Buổi lễ đã được tổ chức long trọng trước sự chứng kiến của nhiều quan chức cao cấp, trái với buổi lễ hạ thủy âm thầm của nó trên sông Kennebec vào cuối tháng 10-2013.
Theo thông tin thì kể từ khi được hạ thủy đến nay, chiếc tàu đã được hoàn thiện tiếp phần vỏ với lớp sơn mới và các chi tiết khác trên boong tàu, khác với lớp sơn lót màu trắng trông khá lạ mắt trong lần hạ thủy năm ngoái.
Hải quân Mỹ đã đặt tên chiếc tàu khu trục DDG-1000 là Zumwalt để vinh danh Đô đốc Hải quân Elmo Russell Zumwalt, người từng giữ chức Tư lệnh tác chiến hải quân Mỹ giai đoạn 1970-1974. Theo kế hoạch, USS Zumwalt sẽ được chính thức biên chế hoạt động vào năm 2016.
USS Zumwalt - một sản phẩm của Tập đoàn General Dynamics, là tàu khu trục tàng hình đầu tiên của lực lượng hải quân Mỹ và cũng là chiếc tàu khu trục lớn nhất trong lịch sử của hải quân Mỹ, dùng để thay thế cho lớp tàu khu trục Spruance đã được loại biên.
DDG-1000 USS Zumwalt có chiều dài 183 m và rộng 24,6 m, với thiết kế hình tháp, ứng dụng công nghệ tàng hình hiện đại, giảm tối đa diện tích phản xạ radar khiến nó khó bị radar đối phương phát hiện gấp 50 lần so với tàu khu trục bình thường. Tín hiệu đặc trưng radar của DDG-1000 trên màn hình radar đối phương không lớn hơn một chiếc tàu đánh cá loại nhỏ.
Siêu khu trục hạm DDG-1000 USS Zumwalt
Tư lệnh hải quân Mỹ Ray Mabus cho biết trong một tuyên bố: “Giống như Đô đốc Elmo R. "Bud" Zumwalt - tư lệnh tác chiến hải quân thứ 19 đã đặt nền móng phát triển cho hải quân của đất nước chúng ta, tàu khu trục DDG-1000 sẽ giúp định hình lực lượng tác chiến mặt nước Hoa Kỳ trong tương lai”.
Tàu khu trục được trang bị các công nghệ sẽ đem lại nhiều lợi thế cho hải quân Mỹ trong nhiều năm tới, nổi bật nhất là “Hệ thống máy tính tích hợp” toàn bộ con tàu, một mạng lưới an toàn độc lập kiểm soát mọi hệ thống tác chiến từ radar đến vũ khí.
Với một trung tâm nhiệm vụ, một đài chỉ huy mà hầu hết các tàu đều có, nhưng được trang bị các hệ thống điều khiển và trang thiết bị thông tin liên lạc siêu hiện đại, USS Zumwalt còn là chiếc tàu duy nhất có một mạng lưới an ninh, cho phép hạm trưởng có thể kiểm soát mọi hệ thống từ bất kỳ nơi nào trên tàu.
Hệ thống máy tính và tự động còn giúp tàu cần ít thủy thủ hơn. Các tàu khu trục lớp Arleigh-Burke cần tới 210 thủy thủ, nhưng tàu lớp Zumwalt chỉ cần 130 thủy thủ để vận hành, cùng với 28 nhân viên không quân vận hành các hoạt động cất và hạ cánh của 2 chiếc trực thăng tại bãi đáp trên tàu.
Về vũ khí, hiện tại, chiếc tàu khu trục tàng hình này được trang bị 2 bệ pháo AGS 155mm, bắn đạn có điều khiển tầm xa LRLAP (Long Range Land Attack Projectile).
Trung tâm chỉ huy - điều khiển trên tàu
Đạn LRLAP được xem là một cuộc cách mạng đối với pháo binh, nặng 11kg và đạt tầm bắn tới 154km và cơ số đạn lên tới 750 viên. Bệ pháo này còn có thể phóng tên lửa dẫn đường bằng máy tính, tiêu diệt được mục tiêu cách 101 km, gấp 3 lần tầm bắn của các loại pháo hạm hiện tại.
Tàu được lắp đặt hệ thống phóng thẳng đứng MK 57 gồm 20x4 ống phóng; hệ thống tên lửa ESSM; ống phóng tên lửa hành trình chiến thuật Tomahawk; cùng các hệ thống tên lửa chống ngầm và đối hạm khác, cùng 2 súng máy Mk 110, cỡ nòng 57 mm.
Tàu còn được trang bị thiết bị định vị tàu ngầm tích hợp của Raytheon, một hệ thống cảm biến chống ngầm và chống ngư lôi tối tân, tàu còn có khả năng vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ trên bờ, sử dụng những tên lửa tầm thấp có khả năng tránh radar.
Trong tương lai, tàu USS Zumwalt sẽ được tích hợp các công nghệ tiên tiến bậc nhất như súng điện từ nhanh gấp 7 lần tốc độ âm thanh, vũ khí laser hiện quân đội Mỹ đang phát triển, radar hiện đại theo dõi tên lửa đạn đạo…