Siêu pháo chống vệ tinh của Trung Quốc chỉ để dọa người?

ANTĐ - Theo tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defence Weekly, hình ảnh từ vệ tinh cho thấy có hai khẩu siêu pháo tại Trung tâm thử nghiệm pháo binh, nằm ở phía tây bắc của Thành phố Bao Đầu-Trung Quốc. 

Bài báo cho biết, hai khẩu pháo được đặt trên các bệ bê tông, 1 khẩu có chiều dài 80 feet (24 mét) và khẩu kia dài khoảng 110 feet (33,5 mét). Các bệ này xuất hiện vào khoảng thời gian từ tháng 9-2010 đến tháng 12-2011, công ty Astrium là người đầu tiên phát hiện và chụp được hình ảnh của hai khẩu pháo này qua vệ tinh, họ cũng xác nhận rằng, trong tháng 7 năm 2013, hai khẩu pháo vẫn còn nguyên tại chỗ.

Hình ảnh chụp vào năm 2011 tại Trung tâm thử nghiệm gần thành phố Bao Đầu, nằm trong khu tự trị Nội Mông - Trung Quốc cho thấy, phía trước khẩu pháo dài khoảng 110 dặm Anh (33m) bố trí một loạt các vật thể dường như là mục tiêu. Điều này cho thấy trung tâm này đang kiểm nghiệm một loại lực xuyên phá nào đó của một loại pháo cao tốc.

Bài báo còn cho biết, từ trước đến nay, Trung Quốc luôn quan tâm tới việc chế tạo các loại pháo tầm xa, cỡ lớn. Trong những năm 1970 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm siêu pháo “Tiên Phong”, là một bộ phận trong “Công trình 640”, thuộc chương trình phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Siêu pháo chống vệ tinh của Trung Quốc chỉ để dọa người? ảnh 1

Siêu pháo Babylon của Iraq do Gerald Vincent Bull thiết kế 


Từ những năm 1990, có người đã tiết lộ Trung Quốc đã tiến hành xây dựng sàn thử nghiệm siêu pháo tầm xa tương tự như sàn thử nghiệm siêu pháo Babylon của công trình sư hỏa pháo thiên tài Gerald Vincent Bull đã thiết kế cho Iraq. Mà trong thập niên 80, chính Bull đã từng tích cực tham gia vào chương trình chế tạo siêu pháo tầm xa của công ty công nghiệp phương Bắc-Trung Quốc.

Loại siêu pháo “Tiên Phong” có chiều dài 85 feet này có thể chính là khẩu nhỏ hơn trong 2 khẩu siêu pháo vừa phát hiện ở trên. Năm 1980, sau khi Dự án 640 hủy bỏ, có thể nó đã được cất trữ để phục vụ cho mục đích thử nghiệm sau này. Rất có khả năng khi Gerald Vincent Bull bị ám sát bởi cơ quan tình báo Mosad của Israel năm 1990 thì không còn ai giúp đỡ Trung Quốc hoàn thành kế hoạch này nữa.

Xét về lý thuyết, siêu pháo Babylon sử dụng cơ chế phóng đạn kiểu nén khí siêu tốc, vừa có khả năng đánh chặn tầm xa, vừa có thể lấy mục tiêu là các vệ tinh đang bay trong quỹ đạo. Tuy nhiên, chiều dài của khẩu siêu pháo mang tên “tiểu Babylon” là 150 feet (khoảng 46m), còn siêu pháo ở trung tâm Bao Đầu chỉ có chiều dài 105 feet (khoảng 32m).

Siêu pháo chống vệ tinh của Trung Quốc chỉ để dọa người? ảnh 2

Hình ảnh vệ tinh của Trung tâm thử nghiệm siêu pháo Bao Đầu


Trên thực tế, cho dù hai khẩu siêu pháo này được thiết kế dựa trên lí luận siêu pháo của Gerald Bull, nhưng khả năng nó được sử dụng trong nhiệm vụ đánh chặn tầm xa hoặc chống vệ tinh là rất thấp, bởi vì từ lâu Trung Quốc đã đi theo hướng nghiên cứu, chế tạo các loại tên lửa sử dụng trong 2 nhiệm vụ này. Hơn nữa, loại siêu pháo này cho đến nay vẫn chưa nước nào, kể cả Mỹ có thể chế tạo thành công.