“Siêu” dự án gang thép trên 7,8 tỷ USD

(ANTĐ) - Cuối tuần trước, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã chính thức ký giấy chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (lãnh thổ Đài Loan) với tổng đầu tư giai đoạn 1 lên đến trên 7,8 tỷ USD.

“Siêu” dự án gang thép trên 7,8 tỷ USD

(ANTĐ) - Cuối tuần trước, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã chính thức ký giấy chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (lãnh thổ Đài Loan) với tổng đầu tư giai đoạn 1 lên đến trên 7,8 tỷ USD.

Các sản phẩm của khu liên hợp gang thép lớn nhất VN sẽ được tiêu thụ tại thị trường trong nước là chính
Các sản phẩm của khu liên hợp gang thép lớn nhất VN sẽ được tiêu thụ tại thị trường trong nước là chính

Đây là kỷ lục dự án FDI lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam được cấp phép, phá kỷ lục của dự án Khu du lịch Hồ Tràm (trị giá 4,2 tỷ USD) tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng vừa được cấp phép trong tháng 5-2008.

Ngày 6-6-2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 869/TTg-QHQT đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo báo cáo khả thi mà Formosa trình lên Thủ tướng, trong giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng các hạng mục của công trình chính của cảng Sơn Dương trên diện tích 1.500 ha bao gồm: đê chắn sóng dài 4312m; nạo vét luồng đến độ sâu 22m, dài 7.000m; 3 cầu tàu 200.000DWT; 5 cầu tàu 30.000DWT, với tổng mức đầu tư trên 619 triệu USD. Khu liên hợp sản xuất gang thép được xây dựng trên diện tích 2.000 ha, có công suất 7,5 triệu tấn/năm. Trong đó, sản xuất phôi vuông 1,5 triệu tấn/năm, phôi dẹt 2,25 triệu tấn/năm, cuộn cán nóng 3,75 triệu tấn/năm, với tổng mức đầu tư về thép là trên 7,25 tỷ USD. Tổng đầu tư cả thép và cảng trong giai đoạn 1 là 7,879 tỷ USD. Trong giai đoạn 2 của dự án, sẽ nâng công suất bốc dỡ của cảng lên khoảng 55-60 triệu tấn/năm. Một số hạng mục công trình chính sẽ được tăng thêm như 2 cầu tàu 200.000 DWT và 2 cầu tàu 30.000 DWT.

Tổng đầu tư cả thép và cảng của "siêu" dự án trong giai đoạn I là 7,879 tỷ USD
Tổng đầu tư cả thép và cảng của "siêu" dự án trong giai đoạn I là 7,879 tỷ USD

Theo tính toán, tổng đầu tư về cảng sẽ tăng thêm 112 triệu USD; các sản phẩm phôi, thép theo đó sẽ tăng lên gấp 2 lần giai đoạn 1 để đạt tới công suất 15 triệu tấn/năm và vốn đầu tư đạt trên 15,5 tỷ USD. Tổng đầu tư thép và cảng trong cả hai giai đoạn là trên 16,2 tỷ USD. Các sản phẩm sản xuất ra của khu liên hợp gang thép lớn nhất Việt Nam này sẽ được tiêu thụ tại thị trường trong nước, phần dư sẽ xuất khẩu.

Dự kiến nếu giai đoạn 1 của dự án (7,5 triệu tấn/năm) được tiến hành đúng thời hạn, thì cuối năm 2011 hoặc tháng 6-2012 ra mẻ thép đầu tiên tại Vũng Áng.

Tiếp sau dự án này, Formosa còn có ý định đầu tư thêm vào Hà Tĩnh dự án nhà máy lọc dầu với công suất 300.000 barrels/ngày (tương đương với 15 triệu tấn dầu thô/năm); và một nhà máy Ethylene 1,2 triệu tấn/năm  cùng các sản phẩm hoá dầu được lấy từ nhà máy lọc dầu. Khi đó, cảng Sơn Dương cũng sẽ được đầu tư, mở rộng để thành một cảng tổng hợp trung chuyển hàng hoá cho Nam Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Bắc Thái Lan và Nam Lào.

Theo ông William Wong, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Formosa, cảng Sơn Dương ở Hà Tĩnh có vị trí chiến lược. Nếu được đầu tư mạnh mẽ, sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu kinh tế Vũng Áng, và các ngành sản xuất gang thép tại địa phương và khu vực lân cận: “Trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành một thành phố lớn sản xuất gang thép trọng điểm quốc tế tại phía Nam tỉnh Hà Tĩnh”. Vì thế, Chính phủ Việt Nam nên quan tâm đầu tư đến những tuyến đường bộ mới ở khu vực này, thẳng đến Đông Bắc Thái Lan và Nam Lào.

Theo Báo cáo thẩm tra của UBND tỉnh Hà Tĩnh, dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương đáp ứng các điều kiện và phù hợp với quy hoạch phát triển ngành thép, quy hoạch cảng biển của Việt Nam và quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng.

ảnh minh họa
ảnh minh họa

Về nhu cầu sử dụng đất, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chuẩn bị các phương án đảm bảo bố trí đủ và giao đất kịp thời theo tiến độ đầu tư. Ông Hồ Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cho biết, hiện công tác giải phóng mặt bằng đang gấp rút được thực hiện để dự án có thể triển khai đúng kế hoạch. “Chúng tôi hy vọng, đến cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, dự án sẽ chính thức được khởi công. Để bảo đảm tiến độ, dự án được cấp phép trước khi có báo cáo về môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm hoàn thành báo cáo này” – ông Tuấn cho hay.

Theo kế hoạch, dự kiến sau 37 tháng, cảng Sơn Dương và lò cao số 1 của nhà máy gang thép sẽ đi vào hoạt động.

Thành Tâm