Siêu lừa Ngân “gốm” và bài học cảnh giác không bao giờ thừa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuối tháng 8-2021, cộng đồng mạng “dậy sóng” trước bản thông báo truy tìm Đỗ Thị Kim Ngân (còn được biết đến với biệt danh Ngân “gốm”) do CAH Gia Lâm (Hà Nội) phát ra, liên quan đến chuỗi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nửa tháng sau, “sóng” lại tiếp tục “dậy”, khi người đàn bà 36 tuổi này bị lực lượng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội phối hợp cùng CAH Gia Lâm bắt giữ.

Tìm hiểu phần nào vụ án Đỗ Thị Kim Ngân lừa đảo, bất kỳ ai cũng có thể đặt câu hỏi: Vì sao dễ kiếm tiền thế? Vì sao nhiều người lại dễ mắc lừa đến thế?

Ngân “gốm” bên chiếc siêu xe để “làm màu”

Ngân “gốm” bên chiếc siêu xe để “làm màu”

Chiêu trò hàng tốt giá rẻ

Đỗ Thị Kim Ngân sinh năm 1985, hộ khẩu thường trú tại Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Dù không phải con nhà nòi làm gốm, cũng chẳng có cơ sở kinh doanh gốm sứ nào, nhưng người đàn bà này lại được cộng đồng mạng biết đến với biệt danh Ngân “gốm”, hay “Paula gốm”... Ngân nổi tiếng trên mạng xã hội sau khi thực hiện nhiều phi vụ quảng cáo, bán hàng, nhận tiền rồi… mất hút.

Sau khi Ngân “gốm” mất tích rồi bị bắt, nhiều nhóm bán hàng online, facebook của nhiều cá nhân đua nhau “tố” bị Ngân lừa. Danh sách bị hại trải dài cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. CQĐT CAH Gia Lâm thống kê, sơ bộ từ cuối tháng 6-2021 đến nay đã có khoảng 10 người trình báo bị Ngân “gốm” lừa với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể, khoảng đầu tháng 9-2020, qua mạng xã hội, anh Nguyễn Mạnh Hùng (44 tuổi, trú ở tỉnh Đắk Lắk) tình cờ đọc được trang Facebook của Đỗ Thị Kim Ngân đăng bán bộ bàn ghế bằng gỗ trắc và 1 chiếc đồng hồ Rolex với giá 150 triệu đồng. Anh Hùng đã trao đổi với Ngân mua bộ bàn ghế và chiếc đồng hồ trên, thống nhất sẽ chuyển tiền cho Ngân trước. Khi Ngân đã nhận đủ tiền thì chuyển hàng về địa chỉ của anh Hùng.

Trong các ngày từ 28 đến 30-9-2020, anh Hùng 3 lần chuyển khoản cho Ngân 150 triệu đồng. Ngân nhắn lại cho anh Hùng là đã nhận đủ tiền và hàng hóa đã cho lên xe cotainer để chuyển vào Đắk Lắk. Tuy nhiên nhiều ngày sau đó, anh Hùng vẫn không nhận được bộ bàn ghế và chiếc đồng hồ nào. Sau nhiều lần nhắn tin, gọi điện yêu cầu Ngân chuyển hàng, nếu không phải trả lại tiền, anh Hùng chỉ nhận được sự thách thức, chửi bới của Ngân “gốm”. Trước diễn biến này, cuối tháng 6-2021, anh Hùng đã trình báo sự việc đến CAH Gia Lâm.

Quá trình tiếp nhận trình báo của anh Hùng, CAH Gia Lâm còn tiếp một nguyên đơn khác tố giác Ngân lừa đảo. Đó là chị Đỗ Thị Hân (31 tuổi, quê quán Hưng Yên). Năm 2019, chị Hân kết bạn qua Zalo với Ngân và thỉnh thoảng vẫn trò chuyện khá thân thiết. Khoảng cuối tháng 11-2020, chị Hân thấy Ngân đăng trên Zalo về việc bán chiếc điện thoại iPhone 11 Promax với giá 5 triệu đồng. Chị Hân lập tức nhắn tin hỏi mua và dĩ nhiên Ngân “gốm” đồng ý. Ngay tối hôm đó, chị Hân chuyển tiền qua tài khoản cho Ngân vì sợ chậm sẽ có người khác mua.

Song cũng giống như anh Hùng, cả tuần sau đó, chị Hân không nhận được điện thoại. Sau nhiều lần nhắn tin, gọi điện, cuối cùng chị bị Ngân chặn liên lạc. Điểm chung của cả 2 sự việc này là bị hại chỉ tiếp xúc với Ngân “gốm” qua mạng xã hội, không biết rõ nơi ở cũng như việc kinh doanh thực chất của đối tượng ra sao. Họ chỉ cùng mắc bẫy bởi những món hàng Ngân chào bán đều quá rẻ so với giá trị thực.

Mạng ảo, lừa thật

Cuối tháng 8, đầu tháng 9-2021, Ngân “gốm” bị bắt khi đang phiêu dạt tại Thanh Hóa. Trái với những gì hào nhoáng trên Zalo, Facebook, lời khai của Ngân “gốm” khiến nhiều người… ngã ngửa. Đó là Ngân không có cửa hàng, không có giấy phép kinh doanh bất cứ mặt hàng gì. Ngân chỉ hay lên mạng xã hội, “mượn” hình ảnh bán hàng của người khác để đăng bài bán hàng cho mình. Khi có người mua hàng, đặt hàng (thường là đồ gốm sứ, bàn ghế, xe máy, tivi, đồng hồ, đồ điện tử...) Ngân yêu cầu khách chuyển tiền trước qua tài khoản ngân hàng, rồi hứa hẹn sẽ chuyển hàng theo đường bưu điện hoặc chuyển phát nhanh.

