gọi được người trợ giúp thì đã quá muộn.