Siêu tàu sân bay 100.000 tấn là giấc mơ viển vông của Nga?

ANTD.VN - Nga đã tuyên bố kế hoạch xây dựng siêu tàu sân bay mới bất chấp việc nước này đang phải thắt chặt chi tiêu quân sự. Theo chuyên gia quân sự Zachary Keck viết trên tạp chí National Interest, Nga sẽ không chỉ gặp khó khăn trong ngân sách mà còn nhiều vấn đề khác ngăn cản kế hoạch của họ trở thành sự thật.

Phó Tư lệnh hải quân Nga Viktor Bursuk từng tuyên bố vào tháng 6 rằng, lực lượng này nhất định sẽ xây dựng một chiếc tàu sân bay mới. Chiếc tàu sân bay đang tạm thời có tên là Dự án 23000E Shtorm với lượng giãn nước lên tới 100.000 tấn, tức là gấp đôi tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

Shtorm sẽ dài 330m, mang được tối đa 90 máy bay cùng hàng nghìn thủy thủ và nhân lực hỗ trợ. Nó sẽ được trang bị máy phóng máy bay điện từ, cùng hàng loạt vũ khí phòng không và chống ngư lôi. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết, hải quân Nga sẽ kí hợp đồng đóng tàu chính thức vào năm 2025 để ra mắt Shtorm vào năm 2030.

Nga có tham vọng đóng tàu sân bay 100.000 tấn

Tuy nhiên, theo chuyên gia Zachary Keck, kế hoạch này phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là chi phí lên tới 9 tỉ USD hoặc thậm chí lớn hơn, trong khi ngân sách của Nga đang có chiều hướng giảm trong 3 năm gần đây. Việc xây dựng một tàu sân bay cũng sẽ kéo theo việc chế tạo ra nhiều chiếc tàu khác để hoạt động cùng nó, tức là sẽ tiếp tục đặt gánh nặng lên ngân sách.

Vấn đề khác nằm ở lĩnh vực công nghệ khi Nga chưa bao giờ giỏi trong việc đóng tàu sân bay, nếu không muốn nói thẳng là không có kinh nghiệm gì.

Chiếc tàu Đô đốc Kuznetsov là một trong 3 tàu sân bay Liên-xô chế tạo và tất cả kinh nghiệm hay nhà xưởng liên quan đều được đặt ở Ukraine. Shtorm được mong cho là sẽ trang bị động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng Nga hay thậm chí là Liên-xô chưa từng chế tạo một động cơ hạt nhân lớn như vậy cho tàu chiến.

Ngoài ra, hệ thống máy phóng máy bay điện từ cũng được xem là một bước tiến dài về công nghệ so với kiểu cất cánh cầu bật trên Đô đốc Kuznetsov.

Nhân tố cuối cùng khiến việc Nga sở hữu một chiếc tàu sân bay thế hệ mới đó chính là nhu cầu của việc này. Nếu so sánh, Nga chắc chắn không cần tàu sân bay nhiều như Mỹ, trong khi nước này vẫn còn nhiều dự án phát triển vũ khí đang cần được ưu tiên. Moscow chắc hẳn cũng hiểu rằng, việc tạo ra các loại tên lửa có khả năng vươn tới mục tiêu cách xa hàng nghìn km là điều dễ dàng và cần thiết hơn một chiếc tàu sân bay, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.