Tuy nhiên sau khi nhận được tiền của khách, Ngân lấy cớ khách hàng đã… có lời lẽ chửi bới, xúc phạm nên không giao hàng, không trả lại tiền và chặn mọi liên lạc. Ngoài 2 phi vụ chiếm đoạt được 155 triệu đồng của anh Hùng và chị Hân, bước đầu, Ngân “gốm” khai nhận từ năm 2018 đến nay, cùng với phương thức, thủ đoạn như trên, đã lừa đảo chiếm đoạt của 5 cá nhân ở nhiều địa phương với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Đáng chú ý, cùng với việc “săn” những “con mồi” lớn như anh Hùng ở Đắk Lắk, Ngân “gồm” còn lừa đảo chiếm đoạt số tiền chỉ vài triệu đồng như trường hợp chị Tăng Thị Kiều Nhi (33 tuổi, quê quán tỉnh Tiền Giang). Tháng 1-2018, chị Nhi dùng Facebook và biết được thông tin Ngân “gốm” thường hay livestream để bán hàng gốm sứ. Chị Nhi liên hệ đặt mua 1 bộ tranh tứ quý và 1 bộ ấm chén gốm sứ Bát Tràng, tổng trị giá 7 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận sau khi chị Nhi chuyển đủ tiền, trong vòng 1 tuần sẽ nhận được hàng. Nhưng đến tận bây giờ, chị Nhi vẫn chưa rõ mặt mũi bức tranh và bộ ấm chén Bát Tràng ra sao.

Một thủ đoạn khác của Ngân “gốm” khiến chị Tô Thị Thuận (trú TP.HCM) mắc lừa. Đầu năm 2018, chị Thuận thấy Ngân kêu gọi trên Facebook mời mọi người mua hàng để ủng hộ 2 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tên A Sủng và Hà (không rõ địa chỉ cụ thể). Do đó, để ủng hộ chị Thuận đã đặt mua 2 bát khử mùi, 1 bộ tranh tứ quý, 1 bình hút tài lộc, tổng trị giá 10,5 triệu đồng. Nhưng sau khi chuyển tiền, chị Thuận không nhận được số hàng đã mua và bị Ngân chặn mọi liên lạc…

Ngân “gốm” đang bị CQĐT CAH Gia Lâm tạm giam 3 tháng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngân “gốm” đang bị CQĐT CAH Gia Lâm tạm giam 3 tháng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Cảnh giác trước lòng tham

Có thể nói sở dĩ Ngân “gốm” đã tổ chức lừa đảo trót lọt được một thời gian dài, số lượng bị hại rất nhiều một phần là do sự mất cảnh giác và lòng tham khi muốn sở hữu những món đồ giá rẻ một cách... phi lý của các bị hại. Bên cạnh đó, đối tượng này cũng có những thủ đoạn rất tinh vi, thậm chí có độ lỳ lợm, trơ tráo hiếm có.

Nhiều năm trước, không hiểu bằng cách nào, Ngân “gốm” xuất hiện như một điển hình tích cực ở một trang thông tin điện tử dành cho các chị em phụ nữ có số lượng người đọc khá đông đảo. Từ đó, mặc dù nhiều thông tin trong bài không có thực, Ngân vẫn hay chia sẻ đường link rồi tự phong cho mình là “nữ hoàng làng gốm”. Lại có thời điểm, Ngân thuê người lập fanpage mới, chuyên đi copy hình ảnh các loại đồ điện tử, đồ gia dụng “xịn” rồi mang về đăng rao bán với giá bán rất rẻ, chỉ khoảng 1/10 giá trị thật. Ở trang fanpage, Ngân cũng bỏ tiền thuê chạy quảng cáo, tăng lượng theo dõi, tăng lượt like cũng như bình luận. Khi có người vào chat để mua hàng, đối tượng thường tỏ ra “chảnh”, trả lời hết sức vô lễ, cộc lốc và làm ra vẻ không mua cũng không cần vì đang “cháy hàng”. Để rồi sau đó Ngân ung dung nhìn tiền chảy vào tài khoản, bỏ mặc bị hại bức xúc vì ăn phải quả lừa.

Trước khi bị bắt, Đỗ Thị Kim Ngân còn dùng việc bán hàng để kêu gọi cứu trợ thiên tai, vùng kinh tế khó khăn, gây quỹ vaccine phòng chống Covid-19. Song tất cả đều là sự lừa đảo, lươn lẹo. Và chỉ đến khi cơ quan công an vào cuôc thì rất nhiều người mới nhận ra bộ mặt thật của “siêu lừa” Ngân “gốm”.

Trước khi bị bắt, Đỗ Thị Kim Ngân còn dùng việc bán hàng để kêu gọi cứu trợ thiên tai, vùng kinh tế khó khăn, gây quỹ vaccine phòng chống Covid-19. Song tất cả đều là sự lừa đảo, lươn lẹo. Và chỉ đến khi cơ quan công an vào cuôc thì rất nhiều người mới nhận ra bộ mặt thật của “siêu lừa” Ngân “gốm”.